Bến tàu 50.000 tấn ở cảng Chu Lai (Quảng Nam), một dự án phát triển kinh tế hội nhập trong tình hình mới

Cả nước đang sôi nổi hướng về lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất non sông, trùng với lịch trình chuyển biến sắp xếp bộ máy hành chính, tinh giản các tỉnh, thành, hướng đến những tiêu chí vươn mình mạnh mẽ của cả dân tộc. Trong xu thế đó, yêu cầu về những tầm nhìn, nhận thức rộng mở, nhất thống về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thật sự rất cần được đặt ra.

Không phải tự nhiên để chỉ trong vòng vài tháng, cả nước tích cực thay đổi, sắp xếp lại toàn diện địa giới hành chính, cấu trúc tổ chức xã hội, tinh gọn bộ máy làm việc... Khí thế thay đổi này, chiếu rọi lại, thật sự như những ngày cả nước lên đường Nam tiến, hợp nhất cơ đồ sông núi.

Tất yếu thay đổi cấp tốc

Nhìn lại khát vọng dân tộc từ những ngày đầu tiên thống nhất, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi, cả nước cần bước vào kỷ nguyên mới, thật sự vươn mình, sánh vai các quốc gia, dân tộc khác, không thể chấp nhận chậm tiến, lạc hậu...

Không ít CCB từng tham gia các quân đoàn vào Nam ngày nào chia sẻ, họ đã buông tay súng, nắm tay cày 50 năm chẵn, cũng là 50 năm thăng trầm, từ đất cát dựng nên cửa nhà, từ dấu đạn bom dựng lên những đô thị tươi đẹp. Nhìn lại chặng đường đó, nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ, vẫn là nỗi dằn vặt trong lòng, vì vẫn còn những cảnh nhà dột nát, những gia đình sống tạm trên chính mảnh đất đã giải phóng... Bản thân nhiều người lính đã gặp những trắc trở, hạn chế qua bộ máy hành chính, gặp nhiều thủ tục rườm rà, cục bộ hóa từng ngành, địa phương hóa từng lĩnh vực... Do đó, khi Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra yêu cầu phải cách mạng, đổi mới tầm nhìn, cộng đồng người dân đều hết sức hoan nghênh, vui mừng mong đợi thay đổi.

Nhu cầu chuyển biến cách mạng trong nhận thức và hành động của mỗi con người trước bối cảnh mới là rất cần thiết. Hưởng ứng, bắt nhịp tinh thần này đang là diễn biến của cả nước. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn cục diện đất nước đã thay đổi. Những hoạch định thu gọn bộ máy, tinh giản địa giới, sáp nhập tỉnh thành đã nhanh chóng được đề ra, cấp tốc, cấp tiến!

Cần đổi mới nhận thức

Những không gian đô thị mới đang vươn mình.

Đồng chí Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong những lần trao đổi với báo giới gần đây, đều nhấn mạnh đến yêu cầu tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức, cấu trúc bộ máy hành chính, thực hiện sáp nhập hai tỉnh thành Quảng Nam - Đà Nẵng theo đúng chỉ đạo T.Ư. Vấn đề phải thấy là sau hơn 20 năm chia tách, cả hai phần địa bàn đều nhận rõ yêu cầu tái hợp. T.P Đà Nẵng đã chật vật với dư địa hạn hẹp, cần mở rộng không gian vật lý. Tỉnh Quảng Nam cần định rõ những lĩnh vực cần đầu tư, hoán chuyển đất đai và tư duy cục bộ cũ, xây dựng mới các chỉ số phát triển, đô thị hóa. Do vậy, hai tỉnh thành cần thống nhất lại theo tinh thần cách mạng.

Tư duy thay đổi ấy, không chỉ dừng lại ở Quảng Nam, Đà Nẵng, mà đang là hành động của các tỉnh, thành. Từ Bắc chí Nam, các đô thị phát triển đều đang được định hình, tổ chức lại không gian. Các tỉnh, thành nông nghiệp, nông thôn đều kết nối lại địa giới, chọn lĩnh vực thế mạnh, sáp nhập cùng kiến tạo những không gian đầu tư. Công tác quản lý xã hội được nhận diện lại theo hướng quản trị hóa, đề cao tính chủ động, tự giác của mỗi cá nhân, vốn được xem là những hạt nhân tế bào của xã hội.

Bởi xu thế đó, nhận thức phát triển đất nước không thể bó hẹp trong một khu vực nào. Tư duy phát triển cần hướng đến xây dựng những vùng kinh tế - xã hội, vượt khỏi quan niệm tỉnh thành truyền thống. Ngược lại, tư duy quản trị đất nước lại nhắm đến từng cá thể, cá nhân hóa qua mã số công dân. Chỉ như vậy, mỗi công dân mới nhận thức rõ yêu cầu chịu trách nhiệm với chính hành vi của mình, trực tiếp tham gia cải thiện, thay đổi xã hội, trong khi bộ máy hành chính lại gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả hơn.

