Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Quỹ Hòa bình trao xe đạp tặng học sinh nghèo và nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Nam, tháng 4-2021.

Ngày 16-6-2015, T.Ư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) Việt Nam và T.Ư Hội CCB Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp số 06/2015 /CTPH về việc tạo điều kiện cho tổ chức và hội viên của hai Hội tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, các chương trình chăm lo, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi đối với nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) và CCB; đấu tranh đòi quyền lợi cho nạn nhân chất độc da cam (gọi tắt là Chương trình phối hợp). Sau 5 năm thực hiện, Chương trình đạt được những kết quả tích cực, tập trung trên 3 nội dung: Tuyên truyền vận động; công tác tổ chức, chính sách và phối hợp trong các hoạt động đối ngoại.

Các cấp của hai Hội thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, củng cố, xây dựng Hội và phát triển hội viên Hội NNCĐDC; chăm lo giúp đỡ NNCĐDC trong cộng đồng. Đặc biệt trong dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8-2016).

Hội NNCĐDC cung cấp cho Hội CCB Việt Nam tư liệu, tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh hóa học của đế quốc Mỹ ở Việt Nam; hậu quả, hoàn cảnh sống và gương điển hình của những NNCĐDC; kết quả quyên góp, chăm sóc nạn nhân… để tuyên truyền vận động trong Hội CCB và nhân dân cả nước. Qua Báo CCB Việt Nam, Thông tin CCB… các nội dung trên được tuyên truyền rộng rãi.

Hội CCB Việt Nam phối hợp, giúp đỡ hiệu quả Hội NNCĐDC trong xây dựng, củng cố tổ chức bằng việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng tổ chức Hội NNCĐDC các cấp. Mặt khác, chủ động cử cán bộ Hội CCB sang kiêm giữ chức vụ Chủ tịch Hội NNCĐDC, nhất là ở cấp xã, phường. Ở tỉnh Quảng Ninh có 7 cán bộ CCB kiêm làm Chủ tịch Hội NNCĐDC; T.P Cần Thơ có 27 CCB là Chủ tịch Hội NNCĐDC; Hội CCB các tỉnh Bến Tre, Thái Nguyên, T.P Hải Phòng… có công văn chỉ đạo Hội cấp dưới cử cán bộ tham gia Hội NNCĐDC. Ở hầu hết Ban Chấp hành Hội NNCĐDC có CCB tham gia.

Về công tác chính sách, lãnh đạo và các cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam tích cực tham gia với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ LĐTBXH trong việc sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng; hiện đang phối hợp, đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải quyết chính sách, chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học.

Hội CCB phối hợp vận động trợ giúp đối với NNCĐDC; phối hợp giúp CCB bị nhiễm chất độc hóa học được vay vốn từ Ngân hàng CSXH và thụ hưởng chính sách xây, sửa nhà theo chương trình của Chính phủ; cấp thẻ BHYT cho thân nhân nuôi dưỡng NNCĐDC; tổ chức điều dưỡng, phục hồi chức năng…

Hai Hội các cấp chủ động phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo, trợ giúp các NNCĐDC thường xuyên và qua các phong trào “Tết vì người nghèo và NNCĐDC”, “Tháng hành động vì NNCĐDC”… Cùng với sự phối hợp giữa hai Hội, ở những địa phương chưa có Hội NNCĐDC thì Hội CCB chủ trì giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi của NNCĐDC. Qua các phong trào, hoạt động, nhận thức, tình cảm và trách nhiệm của xã hội đối với NNCĐDC được nâng cao; sự quan tâm giúp đỡ về tinh thần, vật chất cũng được tốt hơn. Đó là nguồn động viên rất lớn đối với NNCĐDC và gia đình khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Hội CCB - Hội NNCĐDC phối hợp trong hoạt động đối ngoại và tuyên truyền quốc tế nhằm khắc phục hậu quả chất độc hóa học và ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC. Hội CCB tham gia các chương trình hoạt động đối ngoại nhân dân như đối ngoại kênh 2 Việt - Mỹ nhằm làm cho nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và trách nhiệm của họ đối với giải quyết hậu quả chất độc hóa học mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Sự phối hợp hoạt động giữa hai Hội trong 5 năm qua mang lại hiệu quả thiết thực, rất đáng ghi nhận. Các cấp Hội CCB hành động bằng nhận thức, tình cảm và trách nhiệm cao đối với NNCĐDC nói chung và những đồng đội là CCB bị ảnh hưởng chất độc hóa học nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp Hội ở cơ sở chưa thật sự chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai Chương trình phối hợp hoạt động chăm sóc, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi đối với NNCĐDC; công tác phối hợp với các cơ  quan truyền thông và các ngành liên quan chưa thường xuyên nên kết quả thực hiện Chương trình phối hợp còn hạn chế. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp hoạt động, các cấp Hội cần quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư Hội và cấp ủy địa phương trong tổ chức triển khai giải quyết hậu quả chất độc da cam.

Quang Vũ