Công tác tình nghĩa này, là công sức, là những giọt mồ hôi vất vả, là miếng cơm manh áo của mỗi người chúng ta đã giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần giúp cho các gia đình chính sách, Bà mẹ VNAH, thương binh, gia đình liệt sĩ, đồng bào bị bão lụt, các chiến sĩ nơi biên giới hải đảo - đặc biệt là các chiến sĩ huyện đảo Trường Sa…; thể hiện tình cảm và đạo lý của con người Việt Nam “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, thể hiện tấm lòng sẻ chia của chúng ta với đồng bào cùng chung dòng máu Lạc Hồng.
Chuyện tình nghĩa cao đẹp ở nước ta không thể nào kể xiết… Thế nhưng, lại có những chuyện mà không thể không nói trong chuyện tình nghĩa này, vì tuy rất ít nhưng đã làm ảnh hưởng xấu đến công tác tình nghĩa. Đó là chuyện làm tình nghĩa theo phong trào, làm việc tình nghĩa nhưng… chưa chân thành - việc làm đáng phê phán và rút kinh nghiệm để chấm dứt, không để tái diễn về sau.
Chuyện rằng, không ít lần (mới nhất là sau cơn bão số 9 gần đây), trong những phần quà, những gói hàng cứu trợ… đến những đối tượng nhận quà là người được cực kỳ tôn trọng và cần được giúp đỡ, thi thoảng lại có những “món quà” vô giá trị như những đôi dép, những đôi giày đã quá cũ, đứt quai, giày “há mõm”, thuốc, thực phẩm hết hạn sử dụng, những chiếc quần áo vừa bẩn, vừa rách, những cuốn sách, cuốn vở quá cũ… làm chạnh lòng người nhận. Dùng thì không được, lại phải mất công đổ đi. Trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, nhận được quà, hàng cứu giúp thì quý lắm, nhưng mở ra thấy có đồ quá đát, cũ hỏng thì nỗi buồn lại nhân đôi - món quà trở nên vô nghĩa và phản cảm.
Những chuyện này là rất buồn, vì lỗi thuộc cả người đóng góp, thuộc cả người đi vận động đã không nêu cao tinh thần nhân ái tình nghĩa, nhưng đáng tiếc hơn là có cả những cơ quan, đơn vị tập thể lớn ở thành phố với tiềm năng, con người hùng hậu cũng mắc phải ngoài những món quà “quá đát” như trên lại có cả những món quà không biết nên cười hay nên khóc khi người nhận (được xã hội hết sức tôn vinh) ở tận nơi đảo xa rất cần mọi thứ thì lại nhận được “quà” là đống sách học tiếng nước ngoài nay không còn phổ cập in cách đây đã 15 - 20 năm… Vậy mà món quà này lại được mang danh của cơ quan lớn, được đóng gói, nâng niu, lễ mễ đưa ra đảo từ nơi cách xa hàng ngàn ki-lô-mét tốn bao công sức, tiền vận chuyển… Còn rất nhiêu chuyện tương tự trong lĩnh vực này.
Việc tình nghĩa cần chân thành, thực chất. Giúp người là giúp thực tâm, để đồng bào nhanh chóng qua cơn hoạn nạn, chứ không phải tặng quà cứu trợ để lấy oai, lấy thành tích. Vấn đề này tuy nhỏ và là vấn đề tế nhị nhưng cần phải nói, cần rút kinh nghiệm để việc tình nghĩa đúng là tình nghĩa thực chất.
Bài và ảnh: Vân Trang