Khi “nhóm lợi ích”…liên thủ?
Tháng 4 và tháng 12-2014, Báo CCB Việt Nam đã có bài viết phản ánh về những “bất thường” trong việc thu hồi đất và áp giá đền bù ở dự án Cụm công nghiệp Đa nghề Đông Thọ (CCN), giai đoạn 2, khiến người dân bị thiệt hại hơn 20 tỷ đồng tiền đền bù. Bên cạnh đó, đảng viên dám đứng lên tố cáo những sai phạm tại dự án này thì bị kỷ luật, cho thuyên chuyển công tác. Gần đây, người dân xã Đông Thọ tiếp tục có những kiến nghị và cung cấp thêm cho Báo CCB Việt Nam nhiều tài liệu, thể hiện khi thu hồi 7,87ha giai đoạn 2 của CCN theo một qui trình… “vương quốc riêng”.
Cụ thể, năm 2006, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Cụm công nghiệp làng nghề gỗ thủ công mỹ nghệ Đông Thọ (nay là Cụm công nghiệp Đa nghề Đông Thọ) với quy mô 48,78ha, do Công ty CP đầu tư địa ốc Sông Hồng làm chủ đầu tư. Đến ngày 30-1-2008, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 166 thu hồi 48,78ha trên địa bàn xã Đông Thọ và Thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) để thực hiện dự án. Việc đền bù, GPMB 48,7ha được thực hiện xong trong năm 2008. Tuy nhiên, thời điểm này không hiểu sao UBND xã Đông Thọ, UBND huyện Yên Phong lại “nhanh nhẩu” cho chủ đầu tư lấy thêm diện tích 7,87ha của thôn Trung Bạn và Đông Xuất khi chưa có quyết định thu hồi đất của tỉnh Bắc Ninh, sau đó gấp rút tiến hành chi trả tiền đền bù ngay trong tháng 1-2008?
Trước đó, ngày 18-12-2007, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong-ông Nguyễn Thế Nghĩa còn ban hành công văn số 481, chỉ đạo các thôn dừng canh tác. Trong công văn yêu cầu “Công ty Sông Hồng, UBND xã Đông Thọ, lãnh đạo các thôn có đất thu hồi, Phòng TNMT huyện, Tài chính-kế hoạch, Ban Quản lý các KCN, Chi cục Thuế theo chức năng phối hợp kiểm tra, thẩm định hoàn thành phương án đền bù trước ngày 31-12-2008 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Thế nhưng, ngày 28-1-2008, ông Nghĩa lại ký công văn số 36/CV-CT đồng ý cho Công ty Sông Hồng chi trả tiền đền bù, hỗ trợ GPMB phần diện tích bổ sung (7,87ha) của giai đoạn 2?
Tìm hiểu của PV, từ 28 đến 31-1-2008, chủ đầu tư và UBND xã Đông Thọ “tay bo” chi trả tiền đền bù. Số tiền xuất chi đạt khoảng 4,3 tỷ đồng. Đến ngày 20-2-2012, UBND xã Đông Thọ mới tiến hành lập Tờ trình số 10 đề nghị các cấp phê duyệt phương án bồi thường theo giá năm 2008 để hợp thức hóa việc chi trả tiền đền bù. Theo đó mức bồi thường, hỗ trợ chỉ 79.000 đồng/m2. Tổng giá trị bồi thường cho 7,87ha là khoảng 5,3 tỷ đồng.
Đến ngày 16-9-2013, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh-ông Nguyễn Tử Quỳnh (ông Quỳnh hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh) mới ký Quyết định số 335, thu hồi 7,87ha giao cho Công ty Sông Hồng thực hiện giai đoạn 2, mở rộng CCN.

**Xã, huyện… có “vấn đề”? **
Theo CCB Đỗ Văn Đồng-Bí thư Chi bộ thôn Trung Bạn cho biết: Năm 2013, UBND tỉnh Bắc Ninh mới có quyết định thu hồi diện tích 7,87ha trong khi đó chủ đầu tư đã chi trả tiền đền bù cho người dân theo đơn giá của năm 2008, khiến cho dân bị mất trắng hơn 20 tỷ đồng.
Nói về sự thiệt hại, ông Nguyễn Văn Thiểm-nguyên cán bộ địa chính-xây dựng xã Đông Thọ cho biết: Năm 2008, UBND xã Đông Thọ và chủ đầu tư lập sẵn “Đơn đề nghị” thu hồi đất và người dân khi đến lấy tiền chỉ việc ký vào đơn. Nhưng việc người dân thua thiệt hơn 20 tỷ đồng bắt nguồn từ sự “nhanh nhảu” của Chủ tịch UBND huyện Yên Phong khi đó là ông Nguyễn Thế Nghĩa đã ký văn bản đồng ý cho chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường mà không theo qui định của pháp luật. “Bản thân tôi làm chuyên môn về đất đai – xây dựng thấy việc chi trả tiền đền bù không theo qui định pháp luật nên đã kịch liệt phản đối”-ông Thiểm cho biết.
Vẫn theo ông Thiểm, đáng lý ra năm 2013 UBND tỉnh Bắc Ninh mới có quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty Sông Hồng thì phải tính mức đền bù, bồi thường hỗ trợ cho người dân theo đơn giá qui định của năm 2013. Theo đó mức tiền bồi thường, hỗ trợ là 439.000 đồng/m2. Tổng số tiền trả cho người dân phải là hơn 26,5 tỷ đồng mới đúng” .
Trả lời PV Báo CCB Việt Nam vì sao khi chưa có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Bắc Ninh, huyện và xã đã đồng ý cho chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường? ông Mẫn Văn Bảy-Chủ tịch UBND xã Đông Thọ lý giải: Việc trả tiền như vậy là do chủ đầu tư sau khi san lấp 48,7ha (giai đoạn 1) hệ thống kênh mương khu vực này bị lấp vùi nên diện tích 7,87ha của thôn Trung Bạn và thôn Đông Xuất sát cạnh CCN trở nên khó canh tác. Vì vậy người dân có đơn đề nghị chủ đầu tư lấy nốt số diện tích này làm CCN.
Còn ông Nguyễn Văn Hòa-Trưởng phòng TNMT huyện Yên Phong chỉ buông lời ngắn gọn: “Cái này phải hỏi tỉnh… Huyện hết thẩm quyền trả lời. Sở TNMT Bắc Ninh đã có văn bản trả lời dân. Mình là cấp dưới nên cũng khó nói…”.
Trong khi đó những vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Long-Trưởng phòng Quản lý đất đai Sở TNMT Bắc Ninh lại cho rằng: Diện tích 7,87 ha là đất… đầu thừa đuôi thẹo (?) nên việc người dân nhận tiền đền bù của doanh nghiệp là do hai bên tự thỏa thuận. Vả lại người dân có đơn đề nghị thu hồi, xã có văn bản đề xuất, huyện đồng ý. Năm 2013 UBND tỉnh chỉ công nhận bồi thường... là xong! Việc này là đúng theo quy định của luật đất đai. Tuy nhiên, ông Long không chỉ được cho PV biết việc này đúng theo điều luật nào? Sau đó ông Long lại nói: “Ông Sông Hồng, ông xã Đông Thọ “có vấn đề”. Văn bản của huyện cho nhận tiền là… “có vấn đề”. Trong trường hợp này (cho nhận đền bù) phải có văn bản đồng ý của UBND tỉnh”…
Bài và ảnh: Chính Nhi-Lê Thanh