Mới đây Chi bộ xóm Xá, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội họp đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và chương trình công tác tháng 7 của chi bộ, trong đó có đưa ra việc thực hiện mở thông đường dân sinh qua xóm Núi với xóm Xá. Theo đó, Chi bộ xóm Xá thống nhất giao cho Ban chi ủy chỉ đạo trưởng xóm phối hợp với các Ban ngành đoàn thể trong thôn tiến hành các bước thực hiện xây dựng. “Dẹp trường… xây đường” Việc mở đường dân sinh từ xóm Xá qua xóm Núi “ ăn” vào gần 100 m2 đất của trường THCS thị trấn Chúc Sơn và khoảng 100 m2 đất của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng. Phạm vi chiếm đất này theo lãnh đạo thị trấn cho rằng không ảnh hưởng nhiều tới diện tích đất trường học, bởi phạm vi lấy vào nằm phía sau khuôn viên lớp học. Trường THCS thị trấn Chúc Sơn có tổng diện tích 4.330m2, được cấp sổ đỏ từ năm 2002. Hiện nay nhà trường vẫn còn nhu cầu mở rộng diện tích để đủ tiêu chí phấn đầu thành trường chuẩn Quốc gia. Lý giải việc cắt đất trường học làm lối đi cho dân, trong biên bản Hội nghị bàn việc mở con đường dân sinh sau trường THCS thị trấn Chúc Sơn do ông Nguyễn Đình Khả, Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn chủ trì, nêu: “ Từ năm 2006 do xây dựng trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn nên có di dời một cái Miếu thờ trên phần đất xây dựng trụ sở đang làm việc hiện nay và có đổi một con đường đi vào xóm Núi. Nhân dân trong xóm đồng tình với việc xây dựng trụ sở và di dời ngôi Miếu, làm lại con đường bê tông trong xóm. Người dân kiến nghị cho mở lại con đường dân sinh đã có trước đây, do khi xây dựng trường học từ năm 1985 bịt mất lối đi, nên nhân dân phải đi lối khác”. Cũng theo văn bản Hội nghị này thì việc mở con đường dân sinh có mặt cắt từ 2 đến 2,5 mét. Kinh phí xây dựng do nhân dân đóng góp... “Không muốn dành phần đất cho dân đi” Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Chúc Sơn Nguyễn Đăng Tiến khi tiếp xúc với PV báo CCB Việt Nam, ông bày tỏ: Thực sự nhà trường không muốn dành phần đất làm lối đi cho nhân dân. Theo ông Tiến, việc mở lối đi phạm vào phần đất của nhà trường không nhiều, khoảng 60m2 và việc này ngay lập tức nhà trường đã báo cáo Phòng giáo dục Đào tạo huyện về sự việc sau khi dự họp Hội nghị bàn về việc mở lối đi do UBND thị trấn chủ trì. Mặc dù không muốn dành phần đất cho dân đi, nhưng văn bản Hội nghị họp giữa các bên ngày 5-7-2011, ông Tiến vẫn ký vào văn bản nhất trí với việc bớt ra một phần diện tích đất của nhà trường để làm đường (?). Trong văn bản này ông Tiến còn nêu, “cần có ý kiến với Hội đồng nhà trường trước khi quyết định. Khi mở con đường cần phải đo đạc kỹ để hạn chế nhất số diện tích phải cắt”. Theo quan sát của PV, hiện nay con đường phía sau trường THCS thị trấn Chúc Sơn đang thực hiện dang dở do có ý kiến của một số hộ dân gần đó. UBND thị trấn Chúc Sơn yêu cầu tạm dừng thi công để giải quyết ý kiến công dân phản ánh. Hiện trên phần đất thuộc phạm vi nhà trường quản lý, việc mở lối đi, xây tường bao đã làm xong. Lối đi qua phần đất nhà ông Thắng vẫn còn đang làm dang dở. Trả lời câu hỏi của PV, việc mở ngõ đi cho dân đi UBND thị trấn có báo cáo lên huyện không? Ông Khả cho biết: “Việc làm ngõ đi trong tầm tay của thị trấn, đến nay chúng tôi chưa báo cáo lên huyện…”?!.

Sẽ trở thành tiền lệ xấu

Ông Nguyễn Văn Tốn, hộ gia đình giáp ranh với lối đi mới mở, cho rằng: “Trước đây, khi làm trường vào năm 1985, 3 anh em (hộ nhà ông Nguyễn Văn Tốn, Nguyễn Văn Còi, Nguyễn Văn Khiêm - PV) chúng tôi hiến đất cho nhà trường để khuôn viên trường học vuông vắn. Mỗi hộ hiến khoảng 70 m2. Nay chúng tôi không hiểu chủ trương từ đâu, vì sao lại cắt đất trường học làm ngõ đi, dân không được bàn bạc”?

Để chuyển đổi một diện tích đất trường học cũng như lấy vào đất của dân để làm đường đi, thẩm quyền của xã có lẽ không có chức năng này. Câu hỏi đặt ra là: Không biết việc lấy vào phần đất nhà trường, đất của dân sẽ đền bù như thế nào? Người dân không thấy công khai phương án đền bù. Mà nghe đâu, ngoài diện tích đất nhà trường bị cắt, số diện tích đất của hộ nhà ông Thắng chính quyền địa phương nói là sẽ cấp bù trả ông Thắng 1 lô đất chỗ khác.

Hiện người dân xóm Xá không biết chính quyền sẽ dành quỹ đất nào để cấp trả cho ông Thắng và việc chính quyền địa phương chỉ dựa vào ý kiến của nhân dân: Cần mở lại lối đi trước đây để giảm sự đi lại khi ma chay, cưới xin, hỏa hoạn…. là nguyện vọng chính đáng, nhưng thực hiện mà không báo cáo, xin ý kiến cấp trên quả là “vuốt mặt không nể mũi”. Dư luận không khỏi băn khoăn là thực hiện như vậy thì công tác quản lý đất đai ở địa phương này sẽ ra sao, cấp nào sẽ điều chỉnh diện tích đất cho nhà trường, đất của dân đã được cấp sỏ đỏ? Và điều nguy hại hơn là chỗ này làm được, nó có thể tạo thành một tiền lệ, chỗ khác cũng làm được.

Bài và ảnh: Doanh Chính

Doanh Chính