Mục đích để liên kết tốt hơn
“Nổ” ý kiến đầu tiên là đại diện cho Doanh nghiệp CCB Thái Bình - ông Trần Văn Vực-Phó chủ tịch Hội Doanh nhân CCB Thái Bình.
Ông nói:

  • Mục đích thành lập các Cụm Doanh nhân là để liên kết các doanh nghiệp CCB trên cùng một địa bàn nhằm mở rộng liên doanh, liên kết, giao lưu, học hỏi lẫn nhau để phát triển doanh nghiệp. Chính vì thế Cụm phải xác định rõ liên kết với nhau để công việc sản xuất kinh doanh được mở rộng hơn, tốt hơn. Nghĩa là trước đây “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, thì nay tỏa sáng hơn nhờ ánh sáng của cả “đèn hàng xóm”.
    Hội nghị rất đồng tình với ý kiến trên. Nhưng cũng có đại biểu thẳng thắn:
  • Nói dễ, làm mới khó.
    Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, nữ doanh nhân thành đạt được phân công chủ trì thảo luận đã rất nhanh trí “chộp” ngay ý kiến này, gợi ý:
  • Nào. Theo các vị làm thế nào để liên kết hiệu quả?
  • Đơn giản thôi-Ý kiến phát biểu của một doanh nghiệp trẻ ở Hà Nội-Cụm phải hoạt động thực chất. Nghĩa là phải có nội dung để giao lưu, chia sẻ. Có nội dung để học hỏi, rút kinh nghiệm. Mỗi thành viên trong cụm phải thấy cần có cụm để giao lưu. Gắn bó giống như vợ chồng ấy, không thiếu nhau được. Ví dụ, trước hội nghị này chúng ta đến thăm quan Doanh nghiệp Hiền Lê của bà Nguyễn Thị Bảo Hiền làm Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ, tôi mới biết doanh nghiệp của bà thu mua nhựa phế thải để sản xuất tấm lợp và hộp bao bì… Doanh nghiệp của tôi lại bán nhựa phế thải và kinh doanh tấm lợp. Như thế là từ cuộc giao lưu này hai doanh nghiệp chúng tôi có thể liên doanh với nhau để mua, bán sản phẩm. Còn nữa. Có thể tôi sẽ mua lại được 2 máy nấu nhựa thế hệ cũ của doanh nghiệp bà Hiền… Đúng là đi một đàng học sàng khôn.
    Ông Hoàng Phi Thường-Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hải Dương; Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch 27-7 tỉnh Hải Dương bổ sung:
  • Tôi vừa mua được 20 ô tô vận tải giá rất hợp lý của một doanh nghiệp CCB Hàn Quốc. Nếu Hiệp hội DN CCB Việt Nam không tổ chức cho chúng tôi chuyến đi giao lưu đó thì sao tôi biết để mua được lô hàng mà tôi đang cần mua? Ý tôi muốn nói giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp bây giờ có ý nghĩa sống còn. Chúng ta không thể kinh doanh đơn thương độc mã được. Chưa vươn ra giao lưu với các doanh nghiệp nước ngoài được, thì hãy giao lưu, liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn trước. Tôi thấy Hiệp hội DN CCB Việt Nam đã rất sáng suốt chỉ đạo thành lập Cụm Doanh nhân CCB.
    Như để tóm lại nội dung quan trọng trên, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ông Lê Hồng Quang-Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN CCB Việt Nam nhấn mạnh:
  • Chúng ta thành lập các cụm doanh nghệp, doanh nhân CCB chính là đón đầu Hội nhập kinh tế thế giới. Gần tới khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới sẽ là thời cơ tốt để phát triển. Nhưng thách thức cũng rất lớn. Để hội nhập thành công thì các doanh nghiệp không thể không liên doanh, liên kết. Chúng ta là những người lính trở về làm doanh nghiệp, liên kết với nhau trên tình cảm đồng chí, đồng đội. Trong chiến tranh chia sẻ cả máu cho nhau, trong thời bình chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh. Cụm phải đoàn kết. Cụm phải chia sẻ. Cụm phải hỗ trợ. Cụm phải trao đổi, bó bện lấy nhau, cùng nhau phát triển, với phương châm: Tất cả đều thắng thì mới thành công.