Với cách nhìn nhận này, có thể hiểu hướng vận động bộ máy hành chính tinh gọn sắp tới, chính là đề cao lựa chọn, đăng ký trách nhiệm của mỗi cá nhân, đồng thời tuân thủ quy hoạch, luật pháp kỷ cương.Công tác hành chính Nhà nước chỉ giám sát cam kết, lời hứa cá nhân, không còn quản lý cho phép nữa. Hoạt động xã hội như vậy sẽ đề cao tính cá thể, phát triển kinh tế tư nhân, tư pháp cá nhân. Mọi thủ tục, quy định sẽ đơn giản hóa, không còn câu nệ người dân đang ở đâu, thuộc địa phương nào, mà chỉ căn cứ vào yêu cầu đăng ký của người dân để giải quyết. Những tiện ích, giải pháp hiệu quả từ công cuộc vận động số hóa những năm qua, cùng thời đại công nghệ số mạnh mẽ, sẽ là những nền tảng giúp cho việc thực hiện giải quyết yêu cầu đó đạt hiệu quả.

Mạnh dạn tư duy “trỗi mình”

Một số nhà quản lý quy hoạch đã kiến nghị, với tinh thần thống nhất cao độ, nâng tầm mọi địa giới hành chính, đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững, có thể hình dung không gian phát triển đất nước phải đổi qua tầm nhìn mới.

Thứ nhất, định hướng phát triển các không gian đầu tư, cải cách mở rộng ra khỏi phạm vi tỉnh thành, hướng đến xây dựng những vùng kinh tế, bao hàm kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn. Các đơn vị hành chính cơ sở sẽ tùy thuộc tính chất kinh tế để định danh tên gọi, áp dụng các luật ban hành, như Luật Nhà ở tại đô thị, Luật Đất đai tại nông thôn... Các cấp cơ sở phải tham mưu, quy hoạch rõ ràng các nhóm nhu cầu đầu tư, phát triển, kiểm soát hỗ trợ đời sống người dân một cách tích cực nhất. Người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp sẽ căn cứ các bước công bố quy hoạch ấy, để đăng ký, nguyện vọng đầu tư, làm ăn kinh tế của mình và tuân thủ thực hiện. Tầm nhìn các địa bàn vì thế sẽ trải mở, thông thoáng. Một số nhà quy hoạch nhìn nhận, có thể cơ bản cả nước sẽ phân định thành các vùng kinh tế, dựa trên các yếu tố địa lý, lịch sử văn hóa, truyền thống xã hội, và lợi thế kinh tế có được. Mỗi vùng sẽ có nhiều thành phố, đô thị tập trung, làm hạt nhân thu hút đầu tư tài chính, nhân công vật lực, định hướng đô thị hóa bền vững để phát triển.

Thứ hai, các Bộ, ngành quản trị xã hội theo trách nhiệm được phân công, hợp tác cùng các cấp hành chính cơ sở tổ chức quy hoạch, vận động đầu tư phát triển các nhóm lợi ích xã hội, kinh tế, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và các tổ chức doanh nghiệp hoạt động. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách sẽ đi theo từng nhóm nhu cầu cụ thể, gắn với trách nhiệm quản lý giám sát ở từng địa bàn, giúp định hướng đầu tư công hiệu quả, thiết thực, trực tiếp tạo ra các giá trị tăng trưởng bền vững, tạo động lực phát triển các nguồn lực trong dân và thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.

Hành trình phát triển của đất nước, đến nay đã có 50 năm thống nhất quy về một mối. Vậy nên, những hoạch định triển khai sẽ đến, phải dựa trên các nền tảng phát triển ổn định, an ninh xã hội, bảo đảm được các nhu cầu tối thiểu của người dân. Đây chính là tinh thần cách mạng lớn mà T.Ư đặt ra, để mạnh dạn vận động cấu trúc tinh giản bộ máy hành chính, thay đổi từ tư duy quản lý xã hội sang quản trị xã hội, từ định hướng sức mạnh tập thể sang tập trung phát triển, hỗ trợ kinh tế tư nhân... Những vấn đề vướng mắc trong hỗ trợ đời sống người dân, từ chỗ ở, việc làm, đến các lĩnh vực y tế, giáo dục, thẩm mỹ văn hóa, đạo đức lễ giáo... đều cần được nhìn nhận, tổ chức lại.

Trong từng sự kiện kỷ niệm 50 năm giải phóng, các địa phương miền Trung, Tây Nguyên... đều nhấn mạnh đến những thành quả phát triển ổn định đời sống kinh tế, phát triển xã hội. Đó là những thành quả đáng ghi nhận. Song để phát huy những thế mạnh, tiềm năng đi cùng thực tại địa phương ấy, đòi hỏi thay đổi tư duy chính trị xã hội, tư duy phát triển các không gian đầu tư, mở rộng nhận thức các thế hệ lao động, vẫn phải là một quá trình tiếp tục tổ chức, vận động không ngừng. Dòng chảy cách mạng 30-4 hôm nay, không chỉ đơn giản hướng về một mục tiêu “giải phóng Sài Gòn” như 50 năm trước, mà phải tấn công mạnh vào tư duy trì níu, chậm tiến, hệ thống hóa cứng nhắc trong mỗi con người.

Sỹ Linh