Báo CCB Việt Nam nhận được đơn thư của CCB Mai Văn Cương (ở số nhà 54 Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) phản ánh, ông là nguyên đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng nhà đất” kéo dài từ năm 2004 đến nay, đã trải qua 6 phiên tòa xét xử nhưng vẫn chưa tuyên được một bản án có hiệu lực pháp luật, khiến cho cả nguyên đơn và bị đơn phải mất hơn 10 năm theo hầu các “quý tòa”.
Chuyển nhượng nhà đất bất hợp pháp?
Theo trình bày của ông Cương thì nhà đất của gia đình ông tại số 15, đường Nông Lâm, Từ Liêm (nay là Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) có nguồn gốc từ ngày 1-10-1989 do Trường Tổ chức Kiểm tra Trung ương giao cho gia đình ông 122m2 (diện tích thực tế là 144m2). Mặc dù trong quyết định ghi tên bà Trần Thị Bích Đào đứng tên, nhưng trên thực tế nhà trường giao đất theo nhân khẩu của hộ gia đình. Thời kỳ gia đình ông Cương được giao đất có tới 5 nhân khẩu, gồm ông Cương, bà Đào và 3 người con gái là Mai Thị Hải, Mai Thị Thanh Bình, Mai Thị Thanh Hòa. Năm 1991, gia đình ông Cương, bà Đào làm nhà mái bằng trên mảnh đất này. Đến tháng 12-1992, ông Cương sang LB Nga làm việc, thời gian làm việc ở nước ngoài ông vẫn liên lạc thường xuyên với vợ con.
Ngày 23-12-1994, bà Bích Đào có ký giấy nhượng lại ngôi nhà trên cho ông Nguyễn Văn Bình, bà Nguyễn Thị Bích Vân (vợ ông Bình), nơi cư trú tại xóm 6, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm với số tiền 147.000.000 đồng nhưng chưa có sự đồng ý của ông Cương.
Đầu năm 2001, ông Cương về nước và rất bất bình với vợ ông (bà Bích Đào). Sau thời gian tìm hiểu, ông thấy việc bà Bích Đào tự ý bán ngôi nhà của gia đình ông là không đúng với quy định của luật pháp, nên ngày 10-8-2004, ông Cương đã làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Từ Liêm đề nghị yêu cầu hủy 3 “Giấy nhượng lại quyền sử dụng nhà đất” cùng ngày 23-12-1994 giữa vợ ông (bà Bích Đào) với vợ chồng ông Bình, bà Vân.
Ngày 18-12-2006, TAND huyện Từ Liêm đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Không đồng ý với phán quyết của tòa nên ông Cương làm đơn kháng cáo lên TAND TP Hà Nội. Mặc dù đã hơn 10 năm nhưng các cấp tòa vẫn chưa xét xử để có được một bản án có hiệu lực pháp luật. Sở dĩ có sự việc kéo dài như vậy là do nảy sinh tình tiết phức tạp là bên phía bị đơn đã đổi ngôi nhà 45m2 đất tại số 9 đường Nông Lâm, Từ Liêm (nay là Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm). Ông Bình, bà Vân cho rằng đây là ngôi nhà của vợ chồng ông bà mua lại của ông Lê Tùng, bà Kim Thị Hồng Đào ngày 4-12-1993. Ông Bình khai ở các phiên tòa cho rằng khi mua ngôi nhà số 15 đường Nông Lâm của bà Bích Đào do bà Bích Đào có nhu cầu nhà ở với diện tích bé hơn ngôi nhà cần bán để lấy tiền chênh trả nợ nên ông Bình, bà Vân mới đổi ngôi nhà 45m2 cho bà Bích Đào và trả tiền chênh của 94m2 còn lại.