Tăng cường giao lưuthực chất
Ông Trịnh Xuân Lâm-Chủ tịch Hộị DN CCB tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Tiên Sơn, Thanh Hóa, là khách mời của hội nghị, nhưng có những đóng góp rất “trúng” và tâm huyết.
Ông cho rằng trước khi họp, Cụm II tổ chức tham quan một doanh nghiệp là rất hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông không nên chỉ dừng lại ở tham quan, mà phải tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ngay sau buổi tham quan. Hình thức phải hết sức linh hoạt, nhằm nêu bật lên được những kinh nghiệm của doanh nghiệp. Cụm trưởng khêu gợi, nêu vấn đề thành những câu hỏi để mọi người cùng tham gia trao đổi.
Ông cũng đề xuất Cụm nên giơi thiệu và ghép các doanh nhiệp cùng ngành nghề thành từng tổ nhỏ để giao lưu sẽ thiết thực hơn. Ông khoe, ông chuyển sang kinh doanh may mặc đến nay được hơn 9 năm, trực tiếp quản lý 7 công ty may, nhưng có những thời điểm may không kịp hàng xuất khẩu, nếu liên kết được với những doanh nghiệp may khác, nhất lại là doanh nghiệp đồng chí, đồng đội của mình thì lợi cả đôi đường.
Ông xúc động nói:

  • Chúng ta là những người lính rời quân ngũ với chiếc “ba lô lộn ngược”, không có tiền, không có kiến thức kinh doanh, không có nghề nghiệp, nay trở thành những doanh nhân thành đạt là có nhiều kinh nghiệm quý lắm, xương máu lắm. Ví dụ như chị Hiền, nguyên là nữ quân nhân Bộ đội Phòng không. Sau xuất ngũ chỉ khoảng 20 năm chị “lột xác” trở thành chủ một doanh nghiệp trong tốp 100 doanh nghiệp thành đạt nhất của cả nước thì giỏi quá. Chắc chắn chị có nhiều kinh nghiệm chia sẽ với chúng ta.
    Cũng theo ông Lâm, không nhất thiệt cứ phải thăm quan ở những doanh nghiệp thành đạt. Vì những doanh nghiệp thành đạt “to” quá, giám đốc tài quá, vốn lớn quá, không phải ai cũng theo được, khó nhân rộng... Theo ông cũng nên chọn cả những doanh nghiệp vừa vừa, thậm chí chọn hẳn một doanh nghiệp thua lỗ trên địa bàn đến thăm quan để tìm bài học “vì sao thua lỗ?” cũng rất tốt.
    Ông Trần Tuân-Chủ tịch Hội DN CCB tỉnh Nghệ An nêu một thực tế, các doanh nhân đều là chủ doanh nghiệp, rất bận công việc kinh doanh, các cụm cần lập trong Web của cụm mình để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm được thường xuyên hơn.
    Hội nghị vỗ tay biểu lộ đồng tình cả hai ý kiến nhằm tăng cường giao lưu thực chất giữa các cụm.

Tuyệt đối tránh bệnh hình thức
Ông Bùi Xuân Tờ-Chủ tịch Hội DN CCB tỉnh Quảng Ninh được bầu là Cụm phó Cụm II. Ông cho rằng nhiều hội, hè; tổ chức nọ, tổ chức kia thành lập buổi đầu rất hoành tráng, nhưng cứ chết dần. “Đầu voi đuôi chuột” là do sinh hoạt của những tổ chức đó không thiết thực. Nghĩa là tham gia Hội vừa mất thời gian, vừa mất tiền bạc mà không mang lại lợi lộc gì, nên chán. Bỏ!
Rút kinh nghiệm Cụm DN CCB phải tuyệt đối tránh bệnh hình thức. Tổ chức giao lưu, hội họp cũng vậy. Vì công việc kinh doanh cần phải gặp nhau để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm thì tổ chức gặp gỡ, giao lưu. Nếu thấy chưa cần, chưa chuẩn bị được nội dung thì thôi. Họp to, hay họp nhỏ cũng tùy từng nơi, từng thời. Có nhiều tiền thì mở hội nghị hoành tráng, có ít thì làm vừa vừa. Ví dụ, như Cụm II hôm nay ra mắt, Doanh nghiệp của chị Hiền xung phong nhận đăng cai toàn bộ Hội nghị của Cụm, chắc phải vài trăm triệu đồng, nên Cụm II có điều kiện làm to, mới đông, ở khách sạn sang trọng. Các cụm khác chưa có điều kiện thì làm nhỏ hơn, thậm chí chỉ là giao ban Cụm thôi cũng được, không nhất thiết cứ phải mở hội nghị.
Ông nhấn mạnh:

