Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam lên đường tham gia lực lượng GGHBLHQ.
Tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc (GGHBLHQ), các sĩ quan QĐND Việt Nam không chỉ thiết thực góp phần trợ giúp nhân đạo và hạn chế những tàn phá từ xung đột vũ trang ở những đất nước nội chiến, mà còn hiện thực hóa đường lối đối ngoại của Đảng nói chung, Đối ngoại Quốc phòng nói riêng, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Từ năm 2014 đến 2018, Việt Nam có 27 lượt sĩ quan tham gia GGHB tại các Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi. Họ là những sĩ quan tiên phong xây dựng hình ảnh Việt Nam với thế giới thông qua hoạt động này. Những sĩ quan mà mỗi khi nhắc đến, nguyên Tổng thư ký LHQ - Ban-ki-mun luôn bày tỏ sự hài lòng và cảm mến. Ông nói:
- Khi nhìn thấy hoạt động của các nhân viên Việt Nam tại các Phái bộ GGHB, tôi chỉ có thể nói được rằng: Thật tuyệt vời. Họ đã làm việc trong một hoàn cảnh thật khó khăn, nguy hiểm. Và tôi hiểu được là họ rất hạnh phúc vì đã giúp được những người đang nghèo khổ, đói khát và sợ hãi. Họ đã góp phần tăng cường hơn nữa tinh thần quốc tế.
Tại những nơi các sĩ quan có mặt, nguy hiểm luôn rình rập. Dù ở trong căn cứ hay di chuyển đi thực hiện nhiệm vụ cũng đều có thể bị tấn công. Đã có những quân nhân các nước trong phái bộ hy sinh. Ngay tại khu nhà của các sĩ quan LHQ, có một khu tưởng niệm 3 quân nhân người Nga đã hy sinh trong một chuyến bay thực hiện nhiệm vụ cứu trợ. Trung tá Nguyễn Việt Hưng - Sĩ quan liên lạc Tổng hành dinh Phái bộ GGHBLHQ tại Nam Xu-đăng nhớ lại những ngày làm việc tại quốc gia này:
- Họ chặn xe và chĩa súng vào chúng tôi. Để không xảy ra va chạm, chúng tôi đã xuống làm việc. Khoảng 15 phút sau, có đến gần 200 binh lính nữa kéo đến và vây chúng tôi lại. Sau đó, Phái bộ cử lực lượng ra, nói chuyện trực tiếp ở cấp cao mới giải quyết được.
Trong một môi trường làm việc như thế đòi hỏi sự tuyển chọn rất kỹ càng đối với những sĩ quan sang làm nhiệm vụ tại các Phái bộ LHQ. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết:
- Đây là những đồng chí rất vững vàng về bản lĩnh chính trị, được đào tào trong các nhà trường Quân đội, trình độ tiếng Anh tốt. Sau khi được huấn luyện tại Cục GGHB Việt Nam, họ còn được cử tham gia các khóa học ở nước ngoài.
Bản lĩnh và sự mẫu mực ấy càng phải được đề cao trên mặt trận mới của công tác đối ngoại quốc phòng. Một mặt trận mà Đảng ta rất coi trọng, như khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia GGHBLHQ:
- Nhớ lại năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho LHQ và nói: Việt Nam sẵn sàng tham gia các hoạt động của LHQ để đóng góp cho hòa bình của thế giới. Đảng, Bác Hồ đã dự báo từ 70 năm trước, nay chúng ta đã làm. Đây cũng là thời điểm thích hợp để chúng ta thực hiện nhiệm vụ này để bảo vệ Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình.
Để được sự ghi nhận, nể trọng của các Phái bộ và nhân dân các nước, những sĩ quan đi tiên phong của chúng ta đã rất nỗ lực. Như việc Trung tá Lê Ngọc Sơn dạy cho các em nhỏ ở Cộng hòa Trung Phi học chữ, hai tiếng “Việt Nam” luôn được các em nhắc đến đầy trìu mến. Anh còn tận tụy dạy cho người dân ở nước sở tại trồng rau, làm vườn để cải thiện cuộc sống.
Còn ở đất nước Nam Xu-đăng, nhiều người dân đã coi Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga như người trong gia đình họ, bởi chị là một trong số hiếm hoi những người trong Phái bộ thường ra thăm và trò chuyện với họ. Họ rất vui khi nữ sĩ quan sau chuyến về Việt Nam trở lại Nam Xu-đăng, đã đem theo cho các em nhỏ những cây bút chì màu, những bộ đồng phục, những cuốn sách viết về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Họ quý trọng bởi chị đứng lên quyên góp làm lại nhà cho một gia đình đông con. Nhớ lại chuyện đó, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga xúc động kể:
- Gia đình đó có 10 người con, họ đã cố gắng rất nhiều năm để làm được ngôi nhà tường đắp bằng đất, mái che tạm bằng lá cây. Tôi bàn với cô bạn về văn phòng quyên góp tiền, hôm sau đem đến tặng gia đình. Chúng tôi gọi một cửa hàng gần đó đến làm lại mái, xong việc thì tôi trả tiền. Gia đình đó cảm động lắm, họ bảo như có phép màu từ đâu ban tặng cho họ vậy.
Ở các Phái bộ của LHQ, mỗi khi biết sĩ quan Việt Nam mới đến thì sĩ quan các nước khác trong Phái bộ hay nhân dân đều tỏ rõ sự tin cậy, yêu mến đặc biệt. Niềm tin dành cho những Bộ đội Cụ Hồ trên một mặt trận mới, như khẳng định của đồng chí Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao:
- Các quan chức LHQ nói đó là một hình ảnh rất đẹp. Người Bộ đội Cụ Hồ đã qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, bây giờ lại mang cái mũ nồi xanh - biểu tượng của hòa bình. Hình tượng rất đẹp đó, không chỉ đại diện cho lực lượng vũ trang mà còn đại diện cho nhân dân Việt Nam.
Tiếp nối những sĩ quan tiên phong, cuối năm 2018, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 của Việt Nam với 63 cán bộ, bác sĩ, nhân viên đã tham gia lực lượng GGHBLHQ. Bệnh viện đặt ở Ben-tiu, khu vực khó khăn và cần được giúp đỡ nhất của Cộng hòa Nam Xu-đăng để thực hiện sứ mệnh quân y nhân đạo. Vượt qua mọi khó khăn về khí hậu, thời tiết, điều kiện làm việc, Bệnh viện điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân, có hàng chục ca phẫu thuật khó, thậm chí là đại phẫu... cho quân nhân các nước trong phái bộ và nhân dân. Qua đó, xây dựng được lòng tin cậy, yêu mến của các lực lượng LHQ cũng như nhân dân nước sở tại.
Những chiến sĩ tham gia Lực lượng GGHBLHQ đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế những dấu ấn thật đẹp về con người Việt Nam. Và như khẳng định của Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Đó là dấu ấn của những người lính tiên phong trong việc thực hiện kế sách của Đảng: Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.
Hạnh Phương