Công khai tận thu cát…
Ngày 28-1-2015, Cục Đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ), thuộc Bộ GTVT ký Hợp đồng số 03/2015/HĐ-NVTT với bên nhận thầu (nhà thầu) là Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu (thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) thực hiện Dự án nạo vét duy tu luồng đường thuỷ nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm với tổng chiều dài 5.075m trên sông Cầu (thuộc địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Theo hợp đồng này, khối lượng nạo vét khoảng 146.000m3 (gồm sản phẩm: cát, đá, sỏi…), nhà thầu được phép sử dụng và bán các sản phẩm, vì không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Được phép tận thu, nạo vét và bán sản phẩm cát, đá, sỏi… nhà thầu đã công khai, nhanh chóng “huy động” lực lượng lớn tàu có chức năng, công suất “khủng” vào thực hiện dự án “tận thu” này. Theo ghi nhận của PV, trên các đoạn sông Cầu mà Dự án đang triển khai “nạo vét”, “tận thu”-như những công trường-tàu cuốc (tàu chuyên dụng khai thác cát công suất lớn) miệt mài “ăn” cát và đổ lên tàu vận chuyển khoảng 400-500m3 ngược xuôi đem đi bán. Trước thực tế ghi nhận được, PV đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Trọng (cán bộ Phòng Quản lý dự án của nhà đầu tư), ông Trọng khẳng định: Đó là hoạt động “nạo vét” theo đúng nội dung Dự án đã được Bộ GTVT chấp thuận, không nên dùng từ “khai thác”. Nhưng, khi PV làm việc với Cục ĐTNĐ thì phát hiện trong hồ sơ pháp lý của nhà đầu tư thể hiện biện pháp thi công dự án này là “sử dụng tàu cuốc có thể “khai thác” được 100m3/giờ”. Theo người dân địa phương ven sông Cầu, cát được bán ra cho bạn hàng với giá: Cát san lấp là 30.000 đồng/m3, cát xây dựng 50.000-80.000 đồng/m3; với khối lượng cát thu được từ con tàu cuốc công suất 100m3/giờ (“ăn” cát 24/24 giờ) và đem bán, sẽ thu về rất nhiều tỷ đồng một cách đều đặn, thì đó chính là lý do mà nhà đầu tư không cần sử dụng tiền ngân sách nhà nước để thực hiện Dự án mà nhà đầu tư chỉ cần được công khai “nạo vét” và “tận thu” tài nguyên… quốc gia!?

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”?
Theo kết luận của Sở TNMT Bắc Ninh khi tiến hành thẩm tra năng lực nhà thầu, xác định Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu: “Có chức năng ngành nghề liên quan để thực hiện Dự án…”. Như vậy, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư chưa đủ năng lực chính (chỉ là liên quan) để thực hiện mục tiêu chính của Dự án là “nạo vét, duy tu tuyến luồng đường thủy quốc gia”.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trần Văn Thọ (Phó cục trưởng Cục ĐTNĐ) phân trần: “Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương và chỉ rõ nhà đầu tư (văn bản số 12677/BGTVT-KCHT, ngày 8-10-2014), theo đó Cục phải có trách nhiệm giải quyết “đề xuất” của nhà đầu tư và phải thực hiện các bước… để ký hợp đồng”. Tuy nhiên khi PV đặt câu hỏi: Như thế không khác nào Bộ GTVT “vừa đá bóng, vừa thổi còi" (có nghĩa là vừa cho chủ trương và vừa chỉ rõ cho nhà đầu tư phải làm ra sao-PV), thì đã không nhận được câu trả lời thẳng của ông Thọ!
Theo tìm hiểu của PV, chủ trương nạo vét luồng đường thuỷ nội địa, vùng nước cảng, bến thuỷ nội địa kết hợp tận thu sản phẩm được quy định tại Thông tư số 37, ngày 15-10-2013 của Bộ GTVT. Thông tư 37 này đang bộc lộ bất cập, nhập nhèm giữa “nạo vét” và “khai thác”; bất cập về khối lượng khoáng sản đăng ký nạo vét không sát thực tế, nạo vét duy tu có đúng hay chỉ mượn “nạo vét” để “khai thác” khoáng sản? Trước những bất cập này, ông Thọ cho biết, Cục ĐTNĐ đã trình Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 37…
Được biết, trong một báo cáo của Cục Đường thủy nội địa vào đầu năm nay, Bộ GTVT đã có 50 dự án; 18 dự án được phê duyệt triển khai, 2 dự án chấm dứt, 30 dự án đang hoàn thành thủ tục. Trong đó, Công ty CP Việt Xuân Mới (Báo CCB Việt Nam đã đề cập trong số 1091, ra ngày 1-10-2015) có dự án nạo vét tận thu sản phẩm tuyến luồng sông Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên đang hoàn thành thủ tục.
Như vậy vấn đề đặt ra là, các doanh nghiệp đang hoạt động theo “phương thức” của Thông tư 37-sẽ có sự nhập nhèm giữa “nạo vét” và “khai thác” tài nguyên cát thì được xử lý thế nào? Điều đáng nói hơn là theo dự thảo thông tư mới (sửa đổi Thông tư 37) chuẩn bị ban hành cho thấy cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”-vẫn có những quy định mang tính chất “bảo kê” cho DN là các “cánh tay nối dài” đã, đang và sẽ “tận thu” tài nguyên, “tận diệt” các tuyến luồng đường thủy quốc gia.
Thanh Nghĩa-Xuân Hồng