Tập đoàn công nghệ Star tại Mỹ, đã đề xuất một ý tưởng dọn rác vũ trụ với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Theo ông, chúng ta nên phóng vài phi thuyền để đưa một lưới khổng lồ lên vũ trụ và thu gom rác.

Các kỹ sư sắp hoàn thành việc thiết kế một loại tàu vũ trụ rất phù hợp với hoạt động dọn rác trên không gian. Các phi thuyền tự sản xuất điện nhờ ánh sáng mặt trời và từ trường trái đất nên chi phí vận hành chúng sẽ giảm đáng kể. Chúng hoạt động ở độ cao dưới 2.000 km nên có thể dọn rác ở quỹ đạo thấp của địa cầu.

Giới khoa học cho rằng khoảng 2.500 mảnh rác có kích thước to hơn quả bóng chày (đường kính từ 10 cm trở lên) đang trôi nổi trên quỹ đạo thấp. Tổng khối lượng của chúng vào khoảng 2.000 tấn.

Chi phí dọn rác trong vòng 12 năm vào khoảng 84 triệu USD. Do rác vũ trụ là vấn đề toàn cầu, Pearson nghĩ các nước nên chia sẻ chi phí này.

Ý tưởng này được công bố sau khi Viện Khoa học quốc gia Mỹ cảnh báo lượng rác vũ trụ xung quanh trái đất đã đạt tới ngưỡng nguy hiểm và chúng có thể phá hoại vệ tinh nhân tạo, phi thuyền bất cứ lúc nào.

Rác vũ trụ là phi thuyền không còn hoạt động, vệ tinh nhân tạo cũ, tên lửa đã qua sử dụng hay mảnh vỡ từ các vụ va chạm vệ tinh nhân tạo. Chúng bay xung quanh trái đất với tốc độ có thể lên tới 28.163 km/h. Với tốc độ đó, một mảnh rác nhỏ xíu cũng có thể làm hỏng phi thuyền.

Khoảng 22.000 mảnh rác lớn đang trôi nổi gần quỹ đạo thấp, chưa kể tới vô số mảnh rác nhỏ mà các thiết bị không thể theo dõi. Số lượng rác vũ trụ tiếp tục tăng lên bởi sự va chạm giữa chúng lại tạo ra những mảnh nhỏ hơn.

NASA và nhiều tổ chức khác cố gắng theo dõi rác vũ trụ để bảo đảm an toàn cho phi hành gia và tài sản trong vũ trụ, song vấn đề đang trở nên trầm trọng đến nỗi các chuyên gia kêu gọi hành động can thiệp chủ động từ các chính phủ.

Quỳnh Anh (TH)