
Chủ tịch Hồ Chí Minh tăng gia sản xuất trồng rau
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam ta. Người đã để lại tài sản vô giá cho nhân loại tiến bộ là tư tưởng và tấm gương đạo đức cao đẹp, trong sáng, mẫu mực, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nói riêng và toàn quốc nói chung.
Hy sinh hạnh phúc riêng để lo cho dân, cho nước
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một bậc vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người cộng sản chân chính, một con người trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, hết lòng vì đồng bào, đồng chí, anh em.
Suốt cả cuộc đời Người đã xác định mục tiêu phấn đấu là vì dân, vì nước. Người từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Và thực tế, Bác đã dành trọn cả cuộc đời mình phấn đấu cho sự nghiệp vĩ đại ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình, ra đi tìm đường cứu nước. Năm 1911, lúc ấy Bác vừa 21 tuổi, Người đã dành 10 năm của tuổi thanh niên, đi qua 28 nước, 4 châu lục, làm đủ mọi nghề, từ nghề vất vả nhất là anh cấp dưỡng trên tàu đến nghề làm công nhân quét tuyết, nghề làm báo, dạy học để tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc.
Và khi tìm được con đường giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hi sinh hạnh phúc cá nhân, gác tình riêng để thực hiện bằng được con đường ấy. Theo lẽ thường, ai cũng muốn có gia đình riêng, đông vui, hạnh phúc. Hồ Chí Minh của chúng ta đã gác tình riêng đó dành cả cuộc đời lo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, lo cho gia đình chung là Tổ quốc. Khi nhận được tin anh trai mất, Bác đang bận việc nước, không thể về được nên Người đã chuyển bức điện về làng Kim Liên, với nội dung: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường xá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyện lượng cho một người đã hy sinh tình nhà vì phải lo cho việc nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối mọi phần thưởng dành cho riêng mình khi mà mục đích chung lo cho dân, cho nước chưa đạt được. Trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá II, các đại biểu đề nghị Quốc hội trao tặng Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng, nhưng Người đề nghị chờ đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, lúc đó Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền nam trao tặng Người huân chương cao quý ấy. Năm 1967, Đảng, chính phủ Liên Xô quyết định tặng Huân Chương Lê nin cho Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm cách mạng tháng 10 Nga, Người đã từ chối khéo: “Trong khi giặc ngoài đang dã man giết hại đồng bào tôi, cả miền Nam, miền Bắc, nếu một mình tôi hưởng niềm hạnh phúc này thì không phải với đồng bào. Chờ đến khi vào giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tôi sẽ thay mặt đồng bào tôi hân hoan nhận niềm hạnh phúc này”. Đến ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, trên ngực Người vẫn không một tấm huân chương. Người là lãnh tụ duy nhất trên thế giới có nhiều cống hiến vĩ đại cho dân, cho nước, nhưng khi đi trái tim ngừng đập, trên ngực áo không có một tấm huân, huy chương nào.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, từ tuổi thanh xuân cho đến lúc đi theo các cụ Mác-Lê nin “thế giới người hiền” Người đã hi sinh hạnh phúc riêng để lo cho dân, cho nước.
