Từ phải sang Đại tá Võ văn Xít – cb E812 thời kỳ K84/85 quân phục; anh Nguyễn Thanh Nhẫn CH5 NTNL; thương bình ¼ Nguyễn văn Thạnh lính E812… cùng đồng đội tiễn liệt sĩ về lại quê hương.

Đã hơn 30 năm, kể từ ngày những người lính tình nguyện cuối cùng rời khỏi chiến trường K. Cho đến nay, vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm ở các nghĩa trang nơi biên giới với nước bạn Campuchia. Đó không chỉ là nỗi đau riêng của gia đình, thân nhân liệt sĩ… mà còn là nỗi đau của những cựu binh một thời với các liệt sĩ.

Nỗi đau của những cựu binh

Còn sống sót qua cuộc chiến gian khổ nơi miền đất lạ. Họ (những cựu chiến binh) đã được trở về Tổ quốc, sum họp cùng gia đình là một niềm hạnh phúc. Hoàn cảnh mỗi người mỗi quê, mỗi người mỗi công việc khác nhau. Thế nhưng, họ vẫn cố gắng để  gặp mặt nhau nhân Ngày truyền thống QĐND 22.12; Ngày nhập ngũ; Ngày truyền thống của đơn vị…

Đại tá Vũ Đình Nhị (áo xanh nhạt bên phải) - nguyên Trung đoàn trưởng E250 F309 thời kỳ K84/85

Mỗi khi  gặp mặt, họ lại nhớ đến những người bạn chiến đấu không may mắn của mình. Họ tìm đến nhà thân nhân của các liệt sĩ để thắp hương và thăm những người thân. Mỗi cuộc gặp gỡ như vậy, nỗi đau, niềm thương xót lại dâng lên. Nhìn những giọt nước mắt đau xót của những người cha, người mẹ… “Sao con còn đây mà nó còn nằm ở đâu mãi không chịu về!”…Lời thở than vô vọng của người mẹ liệt sĩ cứ xoáy trong lòng và họ quyết định lập nhóm “nghĩa tình đồng đội” tại Tp Hồ Chí Minh để đi tìm mộ các liệt sĩ cùng đơn vị ngày xưa của mình (F309). Bạn của họ, đang còn nằm lại các nghĩa trang như: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương…

Đại tá Nguyễn Văn Hồng (áo trắng, bên trái) – nguyên Sư trưởng F309 thời kỳ K84/85

Họ đã cùng nhau thiết lập lập cầu nối qua Zalo, Facebook với anh em đồng đội còn sống ở khắp các tỉnh thành, có quê chung với các liệt sĩ. Anh Nguyễn Thanh Nhẫn - Chi hội trưởng Chi hội 5 nghĩa tình đồng đội (NTĐĐ). Một chi hội tự nguyện làm công việc theo trái tim nghĩa tình của người lính, anh Nhẫn quê huyện Quế Sơn (Quảng Nam) vào lính 1978, phục viên năm 1982 là lính Trung đoàn bộ binh 812 (E812). Một trung đoàn chuyên giữ các điểm chốt dọc tuyến biên giới Campuchia – Thái Lan từ năm 1980 đến 1989.

Họ cùng nhau thực hiện lời hứa với các đồng đội.  Anh Nhẫn tâm sự: “Sức anh em tụi tôi đến đâu thì làm đến đó. Nhớ lại năm xưa, khi anh em tụi tui ra đi đông vui như ngày hội, vào trận tưng bừng khí thế. Mà nay, để anh em trở về lặng lẽ , thì buồn lắm! Nên hằng năm chúng tôi lên kế hoạch di dời từng đợt, nhiều liệt sĩ cùng về quê với nhau cho ấm áp…”.

Nỗi đau của người thân…

Tôi muốn ghi lại đây vài hình ảnh hết sức xúc động mà tôi đã chứng kiến.

