Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất cáo trạng đề nghị truy tố bị can Đỗ Hữu Ca “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng,ông Đỗ Hữu Ca đã 4 lần nhận tiền của vợ chồng “ông trùm buôn bán hóa đơn” Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh, tổng cộng 35 tỷ đồng, với lời hứa “chạy án” cho vợ chồng bị can Đước. Tuy nhiên, bị can Ca đã không thực hiện lời hứa và giữ lại số tiền đó. Chỉ sau khi bị bắt giữ, bị can Ca mới nộp lại số tiền trên cho cơ quan điều tra.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ở khách thể mà còn là chủ thể của tội phạm. Đúng như vậy, ông Đỗ Hữu Ca - nguyên là Giám đốc Công an T.P Hà Phòng, cựu Thiếu tướng trong Ngành Công an. Những người quan tâm đến cuộc đầu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực; xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo dõi vụ án này, chắc chắn đi từ thảng thốt này đến thảng thốt khác. Quá trình khám xét nơi ở của nguyên Giám đốc Công an T.P Hải Phòng - Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cơ quan điều tra phát hiện ông Ca sở hữu tới 40 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cùng lượng lớn tiền, vàng, ngoại tệ, trang sức… Câu hỏi đặt ra, sao ông ta giàu thế, nay mọi người mới biết.

Chắc chắn, lúc đang làm việc, ông Đỗ Hữu Ca cũng thực hiện việc kê khai tài sản hằng năm. Làm sao để các đối tượng phải kê khai tài sản trung thực? Đây vẫn là một câu hỏi chưa tìm ra lời giải, bởi ngoài các giải pháp, điều quan trọng nhất, mấu chốt nhất là tính trung thực của người phải kê khai thì bây giờ rất khó, rất hiếm.

Nói về tính trung thực, có lẽ vụ việc ông Lê Đức Thọ - cựu Ủy viên T.Ư Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre là một minh chứng điển hình về việc gian dối. Hiện nay, ông Lê Đức Thọ đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trước khi bị bắt, vi phạm của ông Lê Đức Thọ được đánh giá “Mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân”.

Giải trình không trung thực về tài sản, đó là một trong những lý do Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - Lê Đức Thọ bị Hội nghị T.Ư 8 (Khóa XIII) xử lý kỷ luật. Điều mà dư luận đặt vấn đề là tài sản của ông Lê Đức Thọ như thế nào, mà không giải trình về nguồn gốc và biến động một cách minh bạch, trung thực?

Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, năm 2023, có trên 60.000 người kê khai lần đầu; 545.000 người đã kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.000 người kê khai tài sản, thu nhập bổ sung; gần 162.000 người kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.000 người đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của Ngành Thanh tra đã thực hiện xác minh tài sản, thu nhập với 13.000 người; trong đó 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định; 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Dù “lạc quan” đến đâu cũng thấy phân vân khi số người được phát hiện không trung thực chắc chắn là quá ít so với số đối tượng phải kê khai tài sản hằng năm với cơ quan, đơn vị quản lý.

Cũng xin nhắc lại, để kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản phát huy hiệu quả, tránh hình thức, cần thực hiện tốt một số nội dung tại Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản” và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”, trong đó cần tâp trung để hạn chế kê khai tài sản không trung thực.

Là Ủy viên T.Ư Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, là người đứng đầu Đảng bộ một tỉnh, đúng ra ông Lê Đức Thọ cần phải nêu gương đi đầu trong thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc kê khai tài sản. Đáng tiếc, ông không nêu gương. Đáng tiếc hơn, cả cơ chế tổ chức, từ tổ chức Đảng đến tranh tra, giám sát, không phát hiện ra.

Trong trường hợp ông Đỗ Hữu Ca, lúc đang tại vị, không ai phát hiện ra ông tham nhũng, tiêu cực. Ông vẫn được “hạ cánh an toàn”. Đó cũng là một trong những nguyên nhân, nếu không muốn nói là nguyên nhân chính để sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục trượt dài trên “con đường” tự chuyển hóa. Đáng ra với nhân thân của mình, ngay cả khi được nghỉ hưu, về sinh hoạt ở chi bộ Đảng dân phố, ông vẫn phải nêu gương. Thế nhưng, ông đã trở thành kẻ phạm tội.

Về sự nêu gương cũng cần nhắc lại Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành T.Ư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư.

Để thu phục được nhân dân, các đảng viên ngay từ tổ dân phố đã phải nêu gương, chưa nói đến đảng viên có chức trách, quyền hạn, giữ chức vụ trong các cơ quan đơn vị. Chính vì thế Điều 1 của Quy định 08-QĐ/TW nêu rõ: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”.

Đáng tiếc, giữa biện pháp hành chính, luật pháp với thực tế luôn là một khoảng cách rất xa. Người trung thực thường gương mẫu và ngược lại, gương mẫu chỉ có ở những người trung thực. Đây là biện chứng của liêm sỉ.

Ca dao Việt Nam có cả một “kho tàng” về tính thật thà, trung thực. Đời người bắt đầu từ mẫu giáo đã được học bài về trung thực. Đáng tiếc, phẩm chất trung thực với tổ chức của cán bộ, đảng viên ngày càng trở thành xa xỉ. Đây cũng là khó khăn, thách thức của công tác đấu tranh PCTN tiêu cực của Đảng.

Từ Tâm