“5 chọn 1” và nhà đầu tư có “vấn đề”
Trong danh sách tổng hợp báo cáo các doanh nghiệp đề nghị đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn do Sở KHĐT Thanh Hóa tổng hợp báo cáo lãnh đạo tỉnh, thì 5 nhà đầu tư gồm: Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Tuấn Long, Công ty CP Công nghệ T-TECH Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hoàng Hà và Liên danh Công ty CP đầu tư phát triển công nghệ ECOTECH và Công ty TNHH điện hơi công nghiệp Tín Thành.
Tuy nhiên, đánh giá ưu nhược điểm của các nhà đầu tư, báo cáo tổng hợp của Sở KHĐT Thanh Hóa nhận định các doanh nghiệp đều có ưu nhược điểm, riêng nội dung ưu điểm của Liên danh Công ty CP đầu tư phát triển công nghệ ECOTECH và Công ty TNHH điện hơi công nghiệp Tín Thành (liên danh ECOTECH – Tín Thành) không thấy Sở KHĐT Thanh Hóa đánh giá về ưu điểm. Đặc biệt, phía Sở KHĐT Thanh Hóa còn chỉ ra những nhược điểm, hạn chế đối với liên danh này khi đầu tư dự án (báo CCB Việt Nam đã thông tin). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, liên danh này vẫn đang được UBND tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là nhà đầu tư?
Điều này, khiến cho một số nhà đầu tư khác bức xúc và nhìn nhận việc lựa chọn nhà đầu tư đi ngược với quan điểm chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa.


Cụ thể, trong Văn bản 71-TB/VPTU ngày 18-7-2016 do Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa thông báo về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đã chỉ rõ: “Điều kiện được đưa ra là nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, phải có nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động ở Việt Nam và có năng lực đầu tư nhà máy rác thải công suất 500 tấn/ngày”...
Qua tìm hiểu của Phóng viên Báo CCB Việt Nam thì Liên danh ECOTECH - Tín Thành chưa có một nhà máy xử lý rác thải nào đang hoạt động ở Việt Nam. Bản thân Công ty CP đầu tư phát triển công nghệ ECOTECH chỉ là nhà cung cấp các thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải – chưa có kinh nghiệm vận hành xử lý rác thải, còn Công ty TNHH điện hơi công nghiệp Tín Thành thì mới được thành lập tháng 3-2016.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó GĐ Sở KHĐT tỉnh Thanh Hoá xác nhận: Đoàn công tác của tỉnh Thanh Hoá đã khảo sát hai nhà máy được liên danh ECOTECH - Tín Thành giới thiệu tại Ninh Thuận và Yên Bái. Đoàn cũng không khảo sát các nhà máy của các nhà đầu tư khác.
Trả lời câu hỏi của PV, vì sao có nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ xin đầu tư, Đoàn công tác của tỉnh không đi khảo sát các dự án của nhà đầu tư khác, ông Tuấn cho rằng: “Điều kiện của Đoàn không cho phép và cũng không thể đi tham quan hết được các nhà máy...”.
Theo ông Tuấn thì hai nhà máy mà đoàn thăm quan ở Yên Bái và Ninh Thuận là do ECOTECH cung cấp công nghệ, không phải do công ty này làm chủ đầu tư. Về công nghệ và cả công suất nhà máy do liên danh này đưa ra chưa đáp ứng yêu cầu. “Đúng là ECOTECH - Tín Thành còn một số vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, Thường trực Tỉnh uỷ đã có văn bản yêu cầu tiếp tục thương thảo với nhà đầu tư này về các tồn tại, để khắc phục. Nếu tìm được tiếng nói chung, chúng tôi sẽ lựa chọn” - ông Tuấn cho biết.
“Trốn” đấu thầu... thay bằng “chỉ định”?
Theo Luật Đấu thầu, một trong những biện pháp quan trọng nhất để chào mời, lựa chọn nhà đầu tư rộng rãi là các thông tin về dự án phải được đăng tải trên cổng thông tin đấu thầu quốc gia và báo Đấu thầu. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại quá trình thông tin dự án, ông Tuấn cho biết thông tin mời gọi nhà đầu tư chỉ được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thanh Hoá và ở trong một danh mục cùng hàng loạt các dự án mời gọi đầu tư khác.

Nói về đầu tư dự án, ông Lê Minh Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đầu thầu Bộ KHĐT khẳng định: Việc xây dựng mới nhà máy xử lý rác thải như ở Thanh Hoá là một dự án đầu tư mới, không thể “vận dụng”, xem đây là dự án cung cấp dịch vụ công. “Việc để nhà đầu tư xây dựng nhà máy rác, rồi cho họ thu hồi vốn bằng cách thu tiền xử lý rác không khác gì việc xây dựng các tuyến đường BOT. Đã là dự án BOT cần tuân thủ theo Nghị định15/2015/NĐ-CP (Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư) và bắt buộc phải đấu thầu. Việc vận dụng cung cấp dịch vụ công trong trường hợp này có thể coi là vận dụng để trốn đấu thầu. Và cách vận dụng đó theo tôi là không đúng quy định” - ông Tăng nhìn nhận!
Ông Hoàng Anh Tuấn (bên trái), PGĐ Sở KHĐT Thanh Hóa.

Trong khi được hỏi ông Hoàng Anh Tuấn – PGĐ Sở KHĐT Thanh Hóa là vì sao không áp dụng biện pháp đấu thầu để chọn được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có công nghệ phù hợp và giá thành tốt?, ông Tuấn lại lý giải đây không phải là dự án đầu tư mà là hợp đồng cung ứng dịch vụ công (áp dụng theo Nghị định 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích). Cụ thể, nhà đầu tư tự bỏ tiền xây dựng nhà máy, sau đó tỉnh Thanh Hoá ký hợp đồng, trả chi phí xử lý rác thải cho nhà đầu tư theo khối lượng rác.
Không biết lời ông Tuấn nói là đúng hay sai?, nhưng khi PV đề cập đến qui định trong Nghị định 130/2013/NĐ-CP, Chính phủ đưa ra yêu cầu, trước hết phải áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp, tại sao lại chỉ định nhà đầu tư?, thì ông Tuấn lập luận rằng: “Lý do để “chỉ định” là vì dự án quá cấp bách với Thanh Hoá”?!
Theo lời giải thích của ông Tuấn, thiết nghĩ sự cấp bách của tỉnh Thanh Hoá đưa ra sẽ khó thuyết phục khi nhìn lại quá trình kéo dài của dự án này đã được hình thành cách đây 10 năm. Một vài nhà đầu tư đã vào cuộc nhưng “bỏ chạy” vì nhiều nguyên nhân... Trong khi bản thân năng lực của liên danh ECOTECH - Tính Thành theo báo cáo tổng hợp của Sở KHĐT thì chưa đánh giá được ưu điểm của liên danh này. Và như chuyên gia Lê Minh Tăng nhận định, dự án phải đưa ra đấu thầu thì mới đảm bảo đúng qui định pháp luật cũng như mới lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự!
Bài và ảnh: Doanh Chính