Sau Tết Mậu Thân 1968, Đại đội 837 được chọn đi tăng cường cho Mặt trận phía Nam. Tuy xa nhau nhưng tôi và Tài vẫn liên lạc bằng thư đều đặn. Trong một lá thư Tài cho tôi biết, đơn vị em đang đứng chân chiến đấu bảo vệ tuyến đường Trường Sơn, đoạn từ Khe Ve đến Cổng Trời. Em đã thực hiện lời tôi dặn là được kết nạp vào Đảng, sau một trận chiến đấu quyết liệt với không quân Mỹ. Bẵng một thời gian tôi không nhận được thư Tài, rồi được tin em hy sinh vào một ngày tháng chạp năm 1970 tại trận địa Bãi Dinh.
Cuối năm 1971, nhân chuyến công tác vào Trường Sơn, tôi tìm Đại đội 837 và gặp chính trị viên Lê Hoài. Anh kể về sự dũng cảm hy sinh của Tài: Hôm ấy, Đại đội sớm bắt mục tiêu, tung lưới lửa, bắn rơi một chiếc A6. Những chiếc còn lại lồng lộn lao xuống ném bom. Hỏa lực mạnh của đơn vị làm cho những tên giặc lái hoảng loạn, ném bom chệch ra ngoài. Chỉ một quả duy nhất trúng vào trận địa, Tài bị mảnh bom văng vào đầu khi đang đứng trên đài quan sát. Chiếc ống nhòm đẫm máu người Tiểu đội trưởng trinh sát, em gục xuống trong vòng tay đồng đội.
Sau khi hoàn tất thủ tục mai táng, chúng tôi tiến hành kiểm kê di vật của liệt sĩ. Trong ba lô của Tài có hai bộ quần áo, chăn màn, tấm áo mưa, chiếc võng bạt với một chiếc hộp thiếc đựng bàn chải, thuốc đánh răng và một cái lược bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Tìm kỹ dưới đáy ba lô còn thấy một gói nhỏ bọc bằng ni lông cẩn thận. Trong đó những lá thư của người thân xếp trên cùng. Phía dưới là một cuốn sổ tay chép những bài thơ chọn lọc của các nhà thơ Tố Hữu, Giang Nam, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa… Nửa sau cuốn sổ là những trang nhật ký, ghi chép ngắt quãng. Chắc vì Tài không có thời gian để viết. Dưới cuốn sổ tay là năm chiếc phong bì đề tên người gửi “Em gái phương xa” được gói trong một chiếc khăn, thêu dòng chữ “Yêu nhau mãi mãi” cùng đôi chim bồ câu tung cánh bay.
Qua những trang nhật ký ít ỏi và các lá thư chúng tôi “trộm đọc”, hóa ra Tài có người yêu từ lúc còn ở Hải Phòng. Cô tên là Thu Hương, dân quân xã T. huyện Thủy Nguyên. Họ quen nhau trong những lần dân quân xã tới giúp đại đội đào đắp trận địa và phối hợp chiến đấu. Hai người đã trao tặng phẩm cho nhau, của Tài là một chiếc bút máy có khắc hai chữ T và H lồng vào nhau, còn của Hương là chiếc khăn thêu. Không hiểu sao mà không có tấm ảnh nào của Hương cả. Lặng đi một chút, Chính trị viên Lê Hoài tiếp tục câu chuyện: Trong cái đêm đơn vị lên đường đi B, sau khi chia tay với Tài, chắc rằng Thu Hương trở về nhà không khỏi xúc động một mình. Trong nỗi nhớ người yêu, Hương còn mong gì hơn là mau đến ngày chiến thắng, để gặp lại Tài trên thành phố Hoa phượng đỏ. Trong thư Thu Hương, cuối mỗi lá thư thường có những câu cháy bỏng yêu thương: “Đừng quên em nghe anh” hoặc “Ở phương trời xa, em yêu anh và nhớ anh vô cùng”, “Gửi đến anh nghìn vạn cái hôn”… Lúc còn sống, mỗi lần nhận thư “Em gái phương xa”, Tài thường trả lời qua quýt: “Thư bạn gái ở quê ấy mà”. Cứ như vậy và mối tình thầm kín ấy chỉ được “tiết lộ” sau khi Tài đã hy sinh. Chúng tôi đến thăm khu chôn cất các liệt sĩ ở một ngọn đồi ven suối. Không có hương, tôi đặt lên mộ các anh những nhánh hoa rừng. Quỳ xuống trước mộ Tài, hình dung lại khuôn mặt, đôi mắt và giọng nói của em, nghĩ đến chuyện tình dang dở, lòng tôi se lại, nước mắt nóng hổi bên khóe mắt. Sau này mỗi khi nhìn thấy những chiếc xe hoa, những đôi trai gái hạnh phúc trong ngày cưới, tôi lại nhớ đến tình yêu của Tài và Hương. Sự hy sinh của các em đã góp phần làm cho cây đời nở hoa kết trái.
Lưu Trọng Lân kể
Thanh Huyền ghi