4- Về Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”

a) Về cơ cấu, nội dung của chương: - Một số ý kiến đề nghị trong nhiều điều tại Chương II của Dự thảo sửa đổi đã không còn những cụm từ như “Nhà nước bảo đảm”, “Nhà nước bảo hộ”, “Nhà nước tạo điều kiện” như trong các bản hiến pháp trước đây. Việc thay đổi này dẫn đến những nhận thức, cách hiểu khác nhau về trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân. Ví dụ, Điều 38 Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56 Hiến pháp năm 1992) bỏ quy định “Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động” sẽ đặt ra câu hỏi vậy thì khi Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực, Nhà nước còn có trách nhiệm tạo việc làm cho người lao động nữa hay không?

  • Một số ý kiến đề nghị mặc dù tại Khoản 2, Điều 20 Dự thảo quy định rõ “Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định” nhưng trong một số điều của Chương II vẫn còn cụm từ “Theo quy định của pháp luật”. Ví dụ, Điều 24 quy định “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”. Quy định như vậy vừa không đảm bảo sự lô-gíc, thống nhất giữa các điều trong Hiến pháp, vừa gây nguy cơ hạn chế việc thực hiện quyền công dân bằng văn bản dưới luật do các cơ quan nhà nước (không phải là Quốc hội) ban hành. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thay cụm từ “Theo quy định của pháp luật” bằng cụm từ “Theo quy định của luật' trong các điều của chương này.

  • Có ý kiến đề nghị cần phân biệt rõ khái niệm “Quyền con người” và “quyền công dân” để sử dụng cho chính xác, không nên dùng song song cả hai cụm từ “công dân” và “mọi người”.

b) Về nội dung của một số điều:

Điều 15: Một số ý kiến cho rằng quy định tại Khoản 2 Điều 15 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ của cộng đồng” là chưa thật chặt chẽ, có thể dẫn đến cách hiểu mọi quyền con người, quyền công dân đều có thể bị hạn chế. Mặt khác, quy định như vậy sẽ tạo kẽ hở để cơ quan, người có thẩm quyền lợi dụng nhằm hạn chế quyền con người, quyền công dân theo ý muốn chủ quan của mình. Bởi lẽ, nhận thức của mọi người không phải lúc nào cũng thống nhất, thực tiễn sẽ phát sinh cùng một trường hợp cụ thể, trong cùng hoàn cảnh cụ thể, cơ quan, cá nhân này cho rằng là “trường hợp cần thiết” phải hạn chế, cơ quan, cá nhân khác lại xác định là trường hợp chưa cần thiết phải hạn chế. Đề nghị không nên quy định chung chung mà nên đưa vào các điều cụ thể, sau khi quy định về quyền con người hoặc quyền công dân, nếu cần giới hạn quyền thì quy định luôn.

Điều 16: Có ý kiến đề nghị bỏ điều này vì: nội dung Khoản 2 điều này không nên quy định do đã có quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân tại Khoản 2 Điều 15; còn Khoản 1 nên đưa lên Điều 15.

  • Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “Lợi ích hợp pháp' vào Khoản 1 như sau: “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.

Điều 21: - Nhiều ý kiến cho rằng quy định như Dự thảo là chưa đầy đủ. Vì sẽ có người hiểu mình muốn sống thế nào cũng được, không cần phải tuân thủ đạo đức, thuần phong mỹ tục. Vì vậy, đề nghị bổ sung điều này như sau “Mọi người có quyền sống phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”.

  • Một số ý kiến đề nghị bổ sung như sau “Mọi người có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” như Bản Tuyên ngôn độc lập.

  • Có ý kiến cho rằng nếu chỉ quy định “mọi người có quyền sống” mà không kèm theo quy định hạn chế thì dẫn đến hệ quả sau này bỏ hình phạt tử hình là không phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Đề nghị bổ sung thêm quy định về những trường hợp quyền sống có thể bị tước bỏ.

Điều 22: Có ý kiến đề nghị không nên dùng cụm từ “tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình” ở Khoản 2 mà nên sửa lại là “Nghiêm cấm mọi hình thức xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người hay bất kỳ hình thức trái pháp luật khác”.

