**Dự án Thủy cung Thăng Long đẩy đến thương vụ mua bán khách sạn Almaz… **

Theo đơn thư của ông Lê Tân Cương, nguyên giám đốc Công ty TNHH Vạn Thiện gửi Báo CCB Việt Nam thì cuối năm 1996 và năm 1997, khi công ty này đầu tư vào dự án Thủy Cung Thăng Long cần một khoản tiền để thực hiện dự án, nên ngày 28-8-1997, giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (Ngân hàng Bắc Á) đã cho ông Lê Tân Cương và mẹ ông là bà Nguyễn Thị Nhiễu vay khoản tiền 4,2 tỷ đồng, bằng hợp đồng tín chấp số 850, không có thế chấp tài sản. Khi ông Lê Tân Cương, bà Nhiễu đặt vấn đề vay thêm thì Ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Khi đó, bà Nguyễn Thị Nhiễu phải thế chấp ngôi nhà 3 tầng trên diện tích đất 136m2 ở số 22/163 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội để vay 1 tỷ đồng nhưng khi phía Ngân hàng Bắc Á làm hợp đồng số 851, chỉ cho vay 553,6 triệu đồng.
Đến cuối năm 1998, dự án Thủy cung Thăng Long bị thanh tra. Ngân hàng Bắc Á biết là việc cho ông Lê Tân Cương bà Nguyễn Thị Nhiễu vay tiền bất lợi về thủ tục, sợ bị Công an điều tra phát hiện ra việc cho vay tiền trái qui định của pháp luật tại Hợp đồng tín chấp số 850 nên ngày 28-9-1998, Ngân hàng Bắc Á đã ra Quyết định số 289/NASB chấm dứt trước thời hạn khoản vay trên và khoanh nợ (Niêm phong tài sản tín chấp là khách sạn Almaz) khiến cho gia đình ông Lê Tân Cương không thể kinh doanh khách sạn…
Trước đó, để thực hiện được hai bộ hợp đồng trên, do ông Lê Tân Cương đã sử dụng bộ giấy tờ gốc nhà đất ở 21/52 Tô Ngọc Vân, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội thế chấp vay 672,422 triệu đồng tại Ngân hàng Đông Á, nên Ngân hàng Bắc Á khi đó đã đứng ra trả tiền vay trên cho Ngân hàng Đông Á hộ ông Cương, rồi giữ bộ giấy tờ gốc.
Khoản vay 672,422 triệu của ông Cương tại Ngân hàng Đông Á là khoản vay có thế chấp tài sản của một phần khách sạn Almaz. Người ký hợp đồng bảo lãnh cho ông Cương vay tiền tại Ngân hàng Đông Á là ông Lê Minh Tân (anh trai ông Cương) – người quản lý, sử dụng 150m2 đất của khách sạn Almaz. Tuy nhiên khi Ngân hàng Bắc Á trả nợ thay cho ông Cương và làm thủ tục giải chấp, Ngân hàng Bắc Á và Ngân hàng Đông Á không thông báo cho người bảo lãnh là anh Lê Minh Tân biết để làm các thủ tục cần thiết theo qui định của pháp luật. Sau đó, Ngân hàng Bắc Á giữ luôn toàn bộ giấy tờ nhà đất liên quan đến khách sạn Almaz tại 21/52 Tô Ngọc Vân…
Do hai khoản vay của hợp đồng số 850 và 851 của ông Cương – bà Nhiễu ở Ngân hàng Bắc Á đến hạn không trả được, ngày 19-1-1999, giữa ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu cùng với Ngân hàng Bắc Á thương thảo Hợp đồng mua bán khách sạn Almaz trong thời hạn 4 năm với giá hình thức tạm tính tượng trưng là 7,4 tỷ đồng để trừ nợ. Đại diện phía Ngân hàng Bắc Á do ông Nguyễn Trọng Dũng (được bà Thái Hương – Phó chủ tịch HQĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á khi đó ủy quyền đứng ra ký hợp đồng) thỏa thuận, “sau 4 năm nếu ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu trả đủ 7,4 tỷ đồng thì ông Dũng và Ngân hàng Bắc Á trả lại khách sạn cho ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu”.Hợp đồng mua bán khách sạn Almaz chỉ là hợp đồng biến tướng?
