Theo đơn thư của các CCB phản ánh, ngày 28-5-1993, Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn - ông Duy Liệu ký hợp đồng cho thuê ki ốt tại chợ Thanh. Đơn giá cho thuê là 50.000 đồng/tháng/ki-ốt. Riêng trường hợp của CCB Nguyễn Văn Thọ, ngày 10-7-1993 đã nhận chuyển nhượng lại hợp đồng thuê ki-ốt của ông Trần Đăng Thưởng, với số tiền chuyển nhượng là 1.500.000 đồng. Từ đó đến nay 4 gia đình CCB kinh doanh buôn bán ổn định trên 4 ki-ốt này.

Điều đáng nói, trong số các ki-ốt cùng dãy với 4 CCB ký hợp đồng thuê của xã Hiến Sơn có 6 ki-ốt được “hô biến” thành đất ở vào năm 1994. Khi phát hiện sự việc, các CCB có đơn đề nghị xã hợp thức giống như 6 trường hợp nêu trên. Nhưng mãi tới ngày 16-3-2016, đơn của 4 CCB mới được Thường vụ Đảng uỷ xã Hiến Sơn thông qua và nhất trí đề nghị giải quyết ưu tiên cho các hộ CCB như đề xuất.
Tuy nhiên, dù Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã nhất trí như vậy nhưng ngày 25-7-2016, Nghị quyết số 24/2013 do Chủ tịch HĐND xã Hiến Sơn - Trần Đăng Bình lại ký xác nhận “ưu tiên” cho 4 CCB trên mua đất theo hình thức đấu giá và văn bản này được gửi lên UBND huyện Đô Lương thẩm tra, xét duyệt. Lạ lùng ở chỗ, trong khi hợp đồng thuê ki-ốt chưa thanh lý, các CCB cũng không tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước thì UBND xã Hiến Sơn lại “diễn tả” nguồn gốc 4 ki-ốt của các CCB không đúng thực tế.

Theo đó, tại Văn bản số 228 ngày 5-6-2018 của UBND huyện Đô Lương trả lời các CCB Nguyễn Thọ Văn, Trần Đăng Hoan, Phạm Văn Hinh và bà Phạm Thị Chuyên về nguồn gốc sử dụng đất, như sau: “Căn cứ báo cáo của UBND xã Hiến Sơn, năm 1992, UBND xã cho một số hộ dân thuê đất trước chợ Thanh bám đường Khuôn - Đại Sơn để các hộ xây dựng ki-ốt kinh doanh buôn bán. Đến năm 1993, UBND xã Hiến Sơn quy hoạch thu hẹp lại chợ Thanh nên đã thanh lý hợp đồng thuê đất với 6 hộ thuê đất để bán đất trái thẩm quyền cho các hộ dân có nhu cầu, 4 ki-ốt còn lại của các hộ nêu trên nằm trong khuôn viên chợ Thanh nên UBND xã không bán mà cho thuê”.

Tại văn bản này còn nêu rõ: Hồ sơ đất đai lưu tại UBND xã Hiến Sơn không thể hiện các thông tin liên quan đến 4 thửa đất mà 4 hộ dân đang sử dụng… Tuy nhiên, trong hợp đồng cho thuê ki-ốt lại thể hiện rõ diện tích mỗi ki ốt là 28m2, với chiều dài 7m, chiều rộng 4m.

Về diện tích nêu trong văn bản trả lời của UBND huyện Đô Lương, theo các CCB cho biết thì số diện tích phù hợp với thực tế ki ốt mà trước đây UBND xã Hiến Sơn đã ký hợp đồng và phù hợp với diện tích thực tế mà các CCB đang quản lý, sử dụng.

Thế nhưng, con số và diện tích qua các báo cáo của xã Hiến Sơn lại khác nhau. Tại Công văn số 3988/STNMT/QLĐĐ ngày 13-7-2018 của Sở TNMT báo cáo UBND tỉnh Nghệ An dẫn chiếu: Theo Báo cáo số 226 ngày 10-7-2016 của UBND xã Hiến Sơn thì “các ki-ốt của 4 hộ dân đã được xây dựng kiên cố sử dụng vào mục đích kinh doanh, buôn bán và cho thuê lại diện tích mỗi ki-ốt khoảng từ 6 đến 10m2, phần diện tích xây dựng nằm trong hành lang giao thông Khuôn - Đại Sơn”…

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Quang Dũng - Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn về nội dung phản ánh, ông Dũng cho biết: “Chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị UBND huyện Đô Lương cho phép xã ưu tiên “hợp thức hóa” số diện tích trên cho các CCB bằng hình thức mua đất theo hình thức định giá…. Thế nhưng, UBND huyện không chấp nhận và có văn bản thông báo cho các hộ dân buộc họ phải mua đất thông qua hình thức “đấu giá”.

Tuy nhiên, ít phút sau đó, ông Nguyễn Đăng Hồng - Chánh văn phòng UBND huyện Đô Lương lại cho biết: “Hiện trạng đất và nguồn gốc đất huyện đã căn cứ theo hồ sơ của xã Hiến Sơn gửi lên và căn cứ theo Luật Đất đai thì những hộ dân đó không được “hợp thức hóa” mà phải qua đấu thầu. Chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo văn bản của UBND tỉnh Nghệ An”...

Liên quan đến sự việc này, trao đổi với ông Trần Đăng Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Hiến Sơn, ông Tuấn cũng “lặp” lại nội dung trả lời giống như vị Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn - Nguyễn Quang Dũng nói ở trên!

Thiết nghĩ, có những sự vênh nhau về diện tích trong các báo cáo cũng như cách trả lời không đồng nhất giữa lãnh đạo xã Hiến Sơn và Chánh văn phòng UBND huyện Đô Lương trong vụ việc này. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Đô Lương và cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An sớm xem xét lại đơn kiến nghị của 4 CCB nêu trên, qua đó làm rõ đúng sai, tránh sự không công bằng khi nguồn gốc đất thì giống nhau nhưng chỗ được hợp thức hóa, chỗ thì không...

Bài và ảnh: Xuân Bảy