Dân là gốc
Từ quan niệm: “Quan nhất thời, dân vạn đại” trong nhân gian, đến “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, hay quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển. Theo Người, “dân là gốc”, “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”…
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và Bác luôn tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân. Biểu hiện cụ thể đó là, Bác luôn tin vào sức mạnh của nhân dân: Bác luôn xác định: “Dân là gốc, gốc có vững, cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Niềm tin của Bác vào sức mạnh của nhân dân còn được thể hiện cụ thể đó là, trong cuộc kháng chiến chống Pháp có người mỉa mai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta rằng: “Việt Nam kháng chiến chống Pháp không khác gì châu chấu đá voi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời lại rằng: “Nay nghe châu chấu đá voi. Nhưng mai voi sẽ phải nòi ruột ra”. Vì Người tin dân, tin vào sức mạnh của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Theo Người: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; và “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm” đó là niềm vui, là khát vọng, là lý tưởng của Người. Vì vậy, Người đã viết trong Di chúc như sau: “Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi nhân dân, lo cho nhân dân. Trong nạn đói năm 1945, vì lo cho dân mà 10 ngày Người nhịn ăn một bữa để giành gạo cứu đói cho dân. Đặc biệt, Ở cương vị cao nhất là Chủ tịch nước, Người vẫn gần dân. Biểu hiện sinh động nhất là ngày 2/9/1945 ngay phút đầu tiên xuất hiện trước quốc dân đồng bào với tư cách là Chủ tịch nước, trong giờ phút trang trọng nhất của lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, đọc một đoạn Người dừng lại hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Câu hỏi của Bác thật mộc mạc, tự nhiên, chân thành và tình cảm. Đó là một điển hình mẫu mực về mối quan hệ gần gũi, thân thiết, gắn bó giữa lãnh tụ với quần chúng. Chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955- 1965), lúc ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 65-75 tuổi. Không quản tuổi cao, công việc bề bộn, 10 năm Người đi thăm cơ sở 700 lần. “Phố phường trận địa, nhà máy đồng quê đều in dấu dép Bác về Bác ơi”. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ 65-75 tuổi. Điều đó chứng tỏ rằng, ngay khi đi tìm đường cứu nước và khi làm lãnh tụ thì không bao giờ, không một giây phút nào Người xa dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh lo cho dân cả khi Người đã đi xa, trong Di chúc, Người lo cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng, lo cho cha mẹ, vợ con thương binh liệt sĩ, bà con nông dân và thanh niên, phụ nữ…lo cho hiện tại, lo đào tạo cho tương lai”.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương luôn hết mực vì con người, nhân ái, vị tha, khoan dung và nhân hậu. Biểu hiện cụ thể đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng ở con người. Hồ Chí Minh luôn tin ở phần thiện trong mỗi con người. Người dạy rằng: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt nảy nở như hoa mùa xuân để đẩy lùi phần ác chứ không phải đập cho tơi bời”. Vì tin tưởng ở con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình thương yêu cho mọi người, khoan dung, nhân hậu với mọi người, ngay cả những người lầm lỗi. Tình thương yêu bao la của Người dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã được trong văn, trong thơ, trong nhạc, trong họa ngợi ca rất nhiều. Cụ thể là, năm 1946, khi tham dự cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, Bác đã cởi ngay chiếc áo len đang mặc để gửi cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Người dành cả quần áo, khăn mặt, cả tiền nhuận bút và tiền lương tháng để tặng cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và các chiến sĩ. Khi biết con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đến ông bức thư. Trong thư có đoạn: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột”. Người đã từng nói: “mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng, gộp cả những nỗi đau khổ ấy lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Đối với nạn nhân của chế độ cũ, Bác mong muốn nhà nước giáo dục, rèn luyện và cải tạo họ để họ trở thành những người lao động lương thiện. Đặc biệt tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành cho chính kẻ thù khi bị thua trận. Trong một lần thăm tù binh Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cởi tấm áo khoác của mình cho một sĩ quan ốm yếu của Pháp mà người nhận tấm áo rét không hề biết rằng đó là người đứng đầu Việt Minh đang tổ chức kháng chiến. Tất cả những điều đó đã thể hiện một nhân cách lớn: hết mực vì con người, nhân ái, vị tha, khoan dung và nhân hậu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của ý chí và nghị lực, tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt được mục đích. Khi đã xác định được mục đích của cuộc đời mình là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang hết ý chí và nghị lực, vượt qua mọi khó khăn thử thách để đạt được mục đích.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua biết bao thử thách, khó khăn trong quá trình đi tìm đường cứu nước: cả khó khăn về vật chất, cả thử thách về tinh thần, về ý chí. Người đã rời bến cảng Nhà rồng quyết chí ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911 chỉ với đôi bàn tay trắng. Người đi sang Pháp và các nước phương Tây để tìm ra những gì ẩn giấu đằng sau những từ tự do-bình đẳng- bác ái, để trở về giúp đồng bào chúng ta. Trên bước đường gian truân ấy, Người đã trải qua biết bao nhọc nhằn, vất vả. Với đôi bàn tay đầy nghị lực, Người đã làm đủ mọi nghề “miễn là lương thiện” để sống và hoạt động.
Đặc biệt, giai đoạn (1931-1938) Bác còn bị tổ chức hiểu lầm, và gần như bị vô hiệu hóa suốt tám năm trời khi Bác có sự phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin về cách mạng vô sản ở Việt Nam nhưng chưa được Quốc tế cộng sản chấp nhận. Khiến Người phải sống trong tình trạng không hoạt động và giống như sống ở bên ngoài Đảng, ở bên cạnh Đảng. Đây là thử thách lớn nhất trong cuộc đời của Bác nhưng Người vẫn kiên trì đấu tranh bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình, kiên trì mục tiêu đã đặt ra.
Người vượt qua biết bao cực khổ trong ngục tù của bọn Tưởng Giới Thạch. Qua tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, chúng ta đã nhận thấy chế độ nhà tù tàn ác của quân Tưởng đã làm cho thân thể Người tiều tụy: răng rụng, mắt mờ, tóc bạc, ghẻ lở...nhưng chúng không thể nào khuất phục được bản lĩnh của một con người tràn đầy ý chí và nghị lực như Người. Trong tù, nhưng Bác vẫn làm thơ “Ngày dài ngâm ngợi cho khuây - Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua biết bao vất vả, gian lao thời kỳ chưa có chính quyền, có lúc phải ở trong hang đá lạnh, thời kỳ Người ở trong hang Pác Bó là thời kỳ vô cùng gian khổ, khó khăn, thiếu thốn nhưng Người vẫn lạc quan:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Nếu không có tinh thần lạc quan cách mạng, không có ý chí, nghị lực phi thường thì Bác của chúng ta đã không thể làm thơ lãng mạn đến như vậy.
Khi thời cơ tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua bệnh tật hiểm nghèo, quyết tâm giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thời kỳ hoạt động ở Tuyên Quang, Bác ốm rất nặng. Đêm ấy, sau cơn sốt, Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập”. Câu nói đó của Người thể hiện quyết tâm đánh giặc cứu nước. Quyết tâm ấy đã truyền sức mạnh cho cả dân tộc ta đứng lên làm cuộc cách mạng tháng Tám thành công.
Những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch
Thực tế chứng minh rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta và vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ, hy sinh, đạo đức cách mạng trong sáng, tư cách của Người vô cùng cao thượng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam nói chung và người Vĩnh Bảo nói riêng học tập và noi theo.
Thế nhưng, các thế lực thù địch với dã tâm thâm độc, không muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh. Chúng muốn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng bằng cách ngụy tạo chứng cứ và xuyên tạc, bóp méo tài liệu lịch sử về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh để lừa mị nhân dân, đổi trắng thay đen hòng làm mất đi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của nhân dân ta.
Cũng như nhiều năm trước, năm nay, gần đến dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2025), trên một số trang mạng xã hội lại xuất hiện tin, bài xuyên tạc về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo kiểu dựa trên những nguồn thông tin không rõ nguồn gốc, hình ảnh đã chỉnh sửa hoặc cắt xén để nhào nặn ra những thông tin sai trái, không đúng sự thật có liên quan đến con người, thân thế và sự nghiệp của Người. Chúng tận dụng tối đa internet và mạng xã hội để việc nói xấu càng tăng thêm hiệu ứng. Cách thức bôi nhọ và tung ra những thông tin bịa đặt xấu độc cũng được các thế lực phản động, chống phá cách mạng nước ta tiến hành rất đa dạng, tinh vi. Chúng cắt ghép, xâu chuỗi, thêu dệt, tạo dựng những câu chuyện xuyên tạc về quá khứ xuất thân, trình độ học vấn... của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để giả tạo hình ảnh, video, clip tung lên các nền tảng số, mạng xã hội. Có đối tượng còn tung tin rằng “lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hy sinh tại Trung Quốc” và “con người bằng xương bằng thịt được cả dân tộc Việt Nam tôn kính gọi là Bác Hồ không phải là Nguyễn Ái Quốc...”.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn bịa đặt, dàn dựng những vở kịch về đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các luận điệu như: “Hồ Chí Minh không phải là người vĩ đại đã hy sinh cuộc đời riêng để tận hiến cho dân tộc, mà đã từng có vợ, con...”. Chúng còn bịa đặt ra những câu chuyện hoang đường về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho rằng Bác không hề giản dị, thanh bạch “như cộng sản tuyên truyền”.
Thực tế đã sáng tỏ, khi làm lãnh tụ, Người đã vượt qua cám dỗ của vật chất, giàu sang, phú quý, sống thanh bạch, vì nước vì dân. Khi có chính quyền, ở cương vị cao nhất là Chủ tịch nước, Người luôn sống thanh bạch, vì nước, vì dân. Biểu hiện cụ thể là vào năm 1954, trên đường từ Việt Bắc về tiếp quản thủ đô, khi dừng lại ở Bắc Giang, nói chuyện với cán bộ chuẩn bị về Hà Nội, Người nói: “Chúng ta là cán bộ cách mạng, khổ mấy cũng chịu được, sướng mấy cũng chịu được”. “Khổ mấy cũng chịu được” thì rất dễ hiểu, nhưng “Sướng mấy cũng chịu được” thì không phải ai cũng hiểu được. Vì thực tế, có người gian khổ, hi sinh mấy cũng vượt qua được nhưng khi có chức, có quyền, được hưởng thụ sung sướng lại sa ngã, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến sai lầm vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Với ý chí và nghị lực của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta khi gian khổ mấy cũng chịu được và ngay trong lúc là lãnh tụ, ở đỉnh cao nhất của quyền lực và danh vọng nhưng Người vẫn giữ được mình. Bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta chính là con người mà: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”. Ở đây thể hiện một ý chí, nghị lực phi thường của Người mà mỗi chúng ta cần học tập.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn đến phi thường. Người là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, giữ liêm khiết, trong sạch, trở thành phong cách riêng của Người ở mọi lúc, mọi nơi. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trên chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong ngôi nhà sàn giản dị, đơn sơ, khi trở về thủ đô, Người cũng chỉ ở trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện. Năm 1958 nhà nước ta làm nhà sàn cho Người. Vì thế, một nhà văn đã viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ, bên cạnh cái ao nuôi cá làm cung điện của mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hành tiết kiệm. Người từng nhắc: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Và Người căn dặn: “Về việc riêng, sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được hoả táng vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất của dân”.
Hồ Chí Minh luôn sống giản dị, từ cách ăn mặc cho đến những sinh hoạt hằng ngày, ngay cả khi Người đã là Chủ tịch nước. Người chỉ có vài bộ quần áo may cùng một kiểu. Đến mùa rét, Bác chỉ mặc duy nhất một cái áo bông của đồng bào biếu, vì mặc nhiều năm nên áo bông đã bị rách ở vai và vỏ bọc ngoài áo bạc màu, anh em cán bộ xin được thay cái vỏ bọc ngoài cho mới, Bác liền bảo: “Này chú ạ, chủ tịch Đảng, chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy. Sao chú lại dám bỏ cái phúc ấy đi?”.
Là chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn tăng gia sản xuất cùng mọi người. Hằng ngày, trước giờ làm việc buổi sáng, hay sau giờ làm việc buổi chiều, Người đều tự tay cuốc đất, trồng rau, chăm sóc, vun xới cho cây cùng anh em trong cơ quan.
Bấy nhiêu đức tính cao đẹp chung đúc lại trong một con người làm cho tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên siêu việt, vô song “khó ai có thể vượt hơn”.
Noi theo gương sáng Hồ Chí Minh
Noi gương sáng Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ, đảng viên của chúng ta đã tận tụy suốt đời cho sự nghiệp cách mạng chung. Tiêu biểu như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hơn 80 năm cống hiến cho dân, cho nước, khi Đại tướng qua đời cả nước để tang. Trong bài thơ “Viếng Đại tướng”, nhà thơ Vương Trọng viết:
“Vĩnh biệt Người lòng con chợt hiểu
Quốc tang quý rồi, quý hơn nữa dân tang”
Nhân dân cả nước để tang Đại tướng vì Người đã suốt đời lo cho nước, cho dân.
Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng luôn nỗ lực, phấn đấu noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác. Điển hình như cụ bà Đặng Thị Ước ở thôn Hạ Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Bà kể lại rằng, ngay từ thuở nhỏ, khi thầy giáo dạy bà viết những nét chữ đầu tiên về hai chữ “Bác Hồ” mà tay bà run run, xúc động vì lòng kính yêu Bác. Nay cụ bà đã 83 tuổi. Khi Thành ủy Hải Phòng phát động tổ chức cuộc thi Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt I (2021 - 2022)” cấp thành phố, cụ bà Đặng Thị Ước đã đăng ký tham gia cuộc thi với tác phẩm diễn ca “Búp sen xanh”, tác phẩm được viết bằng thể thơ lục bát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ bà đã vinh dự nhận giải Nhì cuộc thi. Thể loại bà tham gia là thể loại Văn học không có giải Nhất, do vậy giải Nhì được xem là một giải thưởng cao nhất trong cuộc thi. Cụ bà Đặng Thị Ước cũng là tác giả cao tuổi nhất tham gia cuộc thi. Khi đón nhận tin vui này, bà vô cùng xúc động và tự hào. Bà chia sẻ rằng, từ nhỏ bà luôn thích tìm đọc những câu chuyện về Bác Hồ và một lòng tự hào, yêu kính đức tính giản dị, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, yêu thương hết mực vì con người của Bác. Đặc biệt khi bà đọc tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng đã truyền cho bà cảm hứng để bà sáng tác tác phẩm diễn ca Búp sen xanh. Bà coi đây là cơ hội để bày tỏ lòng kính yêu Bác vô hạn. Bà luôn giáo dục các con, các cháu phải không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác. Đồng thời, bà khuyên nhủ con cháu phải chăm chỉ đọc sách, bà cho rằng: “có tiền cho con dù nhiều, không bằng cuốn sách sớm chiều bên con”. Cụ bà Đặng Thị Ước còn tham gia câu lạc bộ thơ và thường xuyên có những tác phẩm thơ đăng trên báo, tạp chí. Bà bảo, nếu còn sức khỏe và còn minh mẫn bà sẽ còn tiếp tục sáng tác thơ về Bác, về quê hương đổi mới. Với bà, điều may mắn nhất là được sống trong một nước tự do, độc lập, được sống và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.


Noi theo gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù kinh tế huyện Vĩnh Bảo còn nhiều khó khăn, thu nhập của nhân dân nói chung còn thấp so với các quận nội thành. Song với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Vĩnh Bảo đã vận động cán bộ và nhân dân huyện nhà tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, chung tay giúp đỡ người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ngày 7/9/2024, siêu bão có tên quốc tế là Yagi đã đổ bộ vào nước ta. Theo đánh giá, đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử 70 năm qua. Cơn bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến công việc và đời sống của người dân. Sau bão, cả hệ thống chính trị tiếp tục căng mình khắc phục hậu quả. Huyện tập trung cao cho việc khôi phục điện nước, viễn thông, tái dựng hệ thống cây xanh và vệ sinh môi trường.Cùng với đó, nhiều hoạt động quyên góp, cứu trợ đã diễn ra.

Tổ chức tiếp nhận và vận động ủng hộ Quỹ cứu trợ thiên tai hỗ trợ nhân dân khắc phục bão số 3 với tổng số kinh phí là 11.566.025.000 đồng và một số hàng hoá cứu trợ. Số kinh phí và hàng hoá trên đã kịp thời hỗ trợ cho các hộ dân khắc phục bão số 3: Hỗ trợ xây mới: 81 nhà ở; sửa chữa 26 nhà ở với số kinh phí 8.491.025.000 đồng; Hỗ trợ khắc phục thiệt hại khác và kế sinh nhai cho 307 hộ với số kinh phí là 3.075.000.000 đồng; Hỗ trợ hàng hoá, nhu yếu phẩm cho 700 hộ dân. Huyện tập trung cao cho việc khôi phục điện nước, viễn thông, tái dựng hệ thống cây xanh và vệ sinh môi trường. Trong gian khó, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân chung 1 ý chí, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.

Trong những năm qua, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội là công việc thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là trong dịp Tết để mọi nhà, mọi người đều được vui xuân đón Tết.Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, MTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở đã trích Quỹ “Vì người nghèo” và phối hợp với các tổ chức thành viên vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng quà, hỗ trợ người nghèo đón Tết Nguyên đán trong không khí đầm ấm, vui vẻ.Toàn huyện đã trao tặng 7.316 suất quà cho người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trị giá 4.698.087.000 đồng; trong đó MTTQ Việt Nam huyện trao tặng: 1.086 suất quà trị giá 749.850.000đồng, MTTQ các xã, thị trấn trao tặng 2.539 suất quà trị giá 1.346.837.000 đồng, các tổ chức thành viên huyện trao tặng 3.331 suất quà trị giá 2.411.400