Tủ thuốc gia đình có thể giúp bạn xử lý kịp thời một số tình huống trước khi thăm khám.

Với các bệnh thông thường, việc tủ thuốc gia đình có những loại thuốc, dụng cụ y tế phù hợp sẽ giúp chủ động hơn trong việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Dưới đây là những thứ nên có trong tủ thuốc gia đình:

- Danh sách các số liên lạc khẩn cấp: Bạn nhất định phải ghi lại danh sách các số điện thoại quan trọng của bác sĩ, trung tâm y tế, số cấp cứu khẩn cấp và những hướng dẫn xử trí khi ngộ độc hay dị ứng. Hãy dán chúng vào nơi dễ nhìn thấy nhất, có thể là ở bên cánh tủ hay mặt trong cửa tủ.

- Cặp nhiệt độ: Dùng để đo nhiệt độ khi thấy nghi ngờ bị sốt, nhất là nhà có trẻ nhỏ… Việc xác định chính xác nhiệt độ sẽ giúp uống thuốc hiệu quả và đúng liều, tránh được các biến chứng như co giật liên quan đến sốt.

- Băng, gạc y tế:Dùng để phòng các trường hợp bị đứt tay, xước da. Sau khi sát trùng dùng băng gạc để bang bó lại vết thương.

- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Thời tiết thay đổi đặc biệt là thời điểm giao mùa rất dễ dẫn đến tình trạng cảm cúm, ho, sốt. Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt gồm Paracetamol, Ibuprofen… Lưu ý sử dụng các dạng và liều lượng khác nhau cho người lớn và trẻ nhỏ.

- Thuốc tiêu hóa:Thuốc tiêu hoá là một trong những loại thuốc rất cần cho tủ thuốc gia đình vì trong quá trình ăn uống hay sinh hoạt không tránh khỏi những lúc chúng ta ăn phải thực phẩm không tốt dẫn đến đầy bụng, khó tiêu hay đau bụng tiêu chảy.

- Orezol bù dịch khi tiêu chảy: Việc mất nước khi bị sốt, tiêu chảy rất nguy hiểm, trong tủ thuốc của gia đình nên có sẵn Orezol để bù dịch khi cần.

- Máy đo huyết áp: Nếu gia đình bạn có người già hay người mắc các bệnh tim mạch, huyết áp thì đây là 1 dụng cụ thiết yếu và hữu ích giúp theo dõi các chỉ số huyết áp hằng ngày.

- Siro ho thảo dược: Việc có sẵn chai siro ho thảo dược trong tủ thuốc gia đình, giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu ở vùng họng: ngứa họng, ho… hạn chế gây ra các cơn ho lâu ngày, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh hoạt .

- Nước muối sinh lý:Khi ra ngoài bụi bặm, bạn có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi của mình. Dùng để xúc miệng mỗi tối trước khu ngủ hay bị đau răng. Dùng để vệ sinh các vết thương hở, sát trùng da hoặc lấy những dị vật nhỏ rơi vào mắt.

-Miếng dán giảm đau: Miếng dán Salonpas rất hiệu quả trong việc giảm đau nhức các vùng cơ bắp, cứng vai, đau lưng dạng nhẹ, các vết bầm…

-Cồn 70 độ: Dùng để rửa các vết thương mới, vết thương ngoài da phòng nhiễm trùng.

-Các loại thuốc da liễu: Petanol ở dạng xịt hay dạng bôi là một trong số những loại trị bỏng hữu hiệu. Trong trường hợp bị dị ứng, mề đay nên có sẵn Loratadien.

- Cao thảo mộc: Phù hợp cho những người hay bị nhiễm cảm mạo, hắt hơi, sổ mũi… Dùng để xông, tắm phòng cảm mạo. Xông xong có thể pha nước tắm hoặc pha thêm nước nóng để ngâm chân giúp phòng ngừa bệnh phong thấp. Ngâm chân xong có thể dùng để lau nhà để ngừa côn trùng .

Lưu ý:Bạn cần kiểm tra tủ thuốc định kỳ 3 tháng/lần để luôn chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc cần thiết. Ngoài ra, việc kiểm kê thường xuyên còn giúp bạn loại bỏ những loại thuốc cũ, đã hết hạn sử dụng.

                                                                                                 Thành An