Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa thanh tra việc thực hiện BHXH đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, năm qua, tổng số nợ BHXH bằng 3,2% kế hoạch giao thu của năm; tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng... Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), xử lý nợ đọng để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động đang là áp lực của BHXH các địa phương, nhất là các thành phố lớn.

Để giải quyết tình trạng trốn đóng, nợ BHXH kéo dài, Phó trưởng ban thu, BHXH Việt Nam - Mai Đức Thắng cho biết: Thường xuyên chỉ đạo BHXH các địa phương tiến hành kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành những doanh nghiệp nợ tiền từ 3 tháng trở lên; đối với những doanh nghiệp nợ kéo dài hơn 6 tháng, cơ quan BHXH cũng tiến hành thanh tra đột xuất.

Việc tăng cường đôn đốc đóng, thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ xử lý hình sự việc trốn đóng BHXH đã có hiệu quả, khi nhiều doanh nghiệp tự giác nộp khoản nợ BHXH ngay khi bị thanh tra, nhắc nhở. Đơn cử, mới đây khi cơ quan BHXH thanh tra 4 doanh nghiệp nợ BHXH ở Ninh Bình, có đến 3 doanh nghiệp ngay khi nhận quyết định thanh tra đã nộp số tiền BHXH nợ, còn một doanh nghiệp khó khăn cũng xây dựng lộ trình đóng số nợ BHXH. Hay tại T.P Hồ Chí Minh, sau khi bị BHXH thành phố đề nghị công an vào cuộc xử lý hình sự vì trốn đóng BHXH, BHYT hơn 27 tỷ đồng của 600 công nhân tại Công ty TNHH Nam Phương, Giám đốc người Hàn Quốc đã xin “khất” nợ BHXH với phương án trả nợ BHXH, BHYT cho công nhân theo từng tháng và thời gian trả nợ từ nay đến năm 2020.

Trong văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về biện pháp xử lý nợ đọng BHXH để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Thực hiện quy định tại Khoản 7, Điều 10 Luật BHXH, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền lợi người lao động. Cụ thể, quy định cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được đóng riêng cho từng người lao động để kịp thời giải quyết quyền lợi cho người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm, hoặc ghi nhận quá trình đóng BHXH cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời được giải quyết chế độ BHTN hoặc tiếp tục tham gia BHXH tại đơn vị, doanh nghiệp mới. Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTBXH có nhiều văn bản gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị thực hiện nghiêm các quy định của Luật BHXH, trong đó tập trung các giải pháp mở rộng diện BHXH, tăng cường tính tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Như vậy, thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương có nhiều biện pháp triển khai thực hiện, qua đó hạn chế tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH, BHTN, số nợ đã giảm hơn so với những năm trước; quyền lợi của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp đang nợ đóng BHXH, BHTN được giải quyết kịp thời. Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, thời gian tới Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHTN; xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về BHXH trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng BHXH tới người lao động; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện và đề xuất trong quá trình sửa đổi Luật BHXH và các luật khác có liên quan, đồng bộ với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Mai Anh