Cô Trần Thị Tâm 15 năm cắm bản dạy học tại nhiều điểm bản lẻ của Trường Trung học Bắc Lý 2.
Lúc đó, con đường từ thị trấn Mường Xén vào xã biên giới Bắc Lý đi vô cùng khó khăn, đường đất quanh co, nhiều dốc dựng đứng. Mỗi khi mưa, nước xối xuống đường xẻ thành rãnh, lầy lội, trơn trượt. Từ thị trấn Mường Xén đi nhanh cũng mất một ngày mới đến được điểm trường Kèo Phà Tú (gọi là điểm trường vì những lớp lẻ đặt gần thôn, bản).
Điểm trường Nhọt Kho, Trường TH Bắc Lý 2 nơi cô Trâm đang dạy học.
Lần này gặp lại cô Trâm thì cô đã lại chuyển sang điểm trường Nhọt Kho, cũng thuộc Trường Trung học Bắc Lý 2, nhưng điểm trường này là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông còn khó khăn hơn cả điểm trường Kèo Phà Tú.
Cô Trâm tâm sự với chúng tôi: Ngay từ ngày còn là học sinh phổ thông cô đã mong ước trở thành một giáo viên dạy học. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Năm 2003, tốt nghiệp lớp Trung cấp sư phạm, cô trở về quê xây dựng gia đình, ngày cưới cũng là ngày cô nhận được quyết định vào nhận công tác tại trường Trung học Bắc Lý 2. Rất mừng là chồng cô có chung tình yêu con trẻ đã vui vẻ động viên cô đi nhận công tác.
“Ngày ấy xã Bắc Lý chưa có điện lưới, điện thoại di động càng xa lạ, đường đi vô cùng khó khăn, nên vào trường rồi, có nhớ chồng con cũng không dễ mà ra được. Có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề, nhưng lại thương các em học trò nghèo nơi vùng sâu, vùng xa này, hơn nữa được chồng động viên, giúp đỡ nên cứ cố, hết năm này đến năm khác... Cứ thế, cứ thế thoắt cái không ngờ đã 15 năm...” - cô giáo Trâm chia sẻ.
15 năm ấy, lần lượt hai đứa con của cô ra đời. Nhưng cả hai đứa, sinh con xong, hết những ngày nghỉ theo quy định là cô lại để con ở nhà cho chồng chăm nuôi để lên non tiếp tục bám trường, bám lớp.
“Lúc các con còn nhỏ, hết đợt nghỉ thai sản quay trở lại trường nghĩ đến con khát sữa mà chảy nước mắt. Giờ đứa đầu đã học lớp 9, đứa sau học lớp 3 mà thời gian tôi được ở bên chồng, bên con chỉ tính được từng ngày” - Chị Trâm bùi ngùi nói.
Tâm sự về người vợ của mình, anh Nguyễn Văn Trường, nói: “Vợ xa nhà, cảnh gà trống nuôi con cũng nhiều vất vả. Nhưng cứ nghĩ vợ tôi đam mê nghề, lại truyền đạt được kiến thức cho những đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều đói khổ nên tôi cũng cố gắng hết sức để vợ yên tâm công tác”
Mặc dù khó khăn và thiệt thòi là vậy, nhưng nhiều năm liền cô Trâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để ghi nhận công lao đóng góp cho ngành giáo dục huyện miền núi, cô vừa được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Xuân Hòa