Người dân tỉnh An Giang tất bật thu hoạch lúa.

Những ngày qua, câu chuyện về giá lúa gạo trở thành chủ đề nóng với người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Tại nhiều địa phương trong vùng có diện tích lúa hè thu, nông dân đang tất bật thu hoạch trong niềm vui được mùa, trúng giá.

Nông dân phấn khởi khi lúa hè thu trúng mùa, được giá

Nông dân các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, tỉnh An Giang bắt đầu thu hoạch vụ hè thu đồng loạt trong niềm vui trúng mùa. Trên các cánh đồng, máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất. Dọc các tuyến kênh, ghe thu mua đậu sẵn, chỉ chờ nông dân thu hoạch lúa từ ruộng mang lên là cân để xuống ghe. Theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, vụ hè thu năm 2023, toàn tỉnh xuống giống lúa được hơn 205.500ha, tăng 6% so với vụ hè thu cùng kỳ năm trước.

Tuy trồng giống lúa thường OM380, nhưng nhờ thu hoạch sớm trên diện tích hơn 2,3ha nên lúa của CCB Huỳnh Văn Đức, ngụ xã Bình Hòa (Châu Thành, An Giang) được thương lái mua tại chân ruộng với giá 6.900 đồng/kg. Ông Đức phấn khởi nói: “Nhiều năm nay, giá lúa hè thu bao giờ cũng thấp hơn vụ đông xuân. Năm nay thì khác, giá lúa hè thu cao hơn vụ đông xuân. Hơn 40 năm gắn bó với cây lúa, chưa bao giờ thấy lúa hè thu lại bán được giá cao như năm nay. Nhờ gieo sạ đúng thời vụ, tránh được thời tiết bất lợi nên trúng đậm, sau khi trừ chi phí, tôi còn lời khoảng 30 triệu đồng/ha. Hy vọng vụ đông xuân tới, tình hình xuất khẩu gạo sáng sủa, giá lúa tiếp tục được như vậy, bà con sẽ đỡ khổ, gắn bó với đồng ruộng hơn”.

Những tín hiệu khả quan từ xuất khẩu gạo khiến cho thị trường lúa, gạo trong nước có nhiều khởi sắc. Ông Lê Minh Thành, ở xã Thạnh Đông (Tân Hiệp, Kiên Giang) vừa thu hoạch xong 3,5ha lúa hè thu, cho biết: “Vụ này, giá phân bón đã hạ nhiệt, lúa ít sâu bệnh nên chi phí sản xuất ước khoảng 2,5 triệu đồng/công, lúa bán được giá, tôi lãi gần 3,5 triệu đồng/công. Hy vọng tới vụ thu đông, giá lúa tiếp tục ổn định để nông dân an tâm sản xuất”.

Còn CCB Phạm Hoàng Đức, ngụ xã Thạnh Phú (T.P Cần Thơ) cho hay: Đây là cơ hội cho nông dân chúng tôi, nhất là bà con đã và đang ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa như hiện nay.

Hiện tại, khu vực ĐBSCL nhiều giống lúa chất lượng cao, phẩm chất gạo ngon, đạt chuẩn xuất khẩu đang được thương lái thu mua với giá cao, tăng bình quân 300-600 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa tươi OM18, thương lái thu mua tại ruộng có giá 6.800 đồng/kg, lúa OM5451 giá 6.400-6.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 từ 6.900-7.100 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800-8.000 đồng/kg…

Ông Nguyễn Thành Lâm - Giám đốc HTX nông nghiệp Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Tôi chưa thấy năm nào sản xuất vụ hè thu mà lúa lại có giá như năm nay. Lúa vừa trổ bông đã có thương lái đến đặt tiền cọc. Hiện nhiều cánh đồng đã thu hoạch từ 15-17 bao/công, tương đương năng suất từ 750-850kg/công. Giá lúa tăng từ 1.300-1.900 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái (tuỳ loại), nông dân Hợp tác xã rất phấn khởi”.

Tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo

Tận dụng cơ hội thị trường, tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn. Vừa qua, Bộ NNPTNT đã điều chỉnh mùa vụ ở vùng sản xuất để giảm tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sản lượng. Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) thông tin: “Giá gạo tăng cao trong những ngày gần đây là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo, cần phải tận dụng để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, nếu không tranh thủ sẽ bị lỡ cơ hội này. Cục đánh giá kỹ việc sản xuất, cơ cấu lại cách phối hợp giữa doanh nghiệp và các HTX trong xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, dự kiến tăng diện tích gieo trồng vụ thu đông 2023 lên 50.000ha phục vụ xuất khẩu gạo, Việt Nam thu thêm 100 triệu USD”.

Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở NNPTNT T.P Cần Thơ cho biết: “Địa phương đang vận động người dân làm ăn có liên kết, thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác, HTX trong cánh đồng lớn. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), ứng dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại theo hướng sinh học, hướng dẫn nông dân ghi chép sổ tay sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu từ thị trường”.

Với cơ hội này, Việt Nam không chỉ đưa gạo ra thế giới với giá phải chăng, mà đồng thời cũng có dịp tổ chức lại sản xuất theo đúng chuỗi giá trị. Người nông dân sẽ có động lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, làm ra hạt lúa chất lượng tốt nhất để bán được giá cao nhất. Chỉ khi bà con làm giàu với cây lúa, thì sẽ hạn chế được chuyện trồng chặt - chặt trồng, chạy theo phong trào...

Phương Nghi