Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019), Báo Nhà báo và Công luận, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Công ty Truyền thông Thiên Sơn phối hợp tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca” truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 12/5/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.
Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca” là một biên niên sử tái hiện lại những khoảng khắc lịch sử bi hùng của Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong, Công nhân giao thông, Dân công hỏa tuyến… trong 16 năm (1959 - 1975) đối đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại thông qua phóng sự và lời kể của các nhân chứng lịch sử giao lưu trong chương trình.
Bằng các bài hát đã đi cùng năm tháng qua thể hiện của NS ƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, như: Cô gái mở đường, Nổi lửa lên em, Đường Trường Sơn xe anh qua, Em ở nơi đâu… chúng ta sẽ được sống lại hào khí Trường Sơn thời đánh Mỹ.
Ở phần 1 “Hào khí Trường Sơn”, khán giả sẽ được giao lưu với Đại tá, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mỗi, nguyên chiến sĩ lái xe Đại đội 2, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải của Binh trạm 37, Sư đoàn 470, Đoàn 559.
Đại tá Nguyễn Văn Mỗi cho biết, ra đời vào cuối tháng 3 năm 1966, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải tiền thân là Đoàn xe 90 mang biệt danh “Mũi tên xanh”, có hơn 100 xe gaz 63 hai cầu làm nhiệm vụ chở chuyến hàng đầu tiên từ Hà Nội vào Trường Sơn giao hàng tại bản Tà Xẻng phía Tây tỉnh Kon Tum gần ngã ba Đông Dương tháng 4/1966.
Từ Đoàn xe 90 làm nòng cốt, sau này, Đoàn 559 thành lập Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải trực thuộc Binh trạm 8 phục vụ chiến trường Đông Dương gồm mặt trận B2, B3, Nam Lào và Cam-pu-chia. Tuyến hoạt động của Tiểu đoàn 58 từ ngã ba Phi Hà đến Tà Ngâu (Cam-pu-chia) đường 49, đường 128A, đường 128B, 128C qua khu vực Tây Nguyên. Do yêu cầu nhiệm vụ, sau này, Tiểu đoàn 58 lại trực thuộc Binh trạm 37, Sư đoàn 470.
Suốt 10 năm (1966-1975) làm nhiệm vụ trên những cung đường quân sự làm gấp quanh co nhỏ hẹp, vượt qua nhiều dốc cao vực sâu, dưới thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa” có 10 trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch như đèo 32, dốc 200, ngầm Xê Xụ, ngầm 42, đèo Ang Bun… Tiểu đoàn 58 đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
Khu vực hoạt động của Tiểu đoàn 58 được mệnh danh là “Rốn sốt rét của Đông Dương”, vì vậy có thời điểm tiểu đoàn bị sốt rét 100% quân số. Mùa mưa năm 1968, 1969 đường vận chuyển bị nước lũ bao vây và bị địch đánh phá rất ác liệt, bộ đội ta bị đói, mỗi ngày một người chỉ được 1 lạng gạo. Để duy trì sự sống, bộ đội phải vào rừng đào củ mài, củ chuối rừng, của dái ngựa đem về chế biến làm lương thực thay cơm. Bom đạn và nạn đói làm cho Tiểu đoàn 58bị tổn thất có lúc lên đến 60% quân số.
Tuy phải vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, nhưng cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 58 vẫn kiên cường vươn lên trưởng thành trong chiến đấu. Nhiều tấm gương tiêu biểu đã xuất hiện như Trần Văn Thắng, Hoàng Văn Thái, Cẩm Bá Đức, Nguyễn Văn Khang… Đặc biệt, ngày 31/12/1973, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Làm nhiệm vụ ở Trạm X340, Trung đoàn 265, Đoàn 559, đồng chí Nguyễn Văn Tân, nguyên Trạm phó của Trạm X340 được mệnh danh là cây sáng kiến “biến không thành có, biến khó thành dễ”. Với tinh thần sáng tạo dám nghĩ, dám làm, mùa mưa năm 1966, việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường bằng đường bộ không thực hiện được vì lũ lụt, bộ đội ta phải dựa vào phương thức vận tải bằng đường sông. Nhưng vào thời điểm đó, các cánh quạt nước (chân vịt) của thuyền máy bị va vào đá ngầm trên sông hầu hết đều bị gãy làm cho thuyền máy không thể hoạt động được, nhưng không có phụ tùng thay thế.