  • Hình thức là chết ngay. Thành viên của Cụm, nhất là cụm trưởng, cụm phó kinh doanh thành đạt thì rõ rồi, nhưng quan trọng hơn là phải có tâm, có tình. Tôi sợ nhất mấy ông lắm tiền “sĩ diện”. Cái gì cũng “nhất tôi” là trước sau cũng chết. Chúng ta phải tránh thành lập cụm kiểu đánh trống ghi tên. Ngay Cụm II, doanh nghiệp CCB tỉnh Nam Đinh cũng chưa nhiệt tình tham gia, lần này vắng mặt. Có thể tỉnh Nam Định còn có những khó khăn, hay chưa thấy hết lợi ích của giao lưu cụm doanh nghiệp, thì chúng ta cũng không nên “bắt” họ phải tham gia. Quỹ hoạt động cũng thế, phải tùy từng điều kiện, hoàn cảnh. Hội DN CCB Quảng Ninh từ ngày thành lập đến nay không thu bất kỳ một khoản kinh phí nào. Nhưng cứ có hoạt động gì là các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp… Đó là do một phần Quảng Ninh có nhiều doanh nghiệp CCB thành đạt.
    Ngay sau phát biểu của ông Bùi Xuân Tờ-đại diện CLB DN CCB tỉnh Hưng Yên giãi bày:
  • Tôi thấy các ý kiến rất bổ ích. Đúng là DN CCB chúng ta “mỗi cây một hoa, mỗi người một cảnh”. Ngay như tỉnh chúng tôi, phấn đấu mãi, thậm chí Tỉnh ủy ra Nghị quyết lãnh đạo mà đến nay vẫn chưa đủ sức thành lập được Hội DN CCB tỉnh. Hiện mới ở mức CLB DN CCB. Cũng có lý do là các doanh nghiệp CCB của Hưng Yên còn nhỏ quá; vốn ít, thậm chí vận động đóng 500 ngàn đồng vào quỹ hoạt động của CCB còn khó. Họp cụm lần này chúng tôi không phải đóng góp kinh phí nên mới tham gia được.
    Ông Nguyễn Đức Lạc-Phó chủ tịch Hiệp hội DN CCB Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hải Phương, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu “bay” từ TP. Hồ Chí Minh ra, phát biểu nhấn mạnh đến ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp CCB. Như chấp hành nghiêm nghĩa vụ thuế với Nhà nước, tuyệt đại các doanh nghiệp không vi phạm pháp luật; không nợ xấu. Đây là thương hiệu, điểm sáng của các doanh nghiệp CCB Việt Nam, rất cần được các cụm doanh nghiệp CCB luôn luôn quán triệt, phát huy làm tốt hơn nữa.
    Hai là, các doanh nghiệp CCB chúng ta có truyền thống làm rất tốt công tác từ thiện, như xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ các đối tượng chính sách, lập quỹ ủng hộ chiến sĩ biên giới hải đảo… Thành lập Cụm công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động xã hội chắc chắn sẽ được làm tốt hơn.
    Bà Nguyễn Thị Mai-Phó chủ tịch Hiệp hội DN CCB Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội DN TP. Hà Nội phát biểu khen ngợi Hội DN CCB tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn đề ra chỉ tiêu bồi dưỡng xây dựng điển hình, phấn đấu DN CCB trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Bà đề nghị trong chương trình hành động của mình, các Cụm cần đưa nội dung thi đua, xây dựng điển hình tiên tiến thành một chỉ tiêu phấn đấu giữa các cụm. Đó cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của các DN CCB.
    Cụm II đã tổ chức thành công hội nghị ra mắt Cụm DN CCB. Các ý kiến phát biểu đều với mục đích góp phần xây dựng Cụm DN CCB hoạt động đúng hướng, mang lại hiệu quả thiết thực. Đây chắc chắn sẽ là những kinh nghiệm tốt cho cả các Cụm DN CCB khác trong cả nước.
    Huy Thiêm