Tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình và đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm hỏi, động viên gia đình bà Nguyễn Công Lĩnh, thôn Thanh Giang, xã Thanh Trạch, một hộ gia đình ở sát ven biển, mưu sinh bằng nghề biển, bị thiệt hại do sự cố môi trường năm 2016. Trước khi xảy ra sự cố, gia đình anh Lĩnh có tàu đánh bắt xa bờ công suất 105 CV, kinh tế gia đình khá. Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố đã gặp khó khăn nhất định. Hiện gia đình đã bán tàu cũ để vay vốn đóng tàu mới có công suất lớn hơn.
Gia đình anh cho biết, đến nay đã nhận được đầy đủ các khoản bồi thường, hỗ trợ để từng bước ổn định sản xuất, đời sống gia đình. Qua đây, anh cũng gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm đến đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường để giúp nhân dân ổn định cuộc sống, nhất là việc hỗ trợ tín dụng đóng mới tàu cá, đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp, miễn giảm học phí cho học sinh sinh viên, đưa người có nhu cầu đi lao động theo hợp đồng ở nước ngoài…
Theo chính quyền địa phương, đời sống nhân dân địa phương được nâng cao, bộ mặt nông thôn đã thực sự thay đổi với việc không còn hộ gia đình ở nhà tranh vách đất.
Tại xưởng đóng tàu của anh Hoàng Xuân Hải, thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, các công nhân đang tất bật làm việc để kịp xuất xưởng những con tàu mới mà ngư dân đang đặt hàng cho anh kịp cho những chuyến đi biển tới đây.
Anh Hải cho biết, trước đây anh là chủ cơ sở đóng tàu thuyền tại cảng Gianh, có thu nhập ổn định, mỗi năm đóng mới và xuất xưởng 5-7 con tàu có công suất lớn. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, các đơn đặt hàng đóng mới tàu thuyền giảm hẳn. Đến nay, khi hoạt động trên biển trở lại bình thường, cơ sở đóng tàu của anh đã phục hồi, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15 lao động với mức lương bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Chín, thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, có số nhân khẩu là 5 người. Khi xảy ra sự cố, anh đang là chủ của tàu công suất 800 CV, vay theo Nghị định 67/NĐ-CP, với 12 người lao động thường xuyên và trả lãi ngân hàng đúng hạn.
Do bị ảnh hưởng của sự cố, thu nhập của gia đình anh không còn ổn định như trước. Anh đã vay vốn ngân hàng và đưa 2 con đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Hiện nay, gia đình anh vẫn hoạt động nghề cá nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công lao động trên tàu.
Một số gia đình hoạt động bám biển tại xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi sự cố môi trường biển. Tuy nhiên, một trong những khó khăn là sau sự cố môi trường biển thì lao động chính của nhiều gia đình đã chuyển đổi nghề nghiệp đi lao động theo hợp đồng tại nước ngoài nên nhiều gia đình gặp không ít khó khăn khi tiếp tục nghề biển.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lãm, Nguyễn Quốc Tuấn, xã Quang Phú có tàu đánh bắt cá công suất 33 CV và 60 CV, đã được bồi thường và hỗ trợ cho chủ tàu cùng các lao động trên tàu theo đúng quy định của Nhà nước. Đến nay, gia đình anh Lãm đã khôi phục được 90-95% công suất hoạt động của tàu.
Theo chính quyền địa phương, đây là những hộ ngư dân cần cù lao động, cuộc sống ổn định, luôn chấp hành tốt các chính sách trong quá trình giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường biển vừa qua.
Nói chuyện thân mật khi đến thăm các gia đình ngư dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình bày tỏ vui mừng khi thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của bà con đã ổn định sau sự cố môi trường biển vừa qua.
Tính đến ngày 10/5/2018, UBND xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch đã thực hiện việc chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt do sự cố môi trường biển theo Quyết định 1880/QĐ-TTg, Quyết định 309/QĐ-TTg và Công văn 1826/TTg-NN. Tổng kinh phí đã phê duyệt: 109.595.406.430 đồng, với 7.460 đối tượng.
UBND xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) cho biết, đã chỉ đạo Hội đồng Đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển của xã, các tổ kê khai ở thôn, tổ chức rà soát, hướng dẫn nhân dân kê khai thiệt hại theo mẫu quy định, chỉ đạo các thôn tổ chức hội nghị xét đối tượng thiệt hại sau đó niêm yết công khai theo quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổng hợp báo cáo xã. Sau đó, tổ chức hội nghị rà soát, thẩm định lại từng đối tượng cụ thể, tổng hợp và niêm yết công khai theo quy định. Đến tháng 9/2017, tổng kinh phí bồi thường là 60.350.406.000 đồng.
Trong hai năm qua, Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền các địa phương đã nỗ lực, khẩn trương triển khai thống kê thiệt hại, kịp thời chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định, đúng các tiêu chí đề ra, đúng đối tượng, minh bạch, công khai. Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải bảo đảm có sự giám sát của cộng đồng dân cư. Mọi hành vi lợi dụng đều được phòng ngừa và xử lý nghiêm nếu bị phát hiện. Các trường hợp bồi thường, hỗ trợ không đúng với quy định đã đề ra đều được xử lý ngay, không để kéo dài.
Đến nay, công tác này đã hoàn thành, tất cả các bà con là đối tượng bị thiệt hại theo đúng các tiêu chí đều đã nhận được tiền chi trả. Để bảo đảm tính bền vững, an sinh xã hội, Trung ương đã đưa ra các chính sách như hỗ trợ học phí đào tạo nghề, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh sinh viên, hỗ trợ tín dụng chuyển đổi nghề nghiệp, làm việc ở nước ngoài… Cùng với số tiền bồi thường, hỗ trợ mà bà con nhận được thì các giải pháp này là điều kiện, cơ sở để bà con yên tâm sinh sống, sử dụng có hiệu quả khoản tiền nhận được.
Đề cập đến môi trường biển, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Ngay sau khi sự cố xảy ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan chuyên môn thường xuyên, liên tục và định kỳ lấy mẫu, giám sát chất lượng nước biển cũng như hải sản trong khu vực. Các cơ quan chuyên môn đã thận trọng, nghiêm túc phân tích các mẫu giám sát một cách khoa học, có đối chứng với mẫu của khu vực trên toàn quốc. Đến nay, trên cơ sở khoa học, chúng ta có thể khẳng định môi trường biển và hải sản khu vực biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn.
Bên cạnh đó, được sự ủng hộ, đồng thuận của bà con, chính quyền các địa phương đã kịp thời ngăn chặn các âm mưu, đối tượng xấu lợi dụng sự việc để kích động, lôi kéo một số bà con gây mất an ninh trật tự tại địa bàn, cản trở cuộc sống bình thường của nhân dân.