Vợ chồng CCB Trần Thị Thản và Nguyễn Hữu Đạt.

Trong những chuyện nghe như “cổ tích” thời đánh Mỹ, thì chuyện về chiến công của nữ pháo binh Ngư Thủy nhiều người đã biết, kể cả còn một “phép màu nữa”... Đặc biệt bộ phim “Trở lại Ngư Thủy” đã miêu tả bằng ngôn ngữ điện ảnh rất sống động về cuộc chiến đấu can trường của các nữ pháo thủ và cuộc sống của họ thời hậu chiến. Điều gì đã làm nên sức mạnh của một tập thể anh hùng trên vùng cát trắng mênh mông? Phải khẳng định đó là lòng căm thù giặc; là tình yêu quê hương đất nước.

CCB quê “C gái” Ngư Thủy vừa huy động 6 thuyền đánh cá, cùng những thanh niên khỏe mạnh, có kinh nghiệm đi biển, dùng ô tô chở ra các tỉnh, T.P miền Bắc vừa bị cơn bão số 3 tàn phá, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn  đạt thành tích xuất sắc được cấp trên tặng Bằng khen.

Hồi đó, nếu Quảng Bình là hậu phương lớn tiếp giáp tiền tuyến lớn, thì xã Ngư Thủy, Lệ Thủy là mảnh đất cuối cùng của Quảng Bình tiếp giáp với Vĩnh Linh. Từ năm 1965, không quân Mỹ bắn phá Quảng Bình rất ác liệt. Ngoài khơi, pháo Hạm đội 7 ngày đêm nã vào làng mạc, gây nhiều đau thương mất mát. Có lúc tàu chiến địch ngang nhiên vào sát bờ biển như một sự thách thức pháo binh ta. Không thể để quân giặc lộng hành trên vùng biển quê hương, Tỉnh đội Quảng Bình điều động 4 đại đội pháo binh bố trí dọc bờ biển đánh đuổi tàu chiến Mỹ. Để phối hợp với bộ đội chủ lực, tháng 11-1967 Tỉnh đội thành lập thêm một Đại đội nữ pháo binh ở xã Ngư Thủy, gọi là “C gái” để phân biệt với “C trai” như c9, c10.

Trung úy Nguyễn Hữu Đạt - Chính trị viên Đại đội 9 được giao nhiệm vụ tuyển quân thành lập C gái. Vì căm thù giặc sâu sắc nên hầu như toàn bộ thanh nữ của xã Ngư Thủy đều hăng hái xin tham gia vào “Đội quân tóc dài”. Chọn mãi mới tuyển được 37 cô, có những cô rất trẻ, mới  15-16 tuổi. Điều khó khăn là do hoàn cảnh nên cô nào cũng có trình độ văn hóa thấp, chủ yếu lớp 5, lớp 6, chỉ vài cô lớp 7. Mà lính pháo thì cần hiểu về lượng giác để tính toán phần tử bắn, nhưng các cô lại chưa học đến! Vậy là vừa huấn luyện điều lệnh, kỹ thuật pháo binh, vừa dạy văn hóa. Việc học văn hóa thật vất vả, giấy bút rất hiếm, thầy trò nhiều lúc phải vẽ hình trên bãi cát để học. Khó khăn là thế nhưng chỉ sau hơn hai tháng được C9 huấn luyện, pháo thủ “C gái” đã lập chiến công đầu.    

Đó là ngày 7-2-1968, hai chiếc tàu khu trục Mỹ tiến vào vùng biển Lệ Thủy. Kẻng báo động vang lên, các nữ pháo thủ trận đầu ra quân rất hồi hộp, má đỏ hồng, sẵn sàng chờ lệnh chiến đấu. Trên đài quan sát, Đại đội trưởng Ngô Thị The động viên chị em bình tĩnh, đợi tàu địch vào gần hơn nữa. Khi đã nhìn rõ số hiệu của chiếc tàu đi trước, chị ra lệnh bắn. Pháo của 4 khẩu đội 82 ly đồng loạt gầm lên; ngay loạt đạn đầu, chiếc tàu 013 đã bốc cháy, chiếc còn lại cũng hốt hoảng quay đầu chạy. Khỏi phải nói đến sự vui mừng của nhân dân và bộ đội. Tất cả đều reo hò vang bờ biển, khen ngợi các nữ dân quân lập nên kỳ tích. Trên đà thắng lợi, các chị ngày đêm luyện tập, 4 năm tiếp theo đánh thêm 8 trận nữa, tổng cộng “C gái” đã bắn chìm và bắn cháy 5 tàu chiến Mỹ.