“Kỳ án” lòng vòng…
Theo phản ánh của ông Cương thì ngôi nhà số 9, đường Nông Lâm, chính là ngôi nhà hiện nay gia đình ông đang sinh sống. Ngôi nhà này không có liên quan gì đến ông Bình, bà Vân. Bởi ngôi nhà trên bà Bích Đào đứng tên mua lại của vợ chồng ông Lê Tùng, bà Hồng Đào từ ngày 4-9-1990 bằng chính tiền của gia đình ông. Theo hồ sơ tài liệu ông Cương cung cấp ngày 4-9-1990, bà Kim Thị Hồng Đào công tác tại Trường đại học Tài chính Kế toán và chồng bà là ông Lê Tùng-nguyên giáo viên thuộc Phòng Giáo dục huyện Gia lâm, TP Hà Nội đã nghỉ hưu tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm có viết một bản giấy viết tay “Giấy nhượng lại nhà đất” với lý do nhà ông bà dột nát, gia đình quá khó khăn nên nhượng lại diện tích 45m2 (1/2 diện tích thửa đất của ông Lê Tùng, bà Hồng Đào) cho bà Trần Thị Bích Đào với số tiền được ghi trong giấy chuyển nhượng là 5.500.000 đồng. Trong giấy nhượng nhà đất của vợ chồng ông Lê Tùng, bà Hồng Đào cho bà Bích Đào có đầy đủ chữ ký các bên và những người làm nhân chứng gồm ông Đinh Hồng Minh, bà Nguyễn Thị Thư và cả chữ ký của bà Nguyễn Thị Bích Vân (vợ ông Bình). Do sau này giá đất ở khu vực tăng lên nên ngày 4-12-1993, bà Bích Đào có yêu cầu gia đình ông Lê Tùng, bà Hồng Đào viết lại “Giấy nhượng lại nhà đất” và có xin xác nhận của Trường đại học Tài chính Kế toán và đã được ông Nguyễn Mạnh Hùng thay mặt Phòng Quản trị nhà trường ký tên đóng dấu.
Mặc dù các chứng cứ liên quan đến vụ án đã quá rõ ràng, nhưng không hiểu sao TAND huyện Từ Liêm phải xử đến 3 lần vẫn không xong? Tiếp đó, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm phải 3 lần ra quyết định tuyên hủy 3 bản án sơ thẩm của TAND huyện Từ Liêm đã xét xử?
Theo các quyết định của bản án, bản án số 60/2006/DSST đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Cương đã có đơn kháng cáo đề nghị hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại bản án số 148a/2007, TAND TP Hà Nội đã xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm số 60, giao lại cho TAND Từ Liêm giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm, với lý do: Xác định nhà đất tại số 15 đường Nông Lâm, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội là tài sản chung của vợ chồng ông Cương, bà Đào. Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất 23-12-1994 giữa bà Bích Đào và vợ chồng ông Bình, bà Vân là vô hiệu do không có sự thỏa thuận của ông Cương.
Bản án số 19/DSST ngày 27 và 31-8-2009 TAND huyện Từ Liêm xét xử sơ thẩm lần 2 tuyên bố: “Giấy chuyển nhượng nhà và hoa màu về quyền sử dụng-sở hữu” ngày 23-12-1994 giữa bà Trần Thị Bích Đào và ông Nguyễn Văn Bình, bà Nguyễn Thị Bích Vân bị vô hiệu, buộc các bên phải phục lại tình trạng ban đầu. Bản án trên đã xác định bà Đào chịu lỗi 70%; ông Bình, bà Vân chịu lỗi 30% và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Ông Cương, chị Hải (con gái ông Cương) và bà Vân không đồng ý với quyết định của bản án số 19 của TAND huyện Từ Liêm tiếp tục kháng cáo. Ngày 2-8-2010, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa vụ án ra xét xử và có Bản án số 139/2010/DSPT tuyên hủy bản án sơ thẩm số 19 của TAND huyện Từ Liêm với lý do: cấp sơ thẩm chưa làm thủ tục thông báo yêu cầu ông Cương phải giao nộp, xuất trình chứng cứ để chứng minh những thiệt hại của mình. Cấp sơ thẩm xác định bà Bích Đào với tư các là bị đơn là không đúng mà phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Thiếu người tham gia tố tụng (các con của ông Bình, bà Vân) với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Ngày 17 và 18-9-2012, TAND huyện Từ Liêm đưa vụ án ra xét xử và lại ra bản án số 14/2012/DSST. Ông Cương không đồng ý với bản án này lại tiếp tục làm đơn kháng cáo. Ngày 24-6-2013, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm (lần 3) và đã ra bản án số 142/2013/DS-PT quyết định hủy bản án sơ thẩm số 14/2012/DSST của TAND huyện Từ Liêm…
Chỉ có mấy chục mét vuông đất mà mất hơn 10 năm, qua 6 phiên tòa xét xử vẫn chưa có hồi kết. Liệu rằng trong vụ việc này còn có sự khuất tất trong xét xử hay do năng lực của thẩm phán TAND huyện Từ Liêm quá yếu kém? Trong thời gian qua, những phiên họp Quốc hội luôn nóng những vấn đề về án oan sai, mà trong các vụ án năng lực của thẩm phán sẽ quyết định hết vấn đề đúng sai của vụ việc. Do đó, hơn bao giờ hết, trong vụ án này cần có một “Bao công” thực thụ để vụ án sớm có hồi kết!
Thanh Nghĩa