Tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng chăm sóc cao su cho hội viên CCB tại xã Văn Lem.
Điều 5 Nghị định 150/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh có nội dung: “CCB được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Những năm gần đây, một số địa phương đã triển khai chính sách giao đất, giao rừng cho CCB quản lý và sử dụng ổn định, lâu dài. Nhiều mô hình quản lý rừng đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp nhiều hội viên CCB thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững; đây cũng là nghề cứu cánh cho những người lính, những CCB đã vượt qua chiến tranh hầu như không có tư liệu sản xuất trở về với đời thường. Họ hiểu được giá trị của rừng, cái giá phải trả khi không còn rừng để rồi chấp nhận con đường khó khăn, vất vả tìm cách cứu rừng và cũng để tự cứu chính mình trong cuộc sống mưu sinh.
Sau khi có chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, Hội CCB phường An Tây, T.P Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tích cực vận động các chi hội và hội viên cùng nhau khai hoang phục hoá, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc để bảo vệ sinh thái rừng. Đến nay, Hội CCB phường phủ xanh được 12ha đất trống, đồi núi trọc. Ngoài ra, Hội thường xuyên tuyên truyền hướng phát triển kinh tế bền vững từ trồng rừng, vận động hội viên nhận đất để trồng rừng phát triển kinh tế gia đình. Hội CCB phường là lực lượng tiên phong trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc và bảo vệ hệ sinh thái rừng trên địa bàn. Nhờ việc chăm sóc, bảo vệ rừng thường xuyên, nên những năm gần đây hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng trong mùa nắng nóng. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện về việc cấp đất rừng, cho vay vốn để Hội CCB và các hội viên trồng rừng phát triển kinh tế.
Hội CCB xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có hơn 200 hội viên trồng rừng, chăn nuôi giỏi, thu từ 60 đến 200 triệu đồng hộ/năm. Điển hình chi hội 7 trồng được 35ha rừng để gây quỹ với số tiền 450 triệu đồng. Hội CCB xã lập dự án, tín chấp với ngân hàng vay vốn, cử hội viên tham gia các lớp tập huấn phòng, chống cháy rừng, kỹ thuật trồng cây trên đất dốc do Hạt Kiểm lâm và Trạm Khuyến nông huyện mở; phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức đúng đắn việc giữ gìn, bảo vệ tài nguyên rừng, ngăn chặn kịp thờ những hành vi phá rừng; ký cam kết về phòng cháy chữa cháy về bảo vệ tài nguyên rừng.
Thực hiện Chương trình phối hợp số 02/CTr-SNN-CCB giữa Sở NNPTNT với Hội CCB tỉnh Kon Tum, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Hội CCB tỉnh mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên tại xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông và xã Văn Lem huyện Đăk Tô (mỗi lớp 30 học viên). Lớp tập huấn trang bị kiến thức về kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây cao su. Qua lớp tập huấn, các hội viên đã nắm được đặc điểm, điều kiện sinh thái của cây cao su, kỹ thuật nhân tạo giống, chọn giống phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai thổ nhưỡng tại địa phương, cũng như kỹ thuật thiết kế vườn cây, mật độ kích thước đào hố, bón phân…; kỹ thuật trồng, chăm sóc; nhận biết sâu, bệnh hại vườn cây cao su cũng như phương thức trồng xen, canh tác bền vững và biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại trên vườn cây cao su kiến thiết cơ bản.
Nhiều tỉnh, thành xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tốt như CCB Trần Quốc Bình ở thôn Làng Chưng (Sơn Hà, Bảo Thắng, Lào Cai). Với suy nghĩ trong thời chiến cũng như trong thời bình, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương ông Bình vẫn phát huy phẩm chất đi đầu trong các phong trào giữ gìn màu xanh quê hương, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ông Bình luôn tìm tòi, học hỏi để mở rộng mô hình trồng rừng, chăn nuôi của mình và sẵn sàng giúp đỡ bà con mong muốn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Sau 30 năm trồng rừng, từ diện tích ban đầu chỉ có 5ha, đến nay gia đình CCB Trần Quốc Bình đã sở hữu 40ha quế bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch. Mỗi héc-ta quế tỉa lá cành và cây con cho thu nhập từ 35-40 triệu đồng. Như vậy, với 40ha quế ông Bình đã có thu nhập cả tỷ đồng.
Sau hơn 20 năm xin địa phương giao đất trồng đồi trọc để khai hoang, trồng rừng, CCB Vừ Chả Chống ở bản Trung Tâm, Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã làm chủ 7ha rừng, với trên 7.200 cây gỗ sa mu, pơ mu. Những năm gần đây, cánh rừng sa mu, pơ mu của ông Chống trở thành điểm tham quan, vui chơi yêu thích của nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Cùng với du khách, còn có một số người dân ở các xã lân cận tìm đến để mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm trồng cây. Từ mô hình của CCB Vừ Chả Chống đã lan tỏa mạnh mẽ phong trào trồng cây, gây rừng tại địa phương. Hiện nay, ông Chống giúp 20 hộ gia đình trên địa bàn xã trồng được gần 20ha rừng cây pơ mu, sa mu.
Những cánh rừng bạt ngàn xanh tốt thay thế dần những khoảnh nương, khu đất trống đồi trọc ở nhiều địa phương là minh chứng cho tình yêu với đất thời bình của hội viên CCB đang dần được lan tỏa.
Hồ Thanh Hương