Mô hình trồng cây bưởi da xanh của CCB Vi Văn Đạo (thôn 1, xã Dân Chủ, T.P Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong nhiều năm qua, bằng những nỗ lực vượt bậc, với nhiều chủ trương, giải pháp, Đảng, Nhà nước ta đã từng bước thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội, “trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu…”

Tuy nhiên, trước tác động của dịch Covid-19, sự gia tăng cách biệt về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng đang là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết.

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá đạt mức bình quân 6,78% trong giai đoạn 2016-2019, năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới với mức tăng 2,91%. Những thành tựu về kinh tế đã lan tỏa đến đời sống các tầng lớp dân cư trong xã hội. Thu nhập của các nhóm dân cư tăng từ 3,1 triệu đồng/tháng/người năm 2016 lên 4,2 triệu năm 2020, nhưng tốc độ tăng thu nhập của nhóm nghèo nhất luôn thấp hơn nhóm giàu nhất, do vậy khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Tại các vùng miền do có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, trình độ văn hóa, trình độ sản xuất, kết cấu hạ tầng và trình độ dân trí, lợi thế so sánh…, những đặc điểm đó làm cho sự phát triển của các vùng miền có sự khác biệt làm cho sự chênh lệch về thu nhập cũng như bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư tại các vùng miền khác nhau rõ rệt đang tạo ra nhiều hệ luỵ ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống ở nhiều nơi và cả nước nói chung.

Vùng nghèo nhất cả nước hiện nay là vùng tây các tỉnh duyên hải miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Đây là vùng cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi quả núi chỉ có 10 hộ gia đình, nhưng vẫn phải đầu tư cả chục tỷ đồng để kéo điện phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhưng điện đến nơi không cắm nổi nồi cơm. Nếu không quy hoạch lại dân cư, đầu tư giảm nghèo tốn kém mà không hiệu quả vì để như vậy người dân không tiếp cận được với dịch vụ hạ tầng xã hội.

Trong quý I-2021, Chính phủ đã có những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch, nhưng cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó có 540.000 người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập. Lao động khu vực thành thị chịu tác động nhiều hơn khu vực nông thôn với 15,6% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng, trong khi đó con số này ở nông thôn là 10,4%.

Nhờ hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội tới các đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách nên nhóm thu nhập thấp tăng 7,6% trong giai đoạn 2016-2020 nhanh hơn nhiều mức tăng 3,3% của nhóm thu nhập cao nhất, điều đó đã kéo theo sự chênh lệch thu nhập giữa 2 nhóm này chỉ còn 8 lần. Trong đó, hoạt động hiệu quả của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp và các hoạt động an sinh xã hội với số tiền gần 20 nghìn tỷ đồng, xây khoảng 170 nghìn căn nhà cho hộ nghèo (giai đoạn 2016-2020)... Ngân sách của các địa phương đều dành phần hỗ trợ qua Ngân hàng CSXH cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay với lãi suất thấp. Qua nguồn vốn vay tín dụng chính sách, các cấp Hội CCB Việt Nam đã đẩy mạnh phong trào “CCB giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, giúp hội viên CCB vươn lên phát triển kinh tế.

Xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, ngày 23-6-2021, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”. Chỉ thị khẳng định, Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững, hướng tới mục tiêu “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”...

Thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, đảm bảo công bằng xã hội vừa xây dựng trạng thái ổn định xã hội, vừa tạo nên những điều kiện cần thiết thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ.

Hồ Thanh Hương