Chúng tôi nhập ngũ ngày 25-5-1965 và được biên chế thành C36 - N21 Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Thanh Hóa. Chưa kịp huấn luyện gì, nhưng vì yêu cầu làm đường, phục vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường, toàn đơn vị được lệnh hành quân bằng 1.200 xe đạp Phượng Hoàng vào Trường Sơn.
Sau một thời gian mở đường bộ, đơn vị được giao tham gia vận chuyển hàng hóa bằng đường sông. Chúng tôi làm khung thuyền bằng tre, gỗ, rồi bọc bằng vải bạt và tổ chức vận chuyển trên sông tại Công trường 128 từ 050 qua Mụ Giạ, Lằng Khằng - Pha Nốp - Xiêng Phan. Sau đó, vào mùa mưa, đơn vị lại được cử vào làm đường và bảo vệ ngầm qua sông Pacphanăng, thuộc tỉnh Khăm Muộn - Trung Lào.
Gần Tết Nguyên đán Bính Ngọ - 1966, địch tăng cường đánh chặn tuyến vận tải Trường Sơn, và ngầm Pacphanăng là một trong những trọng điểm chúng đánh phá quyết liệt. Hết đánh tọa độ lại cho máy bay bổ nhào quần thảo, săn ô tô chuyển hàng qua ngầm. Một khu vực rộng khoảng 2km bán kính không còn một cây nào còn lá; đất đá, đồi núi bị san thành bình địa. Nhưng C36-N21 của chúng tôi vẫn trụ bám kiên cường, giữ vững ngầm cho xe qua.
Để “chia lửa” với ngầm và đảm bảo xe vượt sông ngày càng nhiều, C36 chúng tôi được tăng cường cho Tiểu đoàn 25 công binh Bộ tư lệnh 559 mở thêm một con đường phía thượng nguồn Pacphanăng và bắc một cây cầu gỗ trên truyến mới mở. Cầu được làm ngập dưới nước tầm 20-30cm, để tránh máy bay địch phát hiện, đánh phá. Có thể đây là một bản thiết kế cầu có một không hai - vừa cầu vừa ngầm.
Những ngày giáp Tết, bộ đội và TNXP vào rừng chọn những cây gỗ to, chắc chắn để làm cầu. Quyết tâm của hai đơn vị là sẽ làm xong cầu trong ngày 30 Tết, kịp thông xe đêm 30, trước khi trời sáng. Phía bờ Bắc, một đoàn xe chuyển lương thực, thực phẩm cho tuyến trong ăn Tết đang chờ thông cầu để qua sông. Biết là hàng Tết vào muộn, nhưng đưa được vào cũng là nguồn động viên quý báu đối với bộ đội...
Đêm hoàn thành cầu, có đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 25 công binh và đầy đủ cán bộ C36 TNXP. Mặc dù phải làm rất khẩn trương, nhưng để đảm bảo bí mật, chúng tôi không được dùng đèn, đuốc... Càng gần đến Giao thừa, không khí càng khẩn trương và thiêng liêng. Để động viên mọi người trong giờ phút thiêng liêng ấy, đồng chí Tiểu đoàn trưởng đeo bên hông một chiếc đài Ôriôngtông (Hunggari), luôn phát đi tin chiến thắng của quân và dân miền Nam và tình hình chuẩn bị đón Tết của miền Bắc.
Tám anh em chúng tôi lầm lũi khiêng chiếc dầm gỗ cuối cùng xuống cho các đồng chí công binh tác nghiệp dưới sông thì nghe tiếng pháo nổ ran từ chiếc đài bán dẫn của đồng chí Chính trị viên. Năm đầu tiên đón Tết xa nhà, giữa rừng Lào, trong bối cảnh đặc biệt, anh nào cũng nhớ quê hương, gia đình da diết. Nghĩ đến cảnh gia đình vui vầy đón Giao thừa… tâm trạng thật khó tả. Nhưng lúc này nhiệm vụ thông cầu là trên hết. Tất cả lại hào hứng cùng các chiến sĩ công binh đặt nốt cây dầm cuối cùng của cây cầu. Đến tầm 2 giờ sáng thì mặt cầu được rải ván hoàn chỉnh. Không ai bảo ai, tất cả đồng thanh kêu to: “Cầu đã bắc xong”.
Sau khi Chính trị viên Tiểu đoàn công binh và cán bộ C36 TNXP kiểm tra kỹ càng một lượt rồi quyết định cho xe qua cầu. Tất cả căng mắt, nóng lòng nhìn chiếc xe đầu tiên dò dẫm từng mét qua cầu. Khi chiếc xe leo lên khỏi đầu cầu phía Nam, anh em chúng tôi ôm nhau reo hò, mừng vui khôn tả. Tiếp theo, chiếc xe thứ hai, thứ ba lần lượt qua cầu an toàn, chở nặng hàng tiến vào tuyến trong. Một đồng chí lài xe thò đầu qua cửa buồng lái nói rất to: “Cảm ơn các đồng chí công binh, TNXP, các anh chị giỏi lắm...”. Chúng tôi vẫy tay tiễn những “Tuấn mã Trường Sơn” chở nặng hàng, chở nặng nghĩa tình hậu phương lớn vào cho tiền truyến lớn...
Sau khi cùng với Tiểu đoàn công binh 25 hoàn thành việc bắc cầu Pacphanăng, C36 TNXP Thanh Hóa chúng tôi nhận lệnh hành quân vào phía trong cùng đơn vị công binh khác mở đường 20 - Quyết Thắng; đảm nhiệm đoạn từ Lùm Bùm vào dốc U Bò dài 39km; góp phần hoàn thành đường 20 - một trục vượt khẩu quan trọng nhất của tuyến vận tải quân sự Trường Sơn; được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là: “Kỳ công - Kỳ tích - Kỳ quan”. Sau đó, một số anh chị em TNXP Thanh Hóa chuyển vào Quân đội trực tiếp chiến đấu, số còn lại tiếp tục phục vụ bộ đội chiến đầu trên tuyến đường Trường Sơn cho đến ngày ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, N21 THXP Thanh Hóa vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, nhớ lại kỷ niệm bắc cầu qua sông Pacphanăng - cây cầu độc nhất trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn ngày đó, cũng là nhớ về một thời, một thế hệ TNXP đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...”.
Vương Quốc Thuấn