Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Thông báo kết luận nêu rõ, vừa qua, đợt bão, lũ lịch sử đã xảy ra tại một số tỉnh miền Trung: mưa lũ lớn kéo dài nhiều ngày, nhiều nơi lũ vượt mức lũ lịch sử, ngập sâu trên diện rộng, sạt lở đất, lũ quét. Cơ quan dự báo đã dự báo sớm, cảnh báo kịp thời. Công tác ứng phó được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng vũ trang ở địa phương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, chủ động, bình tĩnh, kịp thời, hiệu quả, góp phần hạn chế được nhiều thiệt hại cả về người và tài sản của nhân dân và nhà nước. Đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện, trang thiết bị trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và cứu hộ cứu nạn.
Tuy nhiên, mưa lũ lớn lịch sử trên diện rộng, bão chồng bão, lũ chồng lũ, vượt quá năng lực ứng phó của thiết chế hạ tầng, của hệ thống phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nên tính mạng, tài sản, nhà cửa của người dân, công trình hạ tầng của nhà nước vẫn bị thiệt hại, tổn thất hết sức nặng nề, sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, hệ thống thiết chế hạ tầng phá hủy cần nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là phải tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp ở địa phương. Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở rà soát, nắm rõ từng hộ dân, người dân cần được cứu trợ khẩn cấp, chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, điều phối việc cứu trợ để bảo đảm tiền, hàng cứu trợ trực tiếp đến tận tay người dân.
Tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích, trong đó có các công nhân của công trường thủy điện Rào Trăng 3. Làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các gia đình bị mất người, mất nhà.
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống, bảo đảm sinh kế cho người dân sau mưa lũ: Cấp ủy, chính quyền các địa phương vận động hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường; huy động các lực lượng, nhất là lực lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên,… hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà ở; xử lý vệ sinh môi trường ngay sau lũ nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường học, không để bùng phát dịch bệnh. Khôi phục cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng; chuẩn bị sẵn giống cây trồng, vật nuôi, phục hồi sản xuất sau lũ để sớm ổn định lại sản xuất và đời sống cho người dân.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát, hoàn thiện Chiến lược quốc gia, kế hoạch quốc gia về phòng, chống thiên tai. Tập trung nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội, trong đó nhận thức của cộng đồng và người dân là quan trọng.
Đồng thời, tăng cường năng lực dự báo thiên tai và ứng phó với thiên tai, nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác, tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến để nâng cao chất lượng dự báo và cảnh báo thiên tai.
Bên cạnh đó, lồng ghép kế hoạch ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, các địa phương, có lộ trình và phương thức cụ thể, phù hợp thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, trong đó các thành phố lớn cần đi đầu trong giảm phát thải; Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, lộ trình đánh thuế phát thải khí nhà kính để khuyến khích cắt giảm khí nhà kính, góp phần giảm tác động do biến đổi khí hậu; quản lý chặt chẽ phát triển thủy điện theo quy hoạch để bảo đảm an toàn, hạn chế tác động xấu đến môi trường. Đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn những loại cây phù hợp để giữ đất, giữ nước.
VPCP