Việc thu phí vào nội đô được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông.
T.P Hà Nội đang hoàn thiện Đề án thu phí vào nội đô với mục tiêu thông qua thu phí sẽ giảm lượng xe cá nhân trong nội đô, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều người dân, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, khi vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì việc triển khai Đề án chưa khả thi, do đó cần xem xét kỹ lưỡng.
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn T.P Hà Nội có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường đại học Giao thông vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội lần thứ 3. Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô.
Khu vực được xác định để lập trạm thu phí vào nội đô là từ đường Vành đai 3 trở vào. Cụ thể, là phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3. Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô. Dự kiến, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thực hiện trong năm 2024, mức cao nhất 100.000 đồng mỗi xe. Khung phí này được tính toán làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư công nghệ thu phí và thành phố sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh mức thu phí chính xác ở từng giai đoạn.
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Dù khẳng định cần thiết để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhưng Đề án này đã và đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận cùng các chuyên gia. Anh Đỗ Đức Hùng, sinh sống tại quận Hà Đông bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ việc thu phí vào nội đô còn nhiều bất cập bởi ngoài những người dân vào làm việc trong nội thành, còn lại là người đi du lịch, khám chữa bệnh, vận chuyển hành khách, hàng hóa... Nếu chúng ta áp dụng việc thu phí thì lúc đó giá cước vận chuyển sẽ tăng, giá cả các mặt hàng, dịch vụ cũng tăng theo… và người chịu thiệt nhất vẫn là người dân”.
Ông Nguyễn Văn Minh, trú tại quận Cầu Giấy thì cho rằng, với những người có thu nhập không khá giả, giờ phải trả thêm phí sẽ dễ có hiện tượng “lách” nộp phí bằng cách đi qua các đường, ngõ nhỏ không có trạm thu phí. Người có điều kiện hơn sẽ mua nhà vào phía trong vành đai để tránh trả phí thường xuyên hoặc những người có điều kiện thì họ cũng sẵn sàng trả phí để vào nội đô. Như vậy lại càng tăng thêm ùn tắc trong nội đô.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác nhau thì Đề án thu phí vào nội đô mới phát huy hiệu quả. Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn - giảng viên Trường đại học Giao thông Vận tải đánh giá, nếu tính thu phí vào nội đô thì rất khó để người dân lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông công cộng do hệ thống này chưa phủ khắp thành phố. Vậy nên trong vòng 5 năm tới, Hà Nội cần nghiên cứu đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng bằng 3 loại hình là xe buýt, xe buýt nhanh và đường sắt đô thị. Đây mới là giải pháp căn cơ cho vấn đề ùn tắc giao thông, chứ không phải thu phí.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Hà Nội cho biết, nếu Hà Nội có được nhiều tuyến đường như Cát Linh - Hà Đông sẽ là điều kiện rất tốt để người dân lựa chọn phương tiện công cộng. Về lâu dài, để áp dụng việc thu phí trên diện rộng, Hà Nội chắc chắn cần phải phát triển hệ thống giao thông công cộng nhiều hơn nữa. “Đề xuất thu phí để giảm ùn tắc giao thông là một cách để người dân lựa chọn phương tiện tham gia giao thông chứ không phải cấm người dân vào nội đô bằng phương tiện cá nhân. Như vậy theo tôi, việc thu phí không hề vi phạm hiến pháp hay pháp luật. Chỉ là khi tăng phí cá nhân để hạn chế và thay đổi hành vi của người dân thì phải tăng các phương tiện công cộng, có sẵn điều kiện cho người dân lựa chọn” - ông Cường nêu ý kiến.
TS Phan Lê Bình - chuyên gia giao thông từng nhiều năm làm việc tại Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, thu phí vào nội đô chỉ là một trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Để giải bài toàn giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó có ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô. Nếu khu vực nội đô vẫn tập trung những cơ quan thu hút người dân như trụ sở giao dịch hành chính, trung tâm thương mại, trường học… thì việc thu phí sẽ không hiệu quả.
Theo Sở Giao thông vận tải T.P Hà Nội, trong quá trình xây dựng đề án, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng T.P Hà Nội và đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan và nhận được nhiều ý đóng góp. Để đảm bảo điều kiện về công nghệ thu phí, sở này cho biết sẽ số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện giao thông để có thể thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh; đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí. Đồng thời, đảm bảo điều kiện vận tải công cộng có năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân để người đi xe ô tô cá nhân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng…
Võ Hóa