Màn hình tại một trung tâm thương mại ở Hong Kong ngày 29-7 về cuộc điện đàm mới nhất của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc.
“Những người đùa với lửa sẽ bị bỏng. Hy vọng phía Mỹ hiểu rõ điều này", Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm kéo dài 2 tiếng 17 phút ngày 28-7 với Tổng thống Mỹ- Joe Biden. Đây được cho là lời cảnh báo ở cấp độ cao nhất Trung Quốc từng đưa ra đối với Mỹ liên quan tới vấn đề Đài Loan. Thế nhưng, nổi lên trong quan hệ Mỹ - Trung không chỉ có vấn đề Đài Loan hay những cạnh tranh, bất đồng mang tính chiến lược mà việc hợp tác giữa hai nước xem ra quan trọng hơn nhiều.
Mỹ nhiều lần khẳng định tôn trọng chính sách một Trung Quốc, hàm ý việc Đài Loan về với Trung Quốc phải là sự lựa chọn của người dân Đài Loan chứ không phải thông qua vũ lực. Trên thực tế, Đạo luật Quan hệ Đài Loan là cơ sở để Mỹ hỗ trợ Đài Loan chống lại một cuộc tấn công quân sự nếu xảy ra. Thế nhưng, sở dĩ ông Tập Cận Bình phải đưa ra lời cảnh báo trên là bởi gần đây có tin đồn Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Nancy Pelosi có kế hoạch sẽ thăm Đài Loan. Trong hệ thống chính trị Mỹ, bà Pelosi là người có quyền lực xếp hàng thứ ba, sau Tổng thống và Phó tổng thống, nhưng bà lại có quyền đi tới đâu mình muốn mà bên hành pháp không thể ngăn cản. Điều này gây khó khăn cho chính quyền của ông Biden trong quan hệ với Trung Quốc bởi quan hệ Mỹ - Trung không chỉ có cạnh tranh mà sự hợp tác, phụ thuộc lẫn nhau là rất lớn.
Phải khẳng định như trên bởi cho dù Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược đã nhiều năm, với đỉnh điểm là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ - Donald Trump, nhưng kể từ khi ông Biden lên nắm chính quyền thì cuộc điện đàm ngày 28-7 vừa qua là cuộc điện đàm thứ 5 giữa lãnh đạo hai nước. Điều này cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều hiểu tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc nhằm xử lý các bất đồng và tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực cho dù vẫn cạnh tranh quyết liệt. Do đó, kết quả rõ rệt nhất trong cuộc điện đàm là hai bên cùng đề cập tới tầm quan trọng của việc duy trì giao thiệp và liên lạc trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới được cho đã rơi xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua. Mặc dù không tháo gỡ được bất đồng, song cuộc điện đàm đã tạo cơ hội để lãnh đạo hai nước trao đổi thẳng thắn về các mối quan hệ song phương và những vấn đề cùng quan tâm.
Trong khi đó, trước cuộc điện đàm, Nhà Trắng cho biết cuộc trao đổi là một phần các nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì và làm sâu rộng các kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời quản lý có trách nhiệm các bất đồng và phối hợp trong những lĩnh vực hai nước có chung lợi ích. Trên thực tế, tình hình địa - chính trị phức tạp trên thế giới từ đầu năm tới nay, nhất là cuộc xung đột Ukraine, đã làm trầm trọng hơn những bất đồng giữa hai nước trong nhiều vấn đề. Đại diện Mỹ và Trung Quốc không ít lần chỉ trích lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Cạnh tranh địa chiến lược Mỹ - Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt, đặc biệt sau khi Chính phủ Mỹ vào tháng 2 vừa qua công bố "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", trong đó nêu rõ các ưu tiên chính sách của Washington trong khu vực.
Tuy có bất đồng và cạnh tranh nhưng một loạt các cuộc gặp giữa các quan chức ngoại giao, quốc phòng, tài chính và an ninh quốc gia hàng đầu của hai nước diễn ra trong hơn 2 tháng qua là chỉ dấu cho thấy Mỹ và Trung Quốc đều đồng thuận về tầm quan trọng của việc tránh leo thang đối đầu. Washington vẫn nỗ lực đảm bảo sự linh hoạt trong cách thức xử lý quan hệ với Bắc Kinh thông qua việc tìm kiếm hợp tác trong các vấn đề có lợi ích chung như biến đổi khí hậu, ứng phó dịch Covid-19 hay kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken từng khẳng định quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc "Sẽ có sự cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc phải làm như vậy", song "Đặc điểm chung là cần phải tiếp xúc với Trung Quốc".
Trong bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc tại Đại học George Washington hồi tháng 5 năm nay, ông Blinken đề cập quan điểm "cùng tồn tại và hợp tác" trong quan hệ hai nước. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh cần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định quan hệ Trung Quốc - Mỹ, đồng thời hy vọng hai nước sẽ giữ vững lập trường không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi.
Dẫu gì, quan hệ Mỹ - Trung vẫn được đánh giá là mối quan hệ có ảnh hưởng lớn nhất toàn cầu hiện nay. Việc hai bên cạnh tranh nhưng vẫn duy trì liên lạc, cố gắng kiểm soát bất đồng là một dấu hiệu tốt cho hòa bình, ổn định trong khu vực và toàn thế giới.
Thanh Huyền