“Tiền trảm hậu tấu”
Ngày 28-3-2013, PVFC ký hợp đồng số 16/2013/PVFC-ATC bán cho Công ty CP Dầu khí An Thịnh (ATC) 20.605.675 cổ phần thuộc sở hữu của PVFC tại Công ty CP Đầu tư và kinh doanh tài sản Việt Nam (VN Assets). Giá trị chuyển nhượng được PVFC bán có 20.605.675 đồng (làm tròn 20,6 triệu đồng). Hợp đồng này do ông Nguyễn Thiện Bảo khi đó là Tổng giám đốc PVFC ký với ông Lương Anh Cường, Tổng giám đốc ATC.
Trong hợp đồng cũng đưa ra quy định, sau 5 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, ATC thanh toán đầy đủ tổng giá trị chuyển nhượng cho PVFC về tài khoản số: 350.800.123.2190.0099 tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - Chi nhánh Thăng Long.
Tại Điều 2 của bản hợp đồng cũng xác định mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần, nhưng giá trị chuyển nhượng số cổ phần trên không hiểu sao chỉ gói gọn có 20,6 triệu đồng? - tức là chỉ bán có 1 đồng/cổ phần. PVFC cam kết việc chuyển nhượng này là hợp pháp, không có bất kỳ tranh chấp với tổ chức, cá nhân nào…
Tuy nhiên vì giao dịch hàng triệu cổ phần mà chỉ bỏ ra hơn 20 triệu đồng đã được sở hữu, thậm chí nắm quyền quản lý, điều hành một doanh nghiệp tầm cỡ có vốn điều lệ 500 tỷ đồng quả là trong mơ đối với nhiều cổ đông, nên đã có ý kiến cho rằng giá trị chuyển nhượng này là bất thường? Bất thường bởi thời điểm đầu năm 2007, cổ đông thể nhân của VN Assets muốn sở hữu 10.000 cổ phần VN Assets, cần phải bỏ ra số tiền 100.000.000 đồng (tức là gấp gần 5 lần giá trị đầu tư của ATC ở phi vụ mua hơn 20 triệu cổ phần này) mới được sở hữu. Đó là một thực tế! Nhưng quá trình tìm hiểu của PV, việc thực hiện chuyển nhượng số cổ phần mà có người cho là "bất thường" này cho thấy có bàn tay chỉ đạo. Theo đó, Tổng giám đốc PVFC Nguyễn Thiện Bảo khi đương chức đã ký một chỉ thị tái cấu trúc các đơn vị thành viên của PVFC, đã buộc VN Assets bán 42,21% vốn điều lệ (tương đương khoảng 200 tỷ đồng) cho ATC.
Cùng phải thực hiện chỉ thị này, phía ATC cũng bị yêu cầu bán 19,5% vốn điều lệ của mình (tương đương 11.895.000.000 đồng) cho Công ty CP Mỹ Khê Việt Nam. Điều đáng nói trong báo cáo tài chính của Mỹ Khê xác định khoản đầu tư vào ATC ở thời điểm này cũng chỉ có 1.189.500 đồng, có nghĩa là giao dịch chuyển nhượng 19,5% vốn điều lệ thực chất cũng chỉ có giá 1 đồng/cổ phần. Thêm nữa, việc mua bán chuyển nhượng hơn 20 triệu cổ phần giữa PVFC với ATC cũng được thực hiện theo hình thức "tiền trảm hậu tấu”. Cụ thể, ngày 28-3-2013, PVFC và ATC đã ký hợp đồng mua bán, nhưng một ngày sau (ngày 29-3-2013) Tổng giám đốc PVFC Nguyễn Thiện Bảo mới ký “chỉ thị” tái cấu trúc về việc mua bán số cổ phần trên.
“Phớt lờ” ý kiến chỉ đạocủa Ngân hàng Nhà nước?
Ngoài những việc làm bất thường nêu trên, liên quan đến việc "thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư trả chậm", cuối năm 2009, PVFC “tấu trình” Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin chủ trương để được thực hiện việc này. Tuy nhiên phúc đáp lại, trong công văn số 9788/NHNN ngày 11-12-2009 của NHNN đã bác bỏ bỏ đề nghị của PVFC và NHNN yêu cầu:“Để đảm bảo nghiệp vụ nhận ủy thác được thực hiện theo đúng quy định cũng như để đảm bảo an toàn hoạt động của công ty, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Công ty chấm dứt ngay nghiệp vụ nhận ủy thác đầu tư trả chậm”…
Tuy nhiên sau văn bản chỉ thị của NHNN, PVFC lại không thực hiện mà còn "phớt lờ" ý kiến này của NHNN. Cụ thể trong báo cáo tài chính của VN Assets từ năm 2009 đến 2011, vẫn tồn tại khoản vốn ủy thác đầu tư 24 triệu cổ phần (tương đương 240 tỷ đồng), chiếm 48% vốn điều lệ ở VN Assets do cán bộ, công nhân viên PVFC nắm giữ. Trước đó, năm 2010, PVFC còn ký hợp đồng ủy thác đầu tư cho Công ty CP Mỹ Khê Việt Nam thực hiện đầu tư vốn vào dự án của Công ty CP đầu tư BĐS Lạc Hồng và Công ty CP đầu tư Phúc Thịnh ở TP. Hồ Chí Minh (trên mạng internet thể hiện người đại diện pháp luật hai công ty này tên là Dương Minh Liễu). Tổng số vốn PVFC ủy thác cho Công ty CP Mỹ Khê đầu tư chiếm tới 60% vốn điều lệ (tương đương khoảng 360 tỷ đồng) ở dự án 168 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 và 55% vốn điều lệ (tương đương 192,5 tỷ đồng) ở Dự án 99C Phổ Quang, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Hai khoản đầu tư ở dự án này thể hiện trên báo cáo tài chính đều là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, có tỷ lệ ăn chia rõ ràng. Tuy nhiên PVFC và Mỹ Khê không biết vô tình hay cố ý bởi tại dự án 168 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 cho thấy đây lại là tài sản thi hành vụ án Epco-Minh Phụng, đang được Sài Gòn Co.opmart thuê để kinh doanh siêu thị. Bản thân khu đất này, năm 2007, một doanh nghiệp cũng đã từng dựng bộ hồ sơ giả để lừa đảo chiếm đoạt vốn góp của đối tác đầu tư khác...
Giải trình vấn đề “gỡ khó” này, trong bản báo cáo của Mỹ Khê năm 2013, thừa nhận, “dự án 168 Nguyễn Đình Chiểu của công ty chỉ có bản phô tô Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty Phúc Thịnh đã cầm cố thế chấp bản này để vay vốn mà Mỹ Khê không kiểm soát nổi (?!)…
Như vậy vấn đề đặt ra, trước khi PVFC chuyển thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), đến thời điểm này, không biết số tiền ủy thác đầu tư trả chậm nêu trên đã được thu lại như thế nào? cũng như Mỹ Khê đã đòi lại được tiền do PVFC ủy thác đầu tư ở hai dự án trên hay chưa? Có lẽ để trả lời được câu hỏi này chỉ có được từ phía lãnh đạo PVcomBank. Tuy nhiên, khi PV liên lạc điện thoại với Tổng giám đốc PVcomBank Nguyễn Hoàng Linh để làm rõ về những “bất thường” ở PVFC trước đây. Ông Linh cho rằng do mới về ngân hàng, những việc cũ ông không nắm được... và sau đó vị Tổng giám đốc "đẩy" sang gặp ông Tuyên-Phó tổng giám đốc phụ trách truyền thông.
"Anh cứ sang trao đổi với anh Tuyên, có gì tôi sẽ nhắc anh ấy..." - ông Linh nói trên điện thoại.
Theo hướng dẫn của ông Linh, PV liên hệ qua điện thoại với ông Tuyên nhưng không thấy ông này trả lời. PV đã nhắn tin nhắn nội dung cần trao đổi, được ông Tuyên hồi âm: "Tôi chỉ phụ trách truyền thông thôi. Nếu anh cần thông tin về CV (công việc-PV) và đầu tư thì anh phải gặp người phụ trách lĩnh vực đó. Hiện tôi đang đi công tác nhé”…
(còn nữa)
Bài và ảnh: Doanh Chính, Lê Thanh
“PVFC chỉ được thực hiện nghiệp vụ nhận ủy thác đầu tư bằng cách PVFC nhận tiền của chủ đầu tư để giải ngân và quản lý nguồn vốn đó cho chủ đầu tư; PVFC được hưởng các loại phí liên quan đến việc giải ngân và quản lý vốn cho chủ đầu tư. Việc tiếp nhận vốn ủy thác đầu tư chỉ áp dụng đối với các hình thức đầu tư trực tiếp vào dự án hoặc công trình cụ thể có danh mục được xác định” - Văn bản 9788 của NHNN nêu rõ!