Năm 2017, tại Chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức), tôi bắt gặp hình ảnh “con ôm cha” khóc! Bùi Thanh Hưng, sinh năm 1977, con trai của liệt sĩ (LS) Bùi Thanh Tuấn. Liệt sĩ Tuấn quê Hoài Nhơn-tỉnh Bình Định, hy sinh năm 1980. Anh nhập ngũ năm 1978, đơn vị E250- F309. Hưng nói trong tiếng nấc: Gần bốn chục năm, con mới "được gặp lại" cha mình!. LS Tuấn không có một tấm hình để thờ. Hưng kể: Từ lúc nhỏ cho đến lúc lớn lập gia đình, con luôn hỏi và "trách" ông bà nội, sao ba con không có một tấm hình nào để con biết mặt cha. Nội nói, mày giống cha mày lắm, mày ra tiệm nói thợ nhìn mày vẽ một tấm về mà thờ thôi con!

Liệt sĩ  Võ Thế Kỷ sinh năm 1960, hy sinh 1981. Anh xung phong tình nguyện đi bộ đội, đơn vị Đoàn 7704. Em trai của LS Kỷ là anh Võ Cang, sinh năm 1962 từ quê Quảng Nam, lần đầu tiên vào đây để đưa anh mình về quê. Gia đình LS Kỷ không có một chế độ nào sau khi cha mẹ mất. Mẹ LS Kỷ mất cách đây chỉ 2 tháng. Lúc còn sống bà luôn nhắc đứa em trai “mày làm sao đưa hài cốt anh mày về cho tau được thắp cây hương lên bàn thờ mà có nó!”.

Anh em cựu chiến binh F309 - Chi hội 5 NTNL, trong các đợt đưa liệt sĩ về quê.

Năm 2015 khi tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Tân Biên (Tây Ninh) để thắp hương cho đồng đội . Tôi đã chứng kiến cảnh “áp điện thoại trên mộ”... Có người phụ nữ nói qua điện thoại giọng Nghệ An: Mẹ ơi, con đã đến được bên mộ anh Ba rồi đây mẹ. Mẹ nói chuyện với ảnh tý nghe…! Và người phụ nữ ấy áp cái điện thoại lên một ngôi mộ và ngồi khóc… Sau vài phút, chị cầm điện thoại lên nghe thì chỉ nghe tiếng nấc nghẹn của mẹ mình ngoài quê Hương Sơn-Nghệ An : “ Con ơi! Con ơi là con”, nghe đến nhói lòng.

Và cứ vậy, từ năm 2003 đến nay, nhóm đi tìm đồng đội của anh Nhẫn với hơn 50 CCB đã  10 lần giúp đỡ các gia đình đưa LS về lại quê hương của mình với hàng chục hài cốt. Chắc chắn các đồng đội và gia đình các liệt sĩ thêm ấm lòng trong nỗi đau tận cùng.

Về nơi chôn nhau cắt rốn...

Đường về quê sao xa quá! Ngày ấy các anh đi, cắt rừng, lội suối cùng đơn vị tiến công tiêu diệt bọn Pôn Pốt, cứu đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng chỉ vài trăm km thôi… Nay các anh về đường quốc lộ 1 hàng ngàn km, chỉ mất non ngày đêm là đến quê. Thế nhưng, phải mất hơn ba mươi năm, các anh mới lại về đến quê nhà! Cùng người lính đi qua chiến tranh mới hiểu hết nỗi xót xa này.

Để về lại quê hương của mình, thân xác các anh đã hóa thành cát-bụi-đất-nước… Đợt hành quân cuối này, các anh trở về trong vòng tay của những người thân yêu ôm ấp. Tiễn anh về quê, với biết bao giọt nước mắt của những đồng đội một thời...

Tạm biệt các anh, mãi mãi xa rồi đời lính chiến… Những cựu chiến binh “một thời hoa đỏ”, một quãng đời gian nan nhớ mãi không quên…

Lê Thanh Hoàng