Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương đã cho biết như vậy tại buổi họp báo về việc điều chỉnh giá điện năm 2011, do Bộ Công thương tổ chức chiều 26/2 tại Hà Nội.

Theo quyết định của Thủ tướng, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng/kWh so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010; thời gian áp dụng từ ngày 1/3/2011.

Theo Bộ Công Thương, biểu giá điện 2011 về cơ bản vẫn tiếp tục thực hiện các nguyên tắc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/2/2009 về giá bán điện các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường. Theo đó, giá bán điện bình quân năm 2011 sẽ là 1.242 đồng/kWh, tăng 165 đồng so với giá điện bình quân thực hiện năm 2010 và thời gian áp dụng từ ngày 1/3/2011. Đồng thời, giá bán điện cho các nhóm đối tượng khách hàng sẽ được tính toán theo nguyên tắc xóa bỏ dần bù chéo từ điện sản xuất cho điện sinh hoạt.

Riêng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang sẽ thực hiện chính sách của Chính phủ là hỗ trợ giá điện trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp. Cụ thể, các hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ qui định sẽ được hỗ trợ giá điện cho 50 kWh/tháng tương ứng mức hỗ trợ là 30.000 đồng/hộ/tháng. Còn tại những khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia, giá sàn điện sinh hoạt bằng 1,5 lần giá bán điện bình quân cả năm, giá trần bằng 2,5 lần giá điện bình quân năm.

Cũng theo ước tính của ông Vượng, sẽ có khoảng trên 3,2 triệu hộ nghèo được hưởng trực tiếp mức hỗ trợ trên, tương ứng với ngân sách nhà nước bỏ ra để hỗ trợ khi giá điện tăng sẽ là 1.120 tỷ đồng. Còn những hộ có thu nhập thấp thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50kWh/tháng cũng được hỗ trợ giá điện do được mua điện cho 50 kWh của bậc thang đầu tiên hàng tháng với giá bằng 80% giá bán điện bình quân, không có lợi nhuận.

Như vậy, với mức điều chỉnh giá điện lần này là 15,3%, tăng 165 đồng/kWh so với giá điện bình quân năm 2010 thì những hộ có mức tiêu thụ 100 kWh/tháng chỉ phải trả thêm là 32.000 đồng; Còn 200 kWh/tháng phải trả thêm là 39.000 đồng; 300 kWh/tháng là 45.000 đồng và 400kWh/tháng sẽ tăng thêm 52.000 đồng.

Lý giải vì sao phải điều chỉnh tăng giá điện, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phân tích tiếp, nếu giữ giá điện thấp như hiện nay, không ai dám đầu tư nhà máy điện, vì đầu tư xong nếu bán giá thấp sẽ lại lỗ. Theo Bộ Công Thương, giá điện của Việt Nam trong những năm qua vẫn thấp hơn giá thành, không đảm bảo được cân bằng tài chính cho đơn vị sản xuất điện, không hấp dẫn được các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, dẫn đến tình trạng chậm đầu tư các nguồn điện mới. Do vậy, mục tiêu tăng giá điện lần này là đưa giá điện tiệm cận dần với giá thị trường, giúp ngành điện huy động đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các công trình điện mới. Đồng thời, khuyến khích các hộ tiêu thụ điện đổi mới công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm.

Thực tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất nhiều phương án khác nhau, tuy nhiên, Chính phủ chọn phương án tăng 15,28% với tiêu chí giảm thiểu các chi phí và lợi nhuận để có tỷ lệ tăng giá ở mức hợp lý trên cơ sở cân đối chi phí đầu vào, mục tiêu kiểm soát lạm phát và hạn chế tối đa tác động đến đời sống người dân, phù hợp với lộ trình theo cơ chế thị trường nhằm thu hút đầu tư vào ngành điện, hạn chế tình trạng thiếu điện.

Về tác động đến các ngành sản xuất, dự kiến giá điện tăng bình quân khoảng 12% thì cũng chỉ làm tăng giá thành sản phẩm thêm từ 0,01-1,33%. Chẳng hạn, đối với các ngành cán thép, xi măng, sản xuất sợi, tỷ lệ tăng giá thành sản phẩm do điều chỉnh giá điện khoảng 0,38-1,33% còn đối với các ngành thuốc lá, sản xuất bao bì, tỷ lệ tăng thêm cũng khoảng từ 0,01-0,46%. Riêng hàng hóa thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như thực phẩm, hàng may mặc, nhiên liệu xăng dầu... thực tế, tỷ trọng chi phí tiền điện trong giá thành các mặt hàng này là rất nhỏ do đó tỷ lệ tăng giá các mặt hàng này do điều chỉnh giá điện là không đáng kể. Ước tính việc tăng giá điện cũng chỉ tác động trực tiếp làm CPI tăng thêm khoảng 0,46%.

Một trong những vấn đề lo ngại là việc “té nước theo mưa”, lợi dụng điều chỉnh giá điện để tăng giá các mặt hàng bất hợp lý. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát những biến động do ảnh hưởng của tăng giá điện ở cả 2 khu vực sản xuất và tiêu dùng. Nếu có những ảnh hưởng lớn, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp điều chỉnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường sẽ được đẩy mạnh để hạn chế tiêu cực, tránh tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá bất hợp lý các mặt hàng, gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân.

Cao Thúy