Cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba và cũng là cuối cùng giữa tổng thống Barack Obama với đối thủ Mitt Romney diễn ra tại đại học Lynn ở bang Florida. Hai ứng viên lần lượt tranh luận về các vấn đề đối ngoại như Libya thời hậu Moammar Gadhafi, bất ổn kéo dài ở Syria, tình hình Ai Cập sau khi Hosni Mubarak bị lật đổ, vấn đề Iran, mối quan hệ đồng minh với Israel, mối đe dọa hạt nhân đối với nước Mỹ và cả việc cắt giảm hay tăng cường lực lượng hải quân.
Tổng thống Obama đưa ra nhiều đòn tấn công trong lĩnh vực đối ngoại, trong khi ông Romney chọn phương án thận trọng hơn, dường như để tránh lỡ lời như trong tranh luận lần hai, và chỉ phản công mạnh mẽ khi xoay qua lĩnh vực kinh tế.
Ứng viên đảng Cộng hòa Romney cảnh báo rằng những phần tử Hồi giáo cực đoan không hề thất thế, đồng nghĩa với việc quy trách nhiệm cho sự lãnh đạo của ông Obama đối với vấn đề Trung Đông, trong bối cảnh phong trào Mùa xuân Arab dường như trở nên rối loạn. Cựu thống đốc bang Massachusetts kêu gọi một chiến lược để khống chế những quốc gia Hồi giáo có định hướng đáng lo ngại, điều mà ông cho rằng đang không được thực hiện tốt.
Romney chỉ ra những cảnh đổ máu ở Syria và cả Libya, nơi 4 công dân Mỹ trong đó có cả đại sứ Mỹ ở nước này bị giết tháng trước. Romney còn hai lần đề cập tới việc al-Qaeda nổi lên ở Mali.
Trong khi từ chối sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Syria, ứng viên đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ nên làm nhiều hơn để mang lại cái kết cho tình trạng bạo lực ở nước này, cũng như chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. "Đây là một cơ hội có tính quyết định đối với nước Mỹ", Romney nói, với ý chỉ trích việc Obama đẩy chính sách đối với Syria sang cho cựu phái viên Liên Hợp Quốc - Liên đoàn Arab, ông Kofi Annan. "Nó không hiệu quả. Thế rồi (Obama) quay sang Nga và nói liệu họ có thể làm điều gì đó. Chúng ta nên đóng vai trò lãnh đạo ở đây, dù không phải là trên mặt đất với quân đội của chúng ta", Romney khẳng định.
Obama không chịu thua kém với màn đáp trả mạnh mẽ. Ông cảnh báo rằng chính sách an ninh quốc gia mà ông thực thi vẫn đang đi đúng hướng, đồng thời chỉ trích đối thủ. Obama cho hay khi làm tổng tư lệnh quân đội Mỹ, ông học được rằng sự rõ ràng là tối thượng.
Tổng thống Mỹ cũng móc lại lời bình luận trước đây của Romney rằng Nga là một đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ. "Chiến tranh Lạnh đã qua được hơn 20 năm rồi", Obama nói với giọng chế giễu.
Obama, người đã tiến hành rút lính Mỹ khỏi Iraq, cũng nhắm vào những tuyên bố trước đây của Romney trong việc ủng hộ duy trì sự hiện diện quân sự Mỹ tại quốc gia này. "Thống đốc, khi nói về chính sách đối ngoại của chúng ta, ông dường như muốn lấy lại những chính sách ngoại giao của những năm 1980, hay chính sách xã hội của những năm 1950 và chính sách kinh tế của những năm 1920", Obama nhấn mạnh.
Một cuộc thăm dò do The Fix tiến hành đăng trên The Washington Post cho thấy tính về phiếu cử tri đoàn, Obama đang bỏ xa Romney. Hai người sẽ phải đấu quyết liệt để giành được các bang còn đang lưỡng lự như Ohio, Florida...
Theo kết quả thăm dò ý kiến trên diện rộng tại Mỹ và Hàn Quốc của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Chicago cho thấy 82% người Hàn Quốc muốn Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử, bởi ông chủ trương phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với người đồng nhiệm Lee Myung-bak của Hàn Quốc. Chỉ 28% muốn đối thủ của Obama là Mitt Romney giành chiến thắng.
Một cuộc thăm dò tháng trước do Quỹ Marshall Đức cho thấy người châu Âu phá vỡ kỷ lục, dành tới 75% sự ủng hộ cho Obama, trong khi chỉ 8% cho Romney.
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến của độc giả VnExpress tính đến hôm nay, tỷ lệ ủng hộ Obama tăng so với cách đây một tuần, lên mức 68,3% so với 31% của Romney.
Quỳnh Anh (TH)