Tuy nhiên, điều không may sau 20 ngày ký hợp đồng mua bán khách sạn Almaz (đến ngày 9-2-1999), ông Lê Tân Cương bị bắt trong vụ án Thủy Cung Thăng Long, bị kết án 20 năm tù và khách sạn Almaz cũng bị kê biên trong vụ án Thủy cung Thăng Long khiến cho ông Lê Tân Cương rơi vào tình trạng bất khả kháng (do bị bỏ tù), và mọi cam kết giữa phía Ngân hàng Bắc Á và ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu trong thương vụ mua bán khách sạn nêu trên không thực hiện được tiếp.
Sau khi ông Lê Tân Cương được đặc xá ra tù trước thời hạn, hai bên do không thương thảo tiếp thương vụ mua bán khách sạn được, phía Ngân hàng Bắc Á đã có đơn khởi kiện ra TAND quận Tây Hồ. Ngày 11-5-2010, TAND quận Tây Hồ đã xét xử và có Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2010/DS-ST tuyên hợp đồng mua bán khách sạn Almaz giữa Ngân hàng Bắc Á và ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu là hợp đồng vô hiệu.
Bản án sơ thẩm số 05/2010/DS-ST ngày 11-5-2010 của TAND quận Tây Hồ tiếp tục bị kháng cáo, ngày 22 và 28-7-2011, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa vụ án Tranh chấp Hợp đồng mua bán khách sạn Almaz ra xét xử và tiếp tục tuyên hợp đồng mua bán giữa Ngân hàng Bắc Á (do ông Nguyễn Trọng Dũng làm đại diện bên mua) và ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu (bên bán) là hợp đồng vô hiệu… Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, ông Lê Quốc Bình đã buộc: Ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu phải thanh toán cho Ngân hàng Bắc Á số tiền đã nhận (6,95 tỷ đồng) và khoản tiền bồi thường thiệt hại hợp đồng là hơn 15,7 tỷ đồng (Tổng cộng là hơn 22,67 tỷ đồng). Buộc Ngân hàng Bắc Á trả lại cho gia đình ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu và các thành viên khác trong gia đình toàn bộ giấy tờ bản gốc nhà đất liên quan đến khách sạn Almaz (nhà đất tại số 21/52 Tô Ngọc Vân, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội).
Theo ông Lê Tân Cương cho biết: Nội dung giấy ủy quyền của Ngân hàng Bắc Á cho ông Nguyễn Trọng Dũng đứng ra ký hợp đồng mua khách sạn Almaz chỉ là hợp đồng biến tướng. Bởi lẽ, sau khi Ngân hàng Bắc Á lấy toàn bộ giấy tờ gốc từ Ngân hàng Đông Á về biết rõ thửa đất xây khách sạn Almaz đứng tên ông Lê Minh Tân, nên đáng ra Ngân hàng Bắc Á phải thông báo cho ông Tân biết việc ngân hàng đang cầm giữ giấy tờ và hướng dẫn ông Tân làm bảo lãnh 4 năm để bảo đảm quyền lợi của các bên trong việc vay tiền trên, tuy nhiên, sự việc không diễn ra như vậy!
“Tôi và mẹ tôi chưa bao giờ đề xuất bán khách sạn Almaz cho Ngân hàng Bắc Á cả vì đây là tài sản chung của gia đình tôi do anh Lê Minh Tân đứng tên. Mặt khác đây là nguồn sống của gia đình tôi. Tôi và mẹ tôi bị Ngân hàng Bắc Á “ép” mới ký bán khách sạn trong thời hạn 4 năm như vậy! Vì sao tôi lại nói thế? Bởi giá trị của hợp đồng mua bán khách sạn Almaz ngày 19-1-1999 chỉ là khoản tiền gốc của hai hợp đồng tín dụng 850 và 851 cộng với tiền lãi thời hạn 4 năm được ông Dũng đưa ra tạm tính là 7,4 tỷ đồng; sau 4 năm thì hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Do đó có thể nói hợp đồng mua bán khách sạn Almaz ngày 19-1-1999 chỉ là hợp đồng tín dụng được biến tướng, do Ngân hàng Bắc Á dựng lên một cách “lệch pha” mà thôi”- ông Cương phân tích.
