Sau 9 tháng 10 ngày bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn, anh Mai Đức Chung đã được trả tự do... Đáng nói, trại tạm giam công an tỉnh Bắc Kạn lập biên bản thi hành quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đã tiến hành… “trả tự do” cho anh Chung!

Tại ngoại hay trả tự do?
Ngày 9-12-2014, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Bắc Kạn (VKS) ra Quyết định số 01 “Về việc cho bảo lãnh” đối với bị can Mai Đắc Chung. Theo đó, VKS xét thấy bị can Mai Đắc Chung được Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở TTTT Bắc Kạn) đứng ra bảo lãnh theo công văn đề nghị ngày 14-5-2014, đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với Chung. Quyết định của VKS đề cập: “Xét thấy bị cáo Mai Đắc Chung có tổ chức là cơ quan đang công tác đứng ra bảo lãnh, sau khi điều tra bổ sung thì hồ sơ vụ án đã hoàn thiện đủ căn cứ để truy tố nên không cần thiết phải tiếp tục tạm giam”.
Tuy nhiên, trong “Biên bản về việc thi hành quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn” ngày 9-12-2014 của Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Kạn, thì nội dung “thay thế biện pháp ngăn chặn” được thể hiện bằng cụm từ “tiến hành trả tự do cho người bị tạm giam”. Biên bản này cũng đề cập đến thời gian bắt Chung là từ ngày 5-3-2014. Đơn vị thụ lý: “VKSND thị xã Bắc Kạn”.
Giải thích về chuyện lập lờ trong việc thả Mai Đắc Chung, ông Nguyễn Ngọc Sơn-kiểm sát viên (Phòng 1, VKSND tỉnh Bắc Kạn) nói: Đây có thể là do sáng tạo trong câu chữ của cán bộ trại giam!

Bắt giam vì...láo!
Trước đó, sau khi Mai Đức Trung bị bắt, gia đình và cơ quan của Mai Đắc Chung đều có đơn xin bảo lãnh, nhưng không được chấp thuận. Trong khi 6/21 bị can của vụ án bị bắt tạm giam nhưng 5 đối tượng đã được tại ngoại từ lâu-chỉ duy nhất còn bị can Mai Đắc Chung bị tạm giam hơn 9 tháng.
Như Báo CCB Việt Nam đã đề cập trong bài viết trước, nguyên nhân tiếp tục tạm giam Mai Đắc Chung là do… “Chung láo nên không thả”! (theo lời ông Triệu Văn Tịnh-Viện trưởng VKSND thị xã Bắc Kạn nói). Quá trình tạm giam Chung, bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Bắc Kạn nhiều lần bị VKS trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 19-11-2014, Công an thị xã Bắc Kạn đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án lần 2, nhưng kết luận chỉ làm rõ hành vi của các bị cáo Trương Công Tiến và Hoàng Anh Phương và một số bị can khác trong việc đánh bạc. Tuyệt đối không có dòng nào trong phần điều tra bổ sung lần 2 đề cập tiếp đến bị can Mai Đắc Chung. Theo Bản kết luận điều tra bổ sung lần 2 cho thấy vẫn giữ nguyên mức đề nghị truy tố Mai Đức Chung theo Khoản 1, Điều 248, BLHS như trong kết luận điều tra số 39 trước đây. Việc đề nghị truy tố Chung cơ quan CSĐT căn cứ theo Điểm a Khoản 5.2, Điều 1, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để cáo buộc tội. Tuy nhiên theo qui định của Nghị quyết, việc “xác định số tiền đánh bạc phải là số tiền thực tế (nghĩa là tiền thật-PV) mà chủ đề đã nhận của những người chơi số đề và số tiền mà chủ đề phải bỏ ra để trả cho người trúng...”. Nhưng hồ sơ vụ án cho thấy, chứng cứ buộc tội Chung đánh bạc với Tiến không hề có giao dịch bằng tiền thật. Cụ thể, tại bản hỏi cung giữa bị can Trương Công Tiến với Cơ quan CSĐT Công an thị xã Bắc Kạn và VKS về tin nhắn lô đề của Mai Đắc Chung gửi Trương Công Tiến thì Tiến đều khai không biết ai trả tiền đánh lô đề. Trong buổi làm việc giữa phóng viên với ông Triệu Văn Tịnh vào tháng 11-2014, ông Tịnh cũng thừa nhận, sau khi bắt quả tang Hoàng Anh Phương đang ghi lô đề, cùng ngày Cơ quan CSĐT cũng bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở của Trương Công Tiến. Như vậy cho thấy hành vi giao dịch bằng tiền thật giữa Chung và Tiến là không có. Dù tình tiết là thế, bản cung khai đã rõ, nhưng không hiểu sao VKSND thị xã Bắc Kạn vẫn đồng tình với đề nghị của CQĐT?

Vô trách nhiệm hay "phớt lờ" quy định?
Theo Công an thị xã Bắc Kạn, việc bắt tạm giam Mai Đắc Chung được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng UBND phường Đức Xuân (nơi cư trú của Mai Đắc Chung) xác nhận không nhận được thông báo của Công an thị xã Bắc Kạn về việc bắt Chung. Sở TTTT Bắc Kạn nhận được thông báo (số 17/TB- ĐUCA) nhưng lại do Đảng ủy Công an thị xã Bắc Kạn gửi với nội dung “về việc điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Mai Đắc Chung”…
Trước đó, từ tháng 5-2014, nhiều lần bà Nguyễn Kim Dung-mẹ bị can Mai Đắc Chung có đơn xin bảo lãnh cho Chung tại ngoại nhưng không được phía VKS chấp nhận. Ngày 15-10-2014, bà Dung đã có đơn tố cáo ông Triệu Văn Tịnh-Viện trưởng VKSND và ông Trần Minh Tâm-Phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra thị xã Bắc Kạn về hành vi: “Cố tình phê chuẩn quyết định khởi tố không đủ căn cứ pháp luật, bức cung, truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội. Ra quyết định khởi tố người không có tội và bắt tạm giam trái pháp luật, bức cung Mai Đắc Chung nhận tội theo ý của người điều tra”. Đơn bà Dung gửi đến nhiều cơ quan ở Bắc Kạn, sau đó Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Kạn đã có Quyết định số 1906 thành lập tổ điều tra xác minh giải quyết đơn tố cáo. Tuy nhiên quyết định này chỉ xác minh hành vi của ông Triệu Văn Tịnh mà không “đả động” gì đến ông Trần Minh Tâm. Trong khi Thông tư số 10/TT-BCA của Bộ Công an quy định: Việc quản lý công tác giải quyết đơn tố cáo trong Công an nhân dân liên quan đến hành vi bắt, tạm giữ, tạm giam của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng và Điều tra viên CQĐT, thì tại Mục b, Khoản 3, Điều 6 quy định, phải chuyển ngay nội dung tố cáo đến VKS cùng cấp xem xét, giải quyết theo qui định tại Khoản 3, Điều 337, BLTTHS. Mặc dù qui định như thế nhưng theo phản ánh của bà Dung, từ ngày bà gửi đơn tố cáo tới VKSND tỉnh Bắc Kạn (ngày 15-10-2014), đến nay bà chưa nhận được quyết định thụ lý đơn tố cáo của VKSND tỉnh Bắc Kạn theo Luật Tố cáo. Liệu có hay không cơ quan VKS tỉnh Bắc Kạn bao che cho cán bộ thực thi pháp luật của tỉnh nhà, còn người dân thấp cổ bé họng "kêu trời trời không thấu"?
Bài và ảnh:
Chính Nhi-Lê Thanh