Không chịu bó tay, đồng chí Tân nghĩ ra sáng kiến tìm gỗ tốt trong rừng đẽo thành chân vịt gỗ để thay thế chân vịt sắt đạt kết quả tốt. Nhờ có sáng kiến này, bộ đội vận tải đường sông không phải chèo thuyền bằng tay vừa chậm vừa vất vả, năng suất vận chuyển thấp, lại phải hoạt động cả ban ngày dễ bị máy bay địch phát hiện đánh phá gây tổn thất.
Có lần, máy bơm nước tự động làm mát máy bị hỏng nhưng không có phụ tùng thay thế, đồng chí Tân đã nghĩ ra cách làm mát máy trực tiếp bằng phương pháp đặt một thùng nước trên cao rồi dùng tuy ô dẫn nước chảy trực tiếp qua thân máy.
Mùa khô năm 1967, phụ tùng thay thế hầu như không có. Đồng chí Tân và đồng đội phải tổ chức tháo dỡ phụ tùng ở các xe bị địch đánh hỏng trên các trọng điểm đem về thay thế để cho đơn vị luôn có đủ đầu xe hoạt động. Cũng bằng cách làm này, đồng chí Tân đã lắp ráp thành công một chiếc xe cẩu để tháo lắp thân máy nặng hàng tấn mỗi khi sửa chữa ô tô vừa tiết kiệm được nhân lực lao động, vừa nâng cao năng suất và tiết kiệm thời gian cho xe ra xưởng nhanh. Nhờ có chiếc xe cẩu tự tạo này, mùa khô năm 1972, đồng chí Tân và đồng đội đã sửa chữa thành công một chiếc xe tăng của ta bị hỏng ly hợp tại trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch ở Km 42 trước sự thán phục của bộ đội Tăng - Thiết giáp.
Bằng việc không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiết kỹ thuật trong khi làm nhiệm vụ để tiết kiệm mồ hôi xương máu cho đồng đội, đồng chí Nguyễn Văn Tân đã được chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973.
Khác với Đại tá Nguyễn Văn Mỗi và Trung tá Nguyễn Văn Tân, bà Tạ Thị Hoán, Cựu TNXP Đại đội 5, Đội 25 (sau này chuyển sang quân đội công tác ở Binh trạm 14, Đoàn 559) có một tình yêu với người đồng đội cùng quê tuy không trọn vẹn nhung vô cùng thánh thiện. Mối tình đầu ấy được bà ghi lại trong cuốn nhật ký đến bây giờ bà vẫn còn giữ được, là kỷ niệm buồn đi suốt cuộc đời, bà Hoán tâm sự:
Tôi và Thắng ở cùng đơn vị C452 - Đội 25 TNXP tỉnh Hà Nam nhưng khác xã, khác tiểu đội. Hai chúng tôi đều là Tiểu đội trưởng, cùng gia nhập TNXP chống Mỹ cứu nước ngày 28-6-1965, cùng làm nhiệm vụ ở đường 20 Quyết Thắng. Tôi quen Thắng qua Thanh An - một cô bạn cùng quê, Thắng để ý tôi lúc nào tôi không biết, cho đến ngày 17-2-1966, Thắng mới chính thức gửi thư đặt vấn đề yêu tôi. Tôi bất ngờ và vô cùng bối rối kèm theo sợ nữa vì theo quy định của cấp trên, TNXP sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ mới được yêu. Ngày ấy, tôi chỉ cảm nhận khi được ở gần Thắng tôi thấy mình rất thanh thản và yên tâm. Tôi đưa lá thư của Thắng cho thầy giáo Phạm Bá Chức (thầy giáo dạy tôi hồi học cấp hai), xem xong thư, thầy Chức gật đầu bảo tôi: “Thắng được đấy”. Tuy vậy, tôi vẫn không hứa hẹn, thề thốt gì với Thắng mà chỉ im lặng ghi nhật ký, hoặc nói bóng gió những khi gặp nhau để Thắng hiểu lòng mình...