Với khí phách hiên ngang và chiến công đặc biệt xuất sắc, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy đã được Bác Hồ gửi thư khen, lại được ra Hà Nội gặp Bác và vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 25-8-1970.

Trong những ngày mưa bom bão đạn, nổi bật tình đoàn kết quân dân và sự dũng cảm của các nữ pháo binh. Có những xạ thủ bị pháo bắn trúng nhà, cha mẹ qua đời; có cô chồng mới hy sinh ngoài mặt trận, vẫn nén đau thương đội khăn tang tham gia chiến đấu. Có người bị phản pháo ù tai hoặc bị thương vẫn không rời trận địa. Hình ảnh dũng cảm đó đã được những thước phim của Điện ảnh Quân đội ghi lại, hùng tráng như chính tượng đài “C gái” được dựng lên sừng sững giữa xã Ngư Thủy hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đạt - người tuyển quân và huấn luyện “C gái”, được anh em trong c9 gọi đùa là người “mát tay” và “có duyên” nhất. Gần 10 năm chiến đấu ác liệt, nhiều đợt thay quân, tổng cộng “C gái” có 91 nữ cán bộ, chiến sĩ nhưng không có ai hy sinh, chỉ bị thương nhẹ một số người từ pháo và máy bay địch. Còn chuyện anh Đạt “có duyên” thì nhiều người biết. Hồi ấy anh mới 25 tuổi, làm Chính trị viên nên ăn nói khéo, lại đẹp trai và có súng ngắn đeo thắt lưng, làm nhiều cô dân quân mơ mộng. Qua những ngày huấn luyện và bổ túc văn hóa trên cát, dưới hầm, Chính trị viên C9 đã thầm yêu Chính trị viên “C gái”, đó là cô Trần Thị Thản. Cô Thản nguyên là Đảng ủy viên phụ trách Văn hóa xã Ngư Thủy, được xã cử về làm chính trị viên. Sau mấy lần giao ban, hội ý, tình cảm của hai người nẩy nở và ngày càng nồng thắm, nhưng vì chiến tranh ác liệt nên chờ thời gian thích hợp mới làm đám cưới. Chị em nói đùa: - Đánh Mỹ còn lâu dài, biết khi nào hết đạn bom mà chờ, cứ cưới dưới hầm, máy bay tới thì đã có pháo chúng em đuổi nó đi! Mấy anh bộ đội nghêu ngao hát đáp lại: - Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch, khi nào hết giặc mới xuất kích… cưới vợ !

Năm 1971, trongkhoảng thời gian ngừng bắn, Đại đội 9 và bà con Ngư Thủy tổ chức hôn lễ cho hai người. Có lẽ đó là đám cưới vui nhất từ trước đến nay ở làng biển nghèo. Tuy đình chiến nhưng quân dân ta vẫn nâng cao cảnh giác vì vị trí hôn lễ chỉ cách miền Nam một tầm đạn pháo. Một nửa bộ đội và dân quân trực sẵn sàng chiến đấu nhưng rạp cưới vẫn ngập màu quân phục tươi vui. Bộ đội và các nữ pháo thủ thi nhau hát các ca khúc cách mạng. Hồi đó tiệc cưới đơn giản, bánh kẹo của Tỉnh đội cho, thuốc lá thì Huyện đội biếu, nhà trai lo cau trầu, nhà gái nấu chè xanh, thế mà cũng được xem là đám cưới to nhất xã.

Khi con trai đầu lòng mới chào đời, thì năm 1972, anh Đạt lên đường vào Nam chiến đấu. Tới Vĩnh Linh bị bom B52, cả đơn vị thương vong rất nhiều. Nhận tin anh Đạt hy sinh, chị Thản bàng hoàng, nhưng vẫn không tin; linh tính báo là chồng còn sống... Sau ngày 30-4-1975, nhiều người lính trở về, chị thao thức chờ phép màu... Và... đêm mùa hè năm 1976, chị đang ôm con nằm ngủ thì có tiếng gõ cửa. Trước mắt là anh Đạt với chiếc ba lô cũ sờn. Chị không tin vào mắt mình. Nhưng đó lại là sự thật. Chị ôm lấy anh òa khóc nức nở.

Thời gian cứ thế trôi nhanh, tôi “trở lại Ngư Thủy” thấy có rất nhiều đổi mới. Con trai đầu của hai CCB là anh Nguyễn Thanh Bình, ngày xưa bé xíu giờ đã là Trung tá, công tác ở Huyện đội Lệ Thủy. Khi anh Bình tự hào đọc câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn” thì người nữ Chính trị viên của “C gái” anh hùng tuy tuổi đã 80 vẫn nở nụ cười rất tươi trẻ.

Xuân Vui