*Trường thì ở giữa lưng chừng núi, không an tâm vì lũ học trò quá hiếu động, mỗi khi tan học nắng mưa gì thầy cũng phải đều đặn đưa tụi nhỏ xuống tận ghành rồi trở ngược lên qua bên kia con dốc về đơn vị.*Sinh năm 1972 ở tỉnh Trà Vinh, năm 1995, sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa học XHNV TP. Hồ Chí Minh, Trần Bình Phục nhập ngũ, được biên chế vào Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau. Năm 1997, khi cơn bão Linđa ập đến, anh cùng đơn vị được cử ra đảo Hòn Chuối cứu giúp đồng bào - đây là cụm đảo duy nhất ở Cà Mau có dân sinh sống nhưng không có đường, không có điện lưới, cũng chưa khoan được giếng nước ngọt, chuyện học hành là điều mà chưa bao giờ các em dám mơ tới.

Ra đảo, nhiều đêm Trần Bình Phục trằn trọc, trăn trở nghĩ thương những đứa trẻ nơi đây thất học. Có cách gì để chúng được đi học? Câu hỏi dày vò anh... Rồi anh mạnh dạn đề nghị Ban chỉ huy cho mở lớp học dạy chữ cho các em. Lấy tên là “Lớp học tình thương”, ban đầu chỉ có 5 em.

Mở được lớp học đã khó, thuyết phục phụ huynh cho con em đi học còn khó hơn. Người dân ở đảo không cần con biết chữ, chỉ cần biết bơi lặn, biết câu cá là đủ - việc đi học với chúng là “rất khổ”. Thế là Phục phải vừa dạy, vừa dỗ. Hằng ngày đi đến từng nhà dỗ các cháu đến lớp, rồi mua quà, bánh để "nịnh" tụi nhỏ “mai đi học tiếp”. Rốt cục, đám trẻ trên đảo cũng chịu để Phục dạy chữ. Từ 5 trẻ ban đầu, dần dà lớp đã có 22 em, học từ lớp 1 đến lớp 9. Do độ tuổi không đồng đều, Phục phải chia lớp học thành ba khối quay ra ba hướng khác nhau.

Thấy tôi ngạc nhiên với hai cháu nhỏ nhất ngồi riêng một bàn, lại không có sách vở, thầy Phục giải thích: “Đó là cháu Trần Hảo Nam 4 tuổi và cháu Nguyễn Văn Lợi 5 tuổi. Bố mẹ sợ các cháu ở nhà một mình đi chơi ngã, nên nhờ tôi cho vào lớp” . Thế là ngoài các học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, thầy Phục phụ trách luôn cả “lớp mầm non”...

Khó khăn và thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng với lòng nhiệt tâm và sự thương yêu chân thành, đám trò nghèo trên đảo dần dà nghe lời thầy Phục. Đều đặn mỗi ngày, anh đi xuống, rồi leo lên đúng 303 bậc đá từ lớp học đến nhà đón các em. Em nào mỏi, thầy cõng luôn. Lên lớp, ngoài các phép tính, câu văn, các em được thầy truyền dạy đạo đức, lễ nghĩa.

Thầy Phục kể chuyện vui với tôi, năm ngoái lũ trẻ bảo nhau lên doanh trại tặng thầy nước lọc, kẹo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam; bất ngờ có bạn nữ còn tặng cả chai sữa tắm trắng da đang dùng dở. Hỏi chuyện mới biết, cô bé bẽn lẽn bảo: “Thấy thầy da đen em giấu mẹ lấy chai sữa tắm trắng ở nhà mang tặng”.
Thượng úy Trần Bình Phục đang hướng dẫn các cháu tập viết.

Anh kể: "Mươi năm trước có một cháu, tôi thuyết phục mãi mới chịu nhận lời đi học. Tới ngày đi học không thấy đâu. Tôi đi tìm, thấy đang câu cá bên bờ biển. Tôi vác nó lên vai chạy một mạch lên lớp. Vào lớp nó nói: Thầy đánh con 2 roi đi, rồi thả con về để con đi câu!. Vậy mà nay cậu bé ấy đã là sinh viên đại học năm cuối của Trường Đại học Xây dựng thành phố rồi”.

Không như các trường khác trong đất liền, lớp học của thầy Phục ở Hòn Chuối không có ngày nghỉ; cũng không nghỉ hè. Hễ có dịp vào đất liền công tác hay về thăm nhà là thầy Phục lại tranh thủ đi xin quần áo, sách vở, cặp sách cho học sinh.

Vừa qua được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hỗ trợ kinh phí xây trường, nhân dân và Bộ đội Biên phòng Hòn Chuối phá đá, chặt cây, rồi thay nhau vác gần 500 tấn nguyên vật liệu lên núi để dựng trường. Sau 5 tháng ròng rã đổ mồ hôi và cả máu cuối cùng ngôi trường cũng hoàn thành… Lớp học được công nhận là điểm trường “Tiểu học 4” của thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Từ lớp học thân yêu này, đã có nhiều học sinh vào đất liền học lên cấp cao hơn. Riêng thầy giáo Phục vẫn ở lại “giữ lửa” cho lớp.

Nghĩa tình quân dân nơi biển đảo là vậy.

Lê Doãn Chiêu