Khoảng 93% người đột quỵ não có rối loạn mỡ máu.

Tăng mỡ máu là một chứng bệnh gặp khá phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Tăng mỡ máu có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 30% người trưởng thành bị mắc bệnh mỡ máu (rối loạn lipid máu), tỷ lệ người thành thị mắc bệnh là 44,3%. Số người bị bệnh ngày càng gia tăng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.

Nguy cơ tai biến khi tăng mỡ máu

Thành phần mỡ máu gồm cholesterol, triglycerid. Tăng mỡ máu là tăng 1 hay cả 2 thành phần trên.

- Cholesterol phần lớn được tổng hợp ở gan, một phần từ thức ăn. Tăng cholesterol máu do tổng hợp quá mức ở gan trong một số bệnh di truyền, bệnh về rối loạn chuyển hóa khác như đái tháo đường... Hoặc là do chế độ ăn nhiều cholesterol như mỡ động vật, lòng lợn gà, lòng đỏ trứng, bơ, thịt chó, bò, trâu, tôm. Ngoài ra còn liên quan tới thừa cân, béo phì và lười vận động. Cholesterol xấu càng cao thì nguy cơ xơ vữa động mạch càng tăng, làm giảm lưu thông máu, kích thích hình thành cục máu đông. Một nguy cơ khác là mảng xơ vữa bong ra gây tắc mạch: tắc mạch vành  gây nhồi máu cơ tim hoặc tắc mạch não gây đột quỵ thể nhồi máu. Thống kê cho thấy khoảng 93% người đột quỵ não có rối loạn mỡ máu.

- Triglycerid tăng hay gặp nhất là do nghiện rượu, thừa cân béo phì, do các rối loạn gen gây bệnh di truyền, do ít vận động, hoặc mắc các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, hội chứng Cushing... Triglycerid tăng sẽ tích lại ở gan, gây gan nhiễm mỡ. Mức độ nhiễm mỡ từ nhẹ đến nặng cuối cùng dẫn đến xơ gan (là tình trạng đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để). Nếu tăng quá cao triglycerid máu, có thể gây viêm tụy cấp tính.

Nếu cả 2 chỉ số cholesterol và triglyceride tăng thì nguy cơ này cao hơn gấp nhiều lần và thúc đẩy nhanh hơn quá trình xơ vữa động mạch.

Khi chỉ số mỡ máu tăng cao cộng thêm một số yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch thì tỷ lệ gây tai biến đột quỵ gấp nhiều lần như: Hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường…

Làm gì để phòng bệnh xơ vữa động mạch?

- Hạn chế ăn mỡ động vật và nên thay bằng dầu thực vật trong các bữa ăn hằng ngày. Không nên ăn nhiều lòng động vật mà nên ăn nhiều cá, mỗi tuần nên ăn từ 2-3 lần cá thay thịt. Cần tăng cường ăn rau, hoa quả.

- Không nên uống rượu, bia hoặc uống quá nhiều rượu, bia hằng ngày, nhất là các loại rượu tự nấu, tự pha chế và rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với người cao tuổi thì không nên ăn quá nhiều tinh bột. Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn, sau mỗi một bữa ăn nên có trái cây để ăn như cam, bưởi, táo, nho...

- Tăng cường vận động cơ thể: Mỗi ngày nên đi bộ hoặc tập các môn thể thao phù hợp với sức khỏe từng người khoảng chừng 30-60 phút chia làm 2-3 lần, không nên chơi thể thao hoặc đi bộ liền một lúc 60 phút.

- Kiểm soát cân nặng.

- Nên đi khám bệnh và xét nghiệm mỡ máu định kỳ, khi có hiện tượng tăng mỡ máu, bác sĩ sẽ tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp. Tuyệt đối không nên tự động mua thuốc để điều trị mỡ máu khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Thành An