Thạch đen là món ăn quen thuộc với người Cao Bằng, thường được ăn nhiều vào mùa hè vì có tác dụng giải nhiệt.

Món thạch đen được chiết xuất từ cây thạch đen (còn gọi là cây xương sáo hay lương phấn thảo) có tên khoa học là Mesona Chinensis Benth, được trồng nhiều ở Cao Bằng, đặc biệt là huyện Thạch An. Đây là loại cây thân thảo, cao khoảng 40-60cm, thân 4 cạnh, phân nhánh nhiều, tỏa ra trên mặt đất giống như cây bạc hà. Lá thạch đen có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giúp hạ huyết áp, trị cảm mạo, đau khớp.

Thạch đen được chế biến bằng cách rửa sạch cành lá cây thạch khô (thu hoạch khi cây xuất hiện nụ hoa ở ngọn, cắt sát gốc, thân và lá thu về rải đều, phơi nắng nhẹ) cho vào nồi nấu nhừ, bắc ra để nguội, đổ nước vào túi vải sạch, vắt lọc lấy nước bỏ bã, rồi đổ bột gạo hay bột sắn vào nấu cho sôi lại cho đến khi dung dịch đặc quánh lại thì đổ vào chậu, để nguội. Để cho thạch nhanh đông và giòn, người ta có thể cho thêm ít nước tro (tro rơm rạ) vào cùng với nước thạch đã lọc và bột gạo (bột sắn) trước khi nấu sôi lại. Tổng cộng thời gian làm thạch từ khâu chế biến đến ra thành phẩm mất 5 tiếng với nhiều công đoạn phức tạp, tỉ mỉ. Mọi quy trình nấu thạch đều phải tuân thủ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thạch đen mềm, giòn, màu đen bóng, ăn có vị thơm nhẹ, thanh mát của lá thạch đen. Có 2 loại thạch đen là loại có đường và loại không đường. Thạch có thể ăn riêng hoặc ăn cùng với chè, tào phớ, sữa đậu... Bảo quản trong tủ lạnh có thể sử dụng được từ 5-6 ngày.

Hiện nay, một số sản phẩm từ cây thạch đen Cao Bằng đang được nghiên cứu sản xuất thành hàng hoá, trong đó có thạch đen đóng hộp sẵn rất tiện lợi cho người dùng.

  Thùy Linh