Bởi lẽ trong gần 30 năm trong quân ngũ, làm công tác chính trị, văn hóa và 13 năm sau khi về hưu, làm báo, chụp ảnh và vẽ ở Báo CCB Việt Nam, Quang Hạnh đã để lại hàng nghìn bức ảnh, bài báo, bức tranh ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc. Được trao giải ba giải báo chí quốc gia, giải Un NESE châu Á –Thái Bình Dương cùng nhiều giải thưởng khác đã phần nào nói lên đóng góp cho báo chí và nghệ thuật của Quang Hạnh. Còn Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng đánh dấu cống hiến của ông cho quân đội .

Tôi không có nhiều năm sống làm việc bên Quang Hạnh nhưng chỉ mấy năm công tác ở Báo CCB Việt Nam, phần nào tôi hiểu được chiều sâu suy nghĩ và nét đẹp tâm hồn nghệ sĩ của Quang Hạnh. Tôi ấn tượng ở ông một cốt cách chín chắn trong lời nói và việc làm. Nhận xét điều gì về bạn đồng nghiệp ông cân nhắc từng lời, giữ được sự chuẩn mực, nhẹ nhàng, nên dễ được cảm thông chia sẻ. Ở Báo CCB Việt Nam có nét đặc thù là số đông nhà báo đều cao tuổi đã có 30, 40 năm quân ngũ, trải nghiệm qua nhiều môi trường công tác nên có nhiều điểm mạnh về bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhưng đôi khi cũng cố chấp, khắt khe. Vậy nên trong môi trường ấy rất cần tiếng nói chân tình, dung hòa và làm cầu nối giữa các thế hệ già trẻ, CCB và công nhân viên. Quang Hạnh là một trong số những con người tiếp nối mới cũ, góp phần giữ gìn sự đoàn kết ổn định của cơ quan.

Nguyễn Quang Hạnh sinh năm 1945 ở làng Gia Cốc, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, Hưng Yên trong một gia đình có truyền thống văn hóa, hiếu học. Sớm tiếp thu tinh hoa văn hóa của cha ông, xóm làng và dòng họ. Nguyễn Quang Hạnh lớn lên và trưởng thành trong cao trào yêu nước và cách mạng của dân tộc. Cha ông là một công chức mẫu mực, một đảng viên trung thành, sống và làm việc có nghĩa cử và nguyên tắc. Bản tính ngay thẳng, ông không được hanh thông trên đường sự nghiệp nhưng ở cơ quan, ai cũng cảm mến và nể phục vì ông dám nói những điều mà đôi khi cấp trên không được hài lòng dù đó là điều đúng và sự thật. Khi về hưu, sống ở quê nhà, ông để lại cho các con tấm gương thanh bạch, giữ nghiêm cốt cách. Mẹ ông là phụ nữ hiền thục, hết lòng thương yêu và hy sinh vì chồng con, nên đã sống tốt đời, đẹp tình làng nghĩa xóm ngoài 90 xuân mới nhắm mắt xuôi tay. Không phải không có lý khi về già, bà sống với Quang Hạnh dù anh là con thứ trong gia đình vì Quang Hạnh hợp tính bà, hết lòng chăm sóc mẹ với cả mối tình mẫu tử và trách nhiệm.

Quang Hạnh đã trải qua các chặng đường chiến sĩ, làm báo, chụp ảnh và vẽ tranh với những nét đẹp tài hoa một phần là do năng khiếu. Nhập ngũ vào bộ đội biên phòng năm 1964, Quang Hạnh đã phấn đấu trưởng thành từ chiến sĩ, hạ sĩ quan vượt qua cấp úy và về hưu năm 1995 với quân hàm thượng tá. Ông đã đi qua nhiều chặng đường gian lao từ miền núi đến hải đảo. Sau gần 20 năm ở đơn vị, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Nhà văn hóa - Bảo tàng Bộ đội Biên phòng. Tại đây ông có điều kiện vẽ tranh, chụp ảnh và thực hiện các ý tưởng trình bày nhà văn hóa vừa bảo đảm tính chính trị và tính nghệ thuật. Rất nhiều bức ảnh và tranh vẽ của ông trong thời kỳ này phản ánh đời sống phong phú của bộ đội biên phòng trong công tác, học tập và chiến đấu. Ông được đào tạo chính quy ở một trường đại học nghệ thuật và do tự học và tiếp thu kinh nghiệm của đồng nghiệp, Quang Hạnh có nét riêng trong bố cục mỗi bức ảnh và bức tranh, đạt được sự hài hòa giữa con người và cảnh vật.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Hạnh công tác ở Báo CCB Việt Nam 13 năm, từ năm 1995 đến tháng 9-2008. Tại đây ông đã thăng hoa trong nghề báo, chụp ảnh và hội họa vì ông được tự do hành nghề, không còn bị gò bó về thời gian và nhịp độ công việc hành chính sự vụ. Bạn đọc cả nước biết đến ông qua nhiều bài báo có ảnh minh họa (điều mà không phải nhà báo nào cũng làm được), về nhiều vùng đất, nhiều con người, nhất là CCB, từ vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ đến Tây Bắc, Việt Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Ông sống giản dị, không rượu bia, thuốc lá, hình như ông cảm nhận được sức khoẻ của mình có vấn đề nên cần sự kiêng khem. Tuy nhiên có lúc nể tình bạn bè, ông cũng cạn chén hết mình. Ở Báo CCB Việt Nam, Quang Hạnh, Minh Huệ, Minh Phương và tôi nhiều buổi trưa thường liên hoan chung vui, lúc thì mừng Minh Huệ có bài báo, bài thơ hay, khi thì vui với Quang Hạnh có bức ảnh, bức tranh vẽ đẹp. Những lúc đó, đôi khi ông trầm lắng, nhắc đến nỗi đau của người em liệt sĩ hi sinh ở chiến trường Quảng Trị mà ông mất nhiều công sức vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

Ngày ông lâm bệnh, tôi có nhiều lần vào thăm ông, cảm nhận ở ông sự bình thản, đón nhận ngày ra đi nghiệt ngã với nghị lực và niềm tin vào cái đẹp vĩnh hằng. Tôi xúc động khi một lần vào thăm, ông trao tôi số tiền quỹ của Ban liên lạc cựu cán bộ Báo CCB Việt Nam với một bản ghi chép tỉ mỉ cùng lời ghi chú: Cần phải đến thăm người này, người kia đau ốm. Tôi cảm phục chị Thùa - bạn đời của ông đã gắn bó, chăm sóc ông cả cuộc đời. Mấy tháng trời luôn túc trực bên giường bệnh, chị nhiều đêm thức trắng, lắng nghe nhịp đập trái tim yếu ớt của ông, chị sẵn sàng san sẻ máu thịt để ông kéo dài sự sống, thể hiện một tấm lòng phu thê đẹp đẽ. Ông có con gái, con trai đều thành đạt, đầy đủ dâu rể và các cháu nội ngoại. Một gia đình hạnh phúc như thế mà ông nỡ vội ra đi vào hồi 17 giờ 25 phút ngày 8-5-2011 ở tuổi chưa cao. Thật tiếc lắm thay.

TRẦN NHUNG