Dân tộc ta từ lâu vốn có truyền thống tốt đẹp Tôn sư trọng đạo. Bác Hồ cũng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Nghề dạy học - nghề cao quý, thiêng liêng, thanh cao đã được thơ ca, nhạc, họa tôn vinh. Những vần thơ viết về thầy cô, về mái trường, về kỷ niệm tuổi học trò không phải là ít. Có thơ ca ngợi, cảm thông, sẻ chia những vui, buồn, khó khăn gian khổ của các thầy cô ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Có thơ nói về các thầy cô đi bộ đội, là thương binh, liệt sĩ...
Nhà thơ Lê Đình Cánh trong bài “Em đi” đã nói hộ nỗi vất vả, cực nhọc của các cô giáo vùng núi cao miền Tây Bắc, Việt Bắc: Em đi “bán chữ” trên rừng/ Đã qua mặn ngọt đã từng cay chua/ Đất nghèo, chữ ít người mua/ Ế “hàng” không nỡ phân bua nửa lời.
Các cô thầm lặng hy sinh tuổi xuân, chỉ ước ao một điều đơn giản mà vẫn chưa thành: Ở rừng tự hát ru nhau/ Lá trầu chị héo quả cau em già/ Ước ao có một gian nhà/ Có trưa đưa võng đón bà lên chơi.
Có thơ khắc ghi công ơn, kỷ niệm của tình thầy trò ở nhiều thế hệ. Nhà thơ Lê Văn Lộc có bài thơ “Bụi phấn” được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc, sống mãi trong trái tim nhiều thế hệ học trò: Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào vương trên bục giảng/ Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy/ Em yêu phút giây này/ Thầy em tóc như bạc thêm/ Bạc thêm vì bụi phấn/ Cho em bài học hay…
Mảng thơ về nhà giáo có không ít những bài viết về những người thầy là bộ đội, là thương binh “tàn mà không phế”, là liệt sĩ… Nhà thơ Trần Đăng Khoa từ 7 tuổi đến 14 tuổi đã có một chùm thơ 5 bài viết về những người thầy của mình rất xúc động. Đó là các bài: “Thầy giáo đi bộ đội”, “Nghe thầy đọc bài thơ”, “Bàn chân thầy giáo”… Khoa viết về thầy Việt dạy em hồi lớp 1 và sau khi thầy đi bộ đội chống Mỹ trở về chỉ còn một chân nhưng vẫn tiếp tục lên lớp: Thầy ngồi trên ghế giảng bài/ Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ/ Một bàn chân thầy ở đâu rồi…?
Một bàn chân thầy gửi lại ở chiến trường Khe Sanh, Tây Ninh, Đồng Tháp, hay ở Lào, Campuchia? Và hôm nay với bàn chân còn lại thầy vẫn dìu dắt các em đi “suốt chiều dài yêu thương, chiều sâu đất nước”.
Tác giả Trà Ly có những vần thơ “Xin được tạc tượng thầy” sau 20 năm xa cách mái trường: Một mùa hè… nhớ lắm thầy ơi/ Chúng em tiễn thầy ra trận/ Trong giờ phút chia tay… tiếng ve chợt lặng/ Và những bông hoa chao cánh xuống sân trường…
Thế rồi một buổi chiều, cái tin “sét đánh ngang tai” đã đến với các em: Phút vĩnh biệt thầy, nước mắt em tràn ứa/ Bởi dấu ấn học trò, thầy để lại riêng em.
Người thầy - chiến sĩ ấy mãi mãi không về nữa, nhưng ánh mắt thiết tha, âu yếm của thầy vẫn in đậm trong ký ức của mỗi học sinh, vẫn rực đỏ như những chùm phượng vĩ “thắp sáng cuộc đời suốt thời gian, không gian”.
Cũng với tứ thơ này, tác giả Ngọc Bái đã có bài “Về một người thầy” đã nằm lại ở chiến trường, viết tháng 11-1977. Sau 13 năm xa cách, khi về thăm lại nhà thầy xưa thì chỉ thấy: Tiếp đón tôi là một người thiếu phụ/ Không còn khăn tang nhưng tóc trắng nửa mái đầu/ Tôi nhìn lên tấm ảnh bạc màu/ Thầy giáo tôi không hề đổi khác…/ …Nín lặng trong tôi những lời an ủi/ Tự dưng tôi buột miệng: Thầy ơi!
Đó là tiếng nấc nghẹn ngào trào dâng, tiếng kêu như thấu tới cõi tâm linh của người trò thành kính trước hương khói nhang nghi ngút trên bàn thờ thầy.
Nhà thơ Chu Huy lại có một người “Thấy giáo thương binh” của riêng mình. Chỉ với bàn tay trái còn lại, thầy vẫn tươi cười trên bục giảng: Tôi nhìn tay thầy viết/ Một bàn tay trái thôi/ Tôi nhìn miệng thầy cười/ Một nét cười tươi lạ/ …Giọng nói trầm bình thản/ Đưa tôi về xa xăm…
Cũng với tự đề “Thầy giáo thương binh”, nhà giáo Vũ Mạnh Khởi vẽ lại chân dung người thầy của mình bằng đường nét tạo hình: “Viên đạn thù làm tay thầy cong”, nhưng đó là một đường cong tuyệt vời: In trên bảng nửa vòng kinh tuyến/ Viết và vẽ rất là điêu luyện.
Tác giả đã tạo được chi tiết rất thực và hồn nhiên, vừa vẽ được niềm vui của thầy, của trò và đồng nghiệp, vừa ngợi ca năng lực chuyên môn của thầy trong giờ thao giảng: Viên đạn thù làm tay thầy cong/ Tôi nhìn thấy một lần lóng ngóng/ Ấy là khi hoa ùa lên vây tặng/ Giờ thao giảng vừa xong.
Niềm vui thao giảng đã che lấp nỗi đau. Chỉ còn tay trái thôi mà thầy vẫn làm tốt sự nghiệp “trồng người”.
Nếu khi xưa người chinh phu “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” (Chinh phụ ngâm), thì trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có bao thầy cô giáo từ biệt bảng đen, phấn trắng ra chiến trường, viết tiếp trang sử chống ngoại xâm chói lọi của ông cha. Những vần thơ viết về thầy giáo thương binh - liệt sĩ tuy không nhiều nhưng đó là những dòng tâm huyết chân tình tốt đẹp của các nhà thơ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” từ ngàn đời nay của dân tộc ta. Ngọn lửa tình yêu nghề, yêu cuộc sống dạy sáng chói trong trái tim của những người thầy giáo thương binh “Tàn mà không phế”.
Nhiều thầy cô đã trở về với cát bụi, có thầy đã về hưu, có thầy còn đang trên bục giảng… tất cả đều sống mãi trong tâm tưởng nhiều thế hệ học trò. Cô giáo Thái Dương Liễu ở Nghệ An đã thay mặt chúng ta thắp nén nhang tưởng niệm các thầy cô đã khuất trong ngày họp mặt “cựu học sinh”: Run run em đặt vòng hoa/ Khóc thầy cho cả người xa chưa về.
Tôi xin trích mấy vần thơ trong bài “Trồng cây xanh” của nhà thơ Định Hải - tác giả có nhiều bài thơ hay cho lứa tuổi học trò, để khép lại bài viết này: Những hàng cây xanh tôi trồng, tôi tưới/ Đang bắt rễ vào lòng đất phì nhiêu/ Đang cuốn nhựa xanh lên cành lá mới/ Những học trò đó tôi rất yêu thương.
Trương Thọ