Bốn người em gái của liệt sĩ Đào Đăng Hải ( Đào Thị Bích bên trái), chụp ảnh tại Lễ kỷ niệm cùng các CCB BLL.

Chúng tôi may mắn được dự buổi gặp mặt của Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội Quân khu Trị Thiên (BLL),nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để được chứng kiến những việc làm và nghe nhiều câu chuyện thật cảm động, ý nghĩa…

Chia sẻ những kết quả mà BLL làm được trong thời gian qua, Trưởng BLL Lê Anh Khải cho biết: 25 năm qua, BLL đã thông tin về liệt sĩ cho thân nhân gia đình liệt sĩ; tìm, đón hơn 400 liệt sĩ từ khắp các mặt trận về quê hương; tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, CCB có hoàn cảnh khó khăn gần 1 tỷ đồng… Được biết, nguồn tiền để BLL hoạt động là nhờ vợ chồng CCB Đỗ Tuấn Đạt và Nguyễn Thị Mão tài trợ. CCB Đỗ Tuấn Đạt cũng là Thường trực BLL, nhiều lần sử dụngxe nhà chở thân nhân liệt sĩ, thành viên trong BLL đi tìm, đón hài cốt các liệt sĩ.

Tại cuộc gặp mặt, bà Đào Thị Bích xúc động nói với tôi: “Nhờ có BLL mà gia đình tôi đón được hài cốt anh trai là liệt sĩ Đào Đăng Hải, sau 39 năm về quê yên nghỉ!”.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết: Liệt sĩ Đào Đăng Hải, quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, sau hai lần viết đơn tình nguyện, tháng 5-1971 anh mới được nhập ngũ vào đơn vị C9, D9, E64, F320A. Trong trận đánh mở màn Chiến dịch bắc Tây Nguyên ngày 14- 4-1972 với Tiểu đoàn 11, Lữ đoàn 3 dù ngụy, tại điểm cao 1015 trên dãy Sac Li, tỉnh Kon Tum, đồng chí Đào Đăng Hải đã anh dũng hy sinh.

Bà Bích kể: “Từ ngày nhận tin anh hy sinh, mẹ tôi thẫn thờ nhớ mong. Hễ thấy bóng bộ đội qua làng là mẹ lại hối hả chạy theo hỏi thăm thông tin về anh… Mấy chục năm qua, gia đình tôi dò tìm thông tin qua đồng đội, đơn vị cũ, ai mách đâu tìm đấy… nhưng không có kết quả gì”. Đến tháng 9-2008 gia đình có gửi thông tin của liệt sĩ cho Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và được trả lời bằng văn bản: “Liệt sĩ Đào Đăng Hải hy sinh trong hoàn cảnh: Mất xác không mai táng được”. Cả nhà bàBích đau buồn trong vô vọng.

Tình cờ, một lần xem truyền hình biết được thông tin về BLL,gia đình tìm đến gặp Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến,ở 34A Trần Phú, Hà Nội - nguyên là Trung đoàn trưởng của ôngĐào Đăng Hải năm xưa. Trung tướng đã chia sẻ thông tin, dặn dò, hướng dẫn chi tiết để gia đình trực tiếp vào Tây Nguyên, đến đơn vị cũ tìm và đón liệt sĩ Đào Đăng Hải về quê…

Được BLL và các đơn vị giúp đỡ, gia đình đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Đào Đăng Hải.Ngày 25-9-2011, sau 39 năm xa cách, BLL cùng địa phương, gia đình long trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ (HCLS) Đào Đăng Hải. Buổi Lễ đã để lại ấn tượng thật sâu sắc trong lòng họ hàng, bà con và chính quyền địa phương. Từ đó đến nay, năm nào bà Bích và gia đình cũng trở về với “Mái ấm BLL”.

Rồi chuyện ông Trần Văn Dênh, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cùng gia đình tìm, đón liệt sĩ Trần Xuân Mịch về quê cũng thật gian nan. Năm 1966, chàng trai trẻ Trần Xuân Mịch nhập ngũ vào Trung đoàn 291 Phòng không - Không quân. Tháng 1-1968, đơn vị nhận nhiệm vụ chuyển pháo vào Nam. Đêm đó, anh cùng đồng đội kéo pháo đến huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa thì bị địch bắn pháo sáng rực trời. Khi phát hiện đội hình hành quân của ta, chúng nhào xuống, bắntới tấp vào đoàn xe. Xe cháy, đồng chí Trần Xuân Mịch hy sinh. Ngày đất nước thống nhất, HCLS Trần Xuân Mịch được nhân dân đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Sơn. Mẹ của liệt sĩ Trần Xuân Mịch - Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thọ ngày đêm khắc khoải nhớ mong con. Cụ không chờ được ngày đón con về, đã dặn lại: “Bằng mọi giá phải đưa anh con về cho mẹ nhé!”. Năm 2023, sau 55 năm xa cách,nhờ BLL màgia đình mới biết được tin tức và đón liệt sĩ Trần Xuân Mịch về quê hương.  

 Chuyện của ông Phan Văn Lễ (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đón anh là liệt sĩ Phan Phúc Nghi, nhập ngũ 1970, đơn vị C69, hy sinh 26-10-1972, tại huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế cũng thật khó khăn. Gia đình không có tin tức, ngoài tờ giấy báo tử. Nhờ BLL tra cứu thông tin, tìm giúp, gia đình đã xác định được phần mộ của liệt sĩ. Cuối năm 2010, ông Đỗ Tuấn Đạt dùng xe nhà đưa ông Phan Văn Lễ cùnggia đình đi đón được HCLS Trần Xuân Mịch về để địa phương tổ chức Lễ truy điệu tại NTLS xã Phương Tú.

CCB Đỗ Tuấn Đạt cho biết: Để làm tốt việc tình nghĩa,các thành viên BLL cần phải có “3T và 1Q”, đó là “Tâm -tầm -  tiền và Quỹ thời gian”. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Mão đã bán 5 miếng đất được 30 tỷ đồng để ông có điều kiệncùng BLL đi đón hàng trăm liệt sĩvề với quê hương. Ông, bà giờ đã gần 80 tuổi, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nên chỉ mong “còn sức khỏe, còn đi đón liệt sĩ”.

Giai điệu bài hát “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” ngân vang trongtôi trên suốt đường về. Tôi thầm mong cho các bác, các chú trong BLL “chân cứng đá mềm”, phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, làm công việc gian nan nhưng mang ý nghĩa nhân văn này.

Thúy Hương