Sử dụng chỉ nha khoa: Thói quen dùng tăm xỉa răng gây tổn thương nướu và xương hàm, khiến răng ngày càng thưa, lâu ngày thức ăn  bám vào các khe hở và là nguyên nhân của viêm nướu, hôi miệng… Hãy sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn dính kẽ. Chỉ nha khoa mềm, đủ nhỏ để không gây tổn thương đến nướu và xương răng.

Đánh răng: Đánh răng đều đặn ít nhất 2 lần/ngày hoặc sau bữa ăn. Khi bắt đầu đánh răng, bạn hãy giữ bàn chải đánh răng ở góc 45 độ, hướng về phía đường viền nướu và thực hiện các chuyển động đưa bàn chải một cách nhẹ nhàng, chậm rãi. Mỗi lần, bạn nên đánh răng từ 10-15 lượt, tuy nhiên không nên đánh răng quá mạnh vì nó có thể làm hỏng răng và bào mòn đường viền nướu.

Dùng bàn chải phù hợp: Bạn nên lựa chọn loại bàn chải có lông mềm để tránh gây tổn thương đến nướu răng. Tốt nhất, nên thay đổi bàn chải đánh răng khoảng 2-3 tháng/lần.

Hạn chế thực phẩm nhiều đường: Đường là thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng sâu răng, để ngăn ngừa được nguy cơ phải đối mặt với tình trạng sâu răng, tốt nhất bạn nên cố gắng cắt giảm các món ăn có chứa nhiều đường, đồng thời đánh răng và xỉa răng sau mỗi bữa ăn, bao gồm cả bữa ăn nhẹ.

Thăm khám răng định kỳ: Khám răng định kỳ giúp phát hiện và can thiệp kịp những bất thường ở răng miệng. Ngoài ra, để vệ sinh răng miệng đạt hiệu quả, cần hạn chế ăn các thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi; không sử dụng đồ ngọt trước khi đi ngủ.

Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá lâu ngày sẽ làm cho răng của bạn bị chuyển thành màu vàng và ăn mòn nướu răng. Hút thuốc lá cũng tạo ra một môi trường chín muồi cho các loại vi khuẩn có hại phát triển bên trong miệng và làm xuất hiện các mảng bám trên răng hay dọc theo đường viền nướu, ảnh hưởng lớn đến các mô, làm thoái hóa xương hỗ trợ răng, thậm chí làm tăng nguy cơ mất răng.

Minh Anh