Theo Bản án số 140/2011/DSPT ngày 28-7-2011 của TAND TP. Hà Nội thì đại diện phía Ngân hàng Bắc Á cũng thừa nhận việc mua lại khách sạn là để trừ nợ?!
Còn phía Tòa án cho rằng việc ngân hàng mua tài sản thế chấp là không đúng pháp luật, trái với qui định tại Điều 73 Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 (“Tổ chức tín dụng không được trực tiếp kinh doanh bất động sản”) nhưng phía Ngân hàng biết rõ vẫn thực hiện là sai…

** Kháng nghị giám đốc thẩm có thấu tình, đạt lý?**
Sau khi hai phiên tòa và sơ thẩm và phúc thẩm do TAND quận Tây Hồ và TAND TP. Hà Nội xét xử đều tuyên hợp đồng mua bán nhà và đất tại địa chỉ 21/52 Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ, Hà Nội) là hợp đồng vô hiệu, thì sau đó phía Ngân hàng Bắc Á tiếp tục có đơn kháng cáo.
Gần 3 năm sau, Phó chánh án TAND tối cao, ông Nguyễn Sơn đã ký Kháng nghị giám đốc thẩm số 241/2014/KN-DS ngày 21-7-2014 đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 140/2011/DSPT ngày 28-7-2011 của TAND TP. Hà Nội và đề nghị Tòa dân sự TAND tối cáo xét xử giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm; giao cho TAND quận Tây Hồ xét xử lại từ đầu vụ án…
Nhìn nhận về kháng nghị này, ông Lê Tân Cương, bị đơn trong vụ án Tranh chấp hợp đồng mua bán khách sạn Almaz với Ngân hàng Bắc Á cho rằng Quyết định số 241/2014/KN-DS ngày 21-7-2014, do ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND tối cao ký đã Kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 140/2011/DS-PT ngày 28-7-2011 của TAND TP. Hà Nội cho thấy chưa nêu hết bản chất vụ việc, chưa đúng với những tài liệu có trong hồ sơ và chưa khách quan, cụ thể như sau:

  • Hợp đồng vay tiền số 850 ngày 28-8-1997 Ngân hàng Bắc Á cho ông Lê Tân Cương vay 4,2 tỷ đồng là hợp đồng tín chấp không hề có tài sản thế chấp nào cả.
  • Hợp đồng vay tiền số 851 ngày 28-8-1997 Ngân hàng Bắc Á cho ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu vay 533,6 triệu đồng mới có thế chấp tài sản là ngôi nhà ba tầng trên 136m2 đất tại 22/163 nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội.
    Tuy nhiên, tại trang 3 của Quyết định số 241/2014/KN-DS ngày 21-7-2014 Kháng nghị giám đốc thẩm của TAND tối cao cho rằng tài sản thế chấp 2 khoản vay trên có cả khách sạn Almaz là sai và chưa khách quan. Cũng ở cuối trang 3, đầu trang 4 của Quyết định số 241/2014/KN-DS này nêu rằng, “ngày 19-1-1999 hai bên ký Hợp mua bán khách sạn trên 396m2 với giá là 7,4 tỷ đồng” mà không hề đề cấp đến việc thỏa thuận “sau 4 năm nếu ông Lê Tân Cương, bà Nguyễn Thị Nhiễu trả đủ 7,4 tỷ đồng thì ông Dũng và Ngân hàng Bắc Á trả lại khách sạn cho ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu” trong hợp đồng là bỏ sót tình tiết dễ dẫn tới hiểu nhầm bản chất vụ việc.
    Do đó có thể nhìn nhận rằng Phó Chánh án TAND tối cao, ông Nguyễn Sơn chưa kiểm tra kĩ các tài liệu có trong hồ sơ để làm rõ bản chất của vụ án.
    Vì những mẫu thuẫn này, trong đơn ông Lê Tân Cương gửi Báo CCB Việt Nam kiến nghị: “TAND tối cao cần sớm xem xét rút lại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm do Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn đã ký”...
    Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc vụ việc này.

Doanh Chính