Điều 31: Một số ý kiến đề nghị tách quyền khiếu nại và quyền tố cáo thành 2 khoản riêng vì công dân chỉ được thực hiện quyền khiếu nại khi cho rằng lợi ích của mình bị xâm hại; còn công dân có quyền tố cáo khi thấy cơ quan, tổ chức, cá nhân làm trái pháp luật, xâm phạm lợi ích của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Điều 32: Một số ý kiến đề nghị thay hai từ “có quyền” bằng từ “phải” ở Khoản 2 điều này như sau: 2. Người bị buộc tội phải được tòa án xét xử…”.

Điều 33: Một số ý kiến cho rằng quy định tại Khoản 2, Điều 33 của Dự thảo “Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ” là chưa đầy đủ, sẽ phát sinh vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Bởi theo quy định tại Điều 248, Bộ luật Dân sự “…Chủ sở hữu có quyền chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay hoặc thừa kế…”. Như vậy, ngoài quyền thừa kế, chủ sở hữu còn có các quyền tặng cho, trao đổi, cho vay… trong khi đó, Khoản 2, Điều 33 của Dự thảo chỉ quy định quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Đề nghị nghiên cứu bổ sung Khoản 2 Điều 33 như sau “2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền chuyển giao quyền sở hữu được pháp luật bảo hộ”.

Điều 34: Có ý kiến đề nghị gộp điều này với Điều 56 của Dự thảo. Nội dung gồm hai khoản: Khoản 1 quy định về quyền tự do kinh doanh của mọi người; Khoản 2 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền tự do kinh doanh.

Điều 35: - Một số ý kiến cho rằng cần cụ thể hoá nội hàm của khái niệm “an sinh xã hội”, sao cho phù hợp với điều kiện phát triển KTXH của Việt Nam hiện tại và tương lai. Việc quy định quá ngắn gọn, chung chung như Điều 35 Dự thảo dẫn đến khó có thể thực thi và phát sinh vướng mắc trong thực tiễn áp dụng vì theo công bố của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), nội hàm của khái niệm “an sinh xã hội” rất rộng, gồm nhiều vấn đề như: bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, các chế độ trợ cấp từ quỹ công cộng, các chế độ trợ cấp gia đình, các quỹ dự phòng, sự bảo vệ do người sử dụng lao động cung cấp, các dịch vụ liên quan đến an sinh xã hội. Mặt khác, những đối tượng cần được Nhà nước, xã hội quan tâm, chăm sóc như: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng lại không được thể hiện trong dự thảo.

  • Có ý kiến đề nghị chuyển Khoản 1, Điều 63 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện an sinh xã hội sang Điều 35, sau phần quy định về quyền của công dân được bảo đảm an sinh xã cho phù hợp với nguyên tắc cấu trúc chung, đảm bảo tính lô-gíc và thuận tiện khi áp dụng.

  • Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm 2 khoản vào điều này như sau: “2. Nhà nước có chính sách để những người có công với cách mạng, thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ có mức sống thấp nhất bằng mức sống trung bình khá của xã hội; 3. Nhà nước và xã hội chăm lo đời sống người già, người tàn tật, trẻ em mồ côi và những người nghèo khó trong xã hội”.

  • Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định tại Điều 67 của Hiến pháp năm 1992.

Điều 36 và Điều 37: Có ý kiến đề nghị gộp hai điều này thành một vì nội dung của hai điều đều quy định liên quan đến nơi ở hợp pháp của công dân.

Điều 40: Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi mua bán trẻ em vào Khoản 2 điều này như sau: Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột, mua bán và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Điều 41: Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 1 điều này như sau “Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc khám chữa bệnh…”; bổ sung Khoản 2 như sau “Nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong việc khám, chữa bệnh và các hành vi đe dọa đến cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”.

Điều 42: Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm Khoản 2 với nội dung: “Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ để xã hội hóa việc học tập”.

Điều 44: Một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm nghĩa vụ của mọi người trong việc bảo vệ các di sản văn hóa.

Điều 50: Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định “Mọi tổ chức, cá nhân trốn thuế đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

(Còn nữa)