Tất nhiên, là thu phí! Theo quy định của Luật Phí và Lệ phí, thì “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công” (Khoản 1, Điều 3, Luật Phí và lệ phí).
Bạn đã sử dụng dịch vụ do các nhà đầu tư BOT cung cấp, thì bạn bị thu phí là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp.
Hơn thế nữa, thu giá là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân… nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và mơ hồ.
Vấn đề đặt ra là tại sao Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) lại sử dụng khái niệm thu giá thay cho một khái niệm đã sáng tỏ như ban ngày là thu phí? (Và trên thực tế, các trạm thu tiền trên đường BOT đều được gọi là trạm thu phí. Biển hiệu cũng ghi là trạm thu phí).
Thì ra “thu giá” là một “sáng tạo” để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và Lệ phí. Theo quy định của Luật Phí và Lệ phí, thì một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí.
Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí có liên quan được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí. Rất tiếc, phí BOT không có trong Danh mục phí được ban hành kèm theo Luật.
Ngoài ra, việc đưa phí BOT vào Danh mục phí lại có thể tạo ra xung đột với phí bảo trì đường bộ (đã có trong Danh mục).
Hơn thế nữa, các quy định của Luật về việc quản lý và sử dụng phí cũng rất chặt chẽ. Theo đó, việc thu phí chỉ được thực hiện trên cơ sở dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Số tiền thu được chỉ được giữ lại một phần để trang trải các chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Với các quy định chặt chẽ như trên của Luật Phí và Lệ phí, thu hút các nhà đầu tư cho các dự án BOT chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây quả thực là vấn đề rất lớn mà Bộ GTVT đang phải đối mặt, đặc biệt trong điều kiện nợ công đang ở mức cao và đầu tư của Nhà nước cho cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế như hiện nay.
Cách làm đúng đắn hơn thì vẫn là kiến nghị Quốc hội bổ sung phí BOT vào Danh mục phí, đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Phí và Lệ phí theo hướng tạo khuyến khích cần thiết cho các nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư. Hoạt động lập pháp này chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, mọi việc sẽ trở nên minh bạch, lợi ích các bên sẽ được cân đối hài hòa, căng thẳng xã hội sẽ được giải tỏa.
Gọi thu phí là thu giá thực chất chỉ là một sự đánh tráo khái niệm. Cũng giống như việc gọi hổ là mèo, các mối bận tâm lo lắng để phòng ngừa có thể giảm, nhưng rủi ro bị hổ vồ hoàn toàn không giảm.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng