Từ ngày 1-1-2010 trở đi, các lớp học, nhà trẻ, cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hoá, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ không còn khói thuốc; góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khoẻ cho nhân dân. Theo quy định, sai phạm lần đầu là cảnh cáo, tái phạm phạt 50.000 đồng, tái phạm lần hai phạt 100.000 đồng.

Tác hại của việc hút thuốc lá là rất lớn cho sức khoẻ người dân cũng như cho môi trường, gây những thiệt hại lớn về vật chất, tiền bạc cho cá nhân và xã hội. Theo kết quả điều tra năm 2009 của Bộ Y tế, tỷ lệ người dân hút thuốc lá tại các khu vực công cộng ở nước ta là rất cao, từ 33 đến 55%. Tính trung bình, mỗi năm người dân Việt Nam “đốt” hết khoảng 14.000 tỷ đồng vào thuốc lá, lớn gấp nhiều lần số tiền vận động, quyên góp được để xoá nhà tranh tre dột nát và mua gạo cứu giúp đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ vậy, hơn 40.000 ca tử vong trên cả nước mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá và chi phí điều trị chỉ 3 trong tổng số 25 căn bệnh do thuốc lá gây ra đã lên đến 1.000 tỷ đồng, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế - xã hội. Những thiệt hại to lớn do thuốc lá gây ra hiển hiện ở mọi lúc, mọi nơi , không chỉ trước mắt mà còn gây tác hại lâu dài cho cả người hút và những người xung quanh.

Tác hại của việc hút thuốc lá là rất lớn và việc đương nhiên phải làm của chúng ta là cần làm mọi cách để hạn chế tối đa việc hút thuốc lá, kể cả số lượng người hút, mức độ nghiện hút và khu vực hút để hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường cho những người xung quanh. Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã làm rất nhiều để hạn chế tác hại của việc hút thuốc lá gây ra bằng các hình thức tuyên truyền, vận động, có các quy định về hạn chế, cấm hút thuốc lá để góp phần giữ gìn sức khoẻ cho người dân cũng như giữ gìn môi trường sống trong lành, được dư luận hết sức ủng hộ. Tuy nhiên, ngoài những người nghiện thuốc lá lâu năm, trên thực tế, mỗi năm có hàng triệu người mới “bập” vào việc hút thuốc lá, đặc biệt là lớp thanh niên mới lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau, để ngoài tai những cảnh báo của xã hội về tác hại của thuốc lá… Thực tế mấy ngày qua, khi quyết định cấm hút thuốc nơi công cộng đã có hiệu lực, tuy đã có biển cảnh báo cấm và phạt tiền ở nhiều nơi, song tại nhiều bến tàu, bến xe, bệnh viện… người ta vẫn dễ dàng nhận thấy nhiều người vẫn cứ vô tư hút thuốc lá, thuốc lào, thả khói ra xung quanh mà chưa bị nhắc nhở, phạt tiền như quy định. Cho nên, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong xã hội chúng ta là rất nặng nề, cần phải thực hiện ngay trước mắt cũng như lâu dài.

Biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá chúng ta đã đưa ra khá nhiều, để mọi người “chót lỡ” có thể hạn chế và dần từ bỏ thuốc lá, nhưng với những người nghiện thuốc lá, đặc biệt là trong những người cao tuổi, những CCB chúng ta cần phải được vận động, giáo dục, tuyên truyền tích cực và trong một thời gian nhất định để người hút dần dần hạn chế và từ bỏ thuốc lá. Đối với giới trẻ, việc làm tuyên truyền, giáo dục càng phải được thường xuyên và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các bậc phụ huynh, Đoàn Thanh niên, nhà trường, tạo thành phong trào chung, rộng rãi và có chiều sâu và việc quyết định nhất, quan trọng nhất trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá chính lại là ý thức tự nguyện của người hút, nhận thức được tác hại của việc hút thuốc, từ đó quyết tâm bỏ thuốc là điều quyết định sự thành bại của việc phòng chống tác hại của thuốc lá, giữ gìn sức khoẻ mọi người và giữ môi trường trong lành .

THANH HUYỀN