Nhằm hỗ trợ khách hàng trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, BIDV triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cùng nhiều ưu đãi về tiền gửi và dịch vụ ngân hàng điện tử. Chương trình áp dụng từ ngày 14/2 đến hết ngày 30/4 hoặc đến khi đạt quy mô gói.
Từ ngày 14/2, BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, thiệt hại.
Các lĩnh vực vay vốn cụ thể gồm: nông nghiệp, xuất khẩu và du lịch. Trong đó tập trung ưu tiên các sản phẩm nông sản như: thanh long, dưa hấu, mít, chuối; các mặt hàng thủy hải sản như cá tra, cá ba sa, các mặt hàng cá da trơn; du lịch bao gồm cả lĩnh vực phụ trợ như nhà hàng, khách sạn và xuất khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc.
Điểm đặc biệt của gói tín dụng này là khách hàng của BIDV sẽ được hưởng mức lãi suất cố định chỉ 5,5%/năm trong tối đa 4 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên.
Ngoài ra, BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng áp dụng mức lãi suất cho vay từ 6,5%/năm và từ 7,5%/năm cho các khách hàng cá nhân thông thường vay sản xuất kinh doanh.
BIDV cũng là một trong những ngân hàng sớm khuyến khích khách hàng tăng cường giao dịch trên kênh ngân hàng điện tử của mình thông qua các ứng dụng thông minh BIDV SmartBanking và BIDV Online.
Để hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ giao dịch tại quầy sang giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử, BIDV có chính sách tặng 100% phí giao dịch trên BIDV SmartBanking, BIDV Online cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ. Phí giao dịch sẽ được BIDV hoàn vào tài khoản đăng ký dịch vụ của khách hàng hàng tháng với tổng ngân sách hoàn phí giao dịch lên đến 2,46 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khách hàng gửi tiền online qua BIDV SmartBanking, BIDV Online sẽ được cộng thêm lãi suất 0,2%/năm với tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch (Lãi suất ưu đãi được niêm yết sẵn trên ứng dụng và không vượt lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước quy định).
Đặc biệt, BIDV vẫn tiếp tục chính sách không thu bất kỳ một khoản phí đăng ký hay phí duy trì nào đối với dịch vụ BIDV Online và BIDV SmartBanking.
BIDV SmartBanking và BIDV Online của BIDV cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng tiện ích như: Chuyển tiền, gửi tiền online, thanh toán hóa đơn, thanh toán QR, nạp tiền điện thoại… Ngoài ra, có một số tính năng tiện ích mới như: đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, vé tàu/xe/tour du lịch, mua sắm Vnshop… và đáp ứng được các nhu cầu giao dịch thường nhật của khách hàng.
Việc ngân hàng khuyến khích giao dịch online sẽ góp phần tích cực trong hoạt động phòng chống và đẩy lùi dịch Corona. Với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng, tiện ích và luôn phù hợp, kịp thời của BIDV sát cánh cùng hơn 11 triệu khách hàng cá nhân, BIDV được The Asian Banker bình chọn là Ngân hàng Bán lẻ Tốt nhất Việt Nam 5 năm liên tiếp (2015-2019); VNBA và IDG bình chọn là Ngân hàng Bán lẻ Tiêu biểu 4 năm liên tiếp (2016 -2019) và Ngân hàng Điện tử tiêu biểu năm 2019 (lần thứ 3).
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ về tác động của dịch virus Covid-19 đến kinh tế-xã hội Việt Nam mới đây, lãnh đạo Chính phủ đã khẳng định kiên định, không thay đổi mục tiêu tăng trưởng.
Trong bối cảnh dịch virus Covid-19 còn diễn biến, các bộ ngành cần tích cực vào cuộc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt ngành ngân hàng cần phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch.
NHNN cũng đã có Hội nghị bàn các giải pháp tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp. Lãnh đạo NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch.
Các NHTM như: AgriBank, VietcomBank, VPBank, SHB, ABBank, KienlongBank, VietinBank, MB hay TPBank cũng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất hỗ trợ khách hàng vay mới, hoặc giảm lãi suất trực tiếp cho các doanh nghiệp đã vay, nhằm chia sẻ khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Anh Minh