Chúng tôi rất khó gặp nhau, tôi ao ước được ăn với Thắng một miếng cơm nắm; mong được nghe tiếng nói của Thắng mỗi khi ứng cứu đường khi bị tắc. Một niềm hạnh phúc thật đơn sơ. Cuối năm 1966, đơn vị tôi đóng quân tại đỉnh U Bò (Km37). Một buổi tối trong lúc giao ban Thắng đưa tôi một mảnh giấy: “Sau họp qua chỗ mình nhé” ... Thế rồi, khi tôi vừa đến đầu lán B4, Thắng đã nắm tay tôi, dẫn tôi đến một phiến đá cách lán chừng vài mét ngồi tâm sự. Lần đầu tiên có một người con trai nắm tay mình, tim tôi đập thình thịch, tôi không dám ngồi gần Thắng nữa. Không nhiều lời, Thắng nói như khẳng định: “Nếu chiến tranh không cướp đi một trong hai đứa, hòa bình rồi Thắng sẽ báo cáo với bố mẹ cho chúng ta làm đám cưới, Hoán hãy tin lời nói của Thắng như dao chém đá, không bao giờ rút lại. Sự nghiệp chống Mỹ đang cần chúng ta, mình còn có 4 ước mơ: một là trở thành đảng viên, hai là trở thành anh lính cụ Hồ, ba là trở thành họa sĩ, bốn là được đón Hoán về làm vợ...”
Tháng 10/1966, chúng tôi hành quân vào Km76 đảm bảo giao thông ở Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích. Trên đường hành quân, một buổi tối tôi ngồi đối diện với Thắng, bé Tấn và bé Sửu ngồi xen kẽ giữa hai chúng tôi quanh chiếc đèn phòng không. Bỗng máy bay địch xuất hiện, Tấn vội thổi tắt đèn, trong tích tắc, tôi giật mình khi Thắng quàng tay kéo đầu rồi hôn tôi một cái rất nhanh, tôi bàng hoàng nhưng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Mùa khô 1967- 1968, tôi theo thủ trưởng Binh trạm 14 đi phục vụ tại Chỉ huy sở Tiền phương tại Km 69 ở gần C6 nơi Thắng đóng quân. Đã mấy tháng trong mùa chiến dịch, tuy chỉ ở cách nhau một ngách đường mòn qua cây cầu nhỏ mà tôi không dám sang chơi với Thắng. Trước hôm về hậu cứ một ngày, sau bữa cơm tối, tôi sang thăm chị Hương C trưởng để có cớ được gặp Thắng. Lúc chia tay, tôi dúi vào tay Thắng một lá thư.
Chiều 29/10/1968, trước khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc hai ngày, Thắng đã hy sinh trong khi đi kiểm tra tuyến giữa hai trận bom B52. Năm ấy, Thắng vừa tròn 20 tuổi và hơn 1 năm tuổi Đảng. Tôi vĩnh viễn mất Thắng từ ngày ấy. Ngày 1/11/1968 tôi theo đơn vị lên cắm cờ tại biên giới Việt Lào rồi đến bên mộ Thắng thắp hương lên mộ anh trong niềm đau đơn tột cùng.
Mối tình đầu của tôi với Thắng như thế đấy. Bài thơ Ly Biệt là cội nguồn của những trang nhật ký, nó là một trong 47 bài trong tập thơ “Kỷ niệm một thời” tôi tái bản lần thứ 2 nhân dịp nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng: Anh bảo rằng chiến tranh/ Là vô cùng khốc liệt/ Là mất mát đau thương/ Là cách chia ly biệt/ Sao anh lại thầm yêu/ Sao anh lại trộm nhớ/ Để đời em trăn trở/ Bởi nụ hôn vội vàng”.
Ở phần 2 “Người không hát tình ca”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được làm quen với chị Đỗ Thị Bình – Cựu chiến binh Trường Sơn và chị Mai Thị Thọ, Cựu chiến binh Trường Sơn, nạn nhân chất độc da cam.
Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, tháng 8 năm 1973, chị Đỗ Thị Bình rời quê hương Thanh Thủy, Phú Thọ lên đường nhập ngũ. Sau hai năm gắn bó với Trung đoàn 99, Sư đoàn 473, Đoàn 559 ở miền Tây Quảng Trị, tháng 4 năm 1975 chị Đỗ Thị Bình được xuất ngũ khi bệnh sốt rét chưa hết hành hạ chị.
Bằng khát vọng đổi đời trên quê hương nghèo khó, đầu năm 1978 chị Đỗ Thị Bình xin vào làm công nhân Nông trường Chè Phú Đài. Nhưng buồn thay, sau 7 năm đầu tắt mặt tối lương vẫn chẳng đủ ăn vì doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, chị phải trở về quê với hai bàn tay trắng.Ngôi nhà chị Bình đang ở hiện naynằm trên phần đất của cậu em trai cho mượn đã sửa đi sửa lại ba lần nay xuống cấp nhưng chưa có tiền làm lại. Ngày lại ngày, chiếc xe đạp cà tàng này là phương tiện đưa chị đến hết đồng xa, rồi lại đồng gần để mò ngao, bắt hến bán kiếm tiền nuôi sống bản thân. Là người phụ nữ đơn thân làm bạn với cái nghèo, cái khó, nên bữa ăn của chị Bình cũng đạm bạc bằng bát mỳ tôm không người lái. Giờ đây, người bạn đồng hành cùng chị trong những đêm khó ngủ là chiếc ti vi cũ kỹ màn hình xem lúc được lúc không.
“Em trở về sau năm tháng chiến tranh/ Đành chấp nhận gái quá thì nhỡ lứa/ Đường Trường Sơn những năm đạn lửa/ Cơn sốt rét rùng theo dọc tuổi hai mươi/ Em trở về không phải thương binh/ Chỉ vết thương lòng day vào năm tháng/ nhớ kỷ niệm âm thầm trong dai dẳng/ Phương thuốc nào dịu bớt nỗi lòng đau/ cứ mỗi mùa xào xạc nắng hoa cau/ nỗi thèm khát ru con nào ai biết/ Đêm đăm đắm trăng trên trời hao khuyết/ tháng bảy về lẩn thẩn với mưa ngâu” …
Trả lời câu hỏi của tôi, chị trải lòng khi bờ mi rớm lệ, “Em thấy tủi thân và rất cô đơn khi nằm trên giường bệnh mà chẳng biết nhờ ai”. Suốt mấy chục năm rồi chị mong lắm một bờ vai để tựa, chị mong lắm được sống thành đôi lứa, nhưng niềm mong ước ấy giờ đây thật xa vời.Đất nước đã lật mình sang một thế kỷ mới, nhưng ở đâu đó trong ký ức chiến tranh của đất nước một thời đạn lửa, ta vẫn gặp hàng ngàn nữ bộ đội Trường Sơn, Cựu thanh niên xung phong, Cựu dân công hỏa tuyến phải chấp nhận cuộc sống đơn thân, đối mặt với ốm đau bệnh tật và nghèo khó đang rất cần, rất cần sự cưu mang đùm bọc của chúng ta.
Chị Mai Thị Thọ, Trưởng Ban liên lạc Nữ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ, Cựu chiến binh Sư đoàn 473, Đoàn 559 là nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Trở về quê sau 3 năm gắn bó với Trường Sơn, chị vừa đi học vừa dạy mẫu giáo ở thành phố Việt Trì. Vào thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, cuộc sống của người dân nước ta thiếu thốn trăm bề. Ngày ấy, để có tiền nuôi sống gia đình, chị Thọ phải đem chiếc vỏ chăn và những bộ quần áo bộ đội cắt ra thành quần áo trẻ em mang ra chợ bán. Năm 1991, vì cuộc mưu sinh và để không ảnh hưởng đến thanh danh nhà giáo, chị Thọ xin nghỉ hưu non ở nhà chạy chợ kiếm tiền chữa bệnh cho con.
Những tưởng, bằng sự chịu thương, chịu khó chăm lo cho hạnh phúc gia đình, chị sẽ gặt được những mùa quả ngọt. Nào ngờ, sau 4 lần mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con hàng chục năm trời, bốn đứa con của chị đều lần lượt ra đi vì bị bệnh hiểm nghèo. Khi nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai, vợ chồng chị lại chia tay mỗi người một ngả cùng với bản tình ca dang dở. Cũng từ đây, ngôi nhà này chỉ còn chị và đứa cháu nội mồ côi cha, bị mẹ bỏ rơi đang bị bệnh thấp tim mỗi tháng phải đi viện đôi lần.
Giờ đây, mỗi khi nhớ về quá khứ, chị Thọ lại ngồi thơ thẩn một mình nhìn cuộc đời qua ô cửa nhỏ và những kỷ niệm buồn đến rồi đi trong cuộc đời mình. Những lúc ấy, chị chỉ thầm mong cháu Nguyễn Ngọc Anh sẽ có mạnh thường quân giúp đỡ để không phải bỏ học giữa chừng. Vượt lên nỗi buồn riêng, chị Thọ lao vào hoạt động nghĩa tình đồng đội. Những tấm bằng khen trên bức tường kia là sự ghi nhận công lao của chị trong việc giúp đỡ hội viên nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên quê hương Phú Thọ.
Ở phần 3: “Thay lời tri ân”, thông qua phóng sự “Thay lời tri ân” khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến Ban tổ chức trao 25 sổ tiết kiệm với số tiền 125 triệu đồng cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nói riêng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn cả nước nói chung.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thông qua Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca”, Ban tổ chức sẽ tặng gần 180 sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ kính phí xây dựng Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20” để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc tại ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với số tiền gần 3 tỷ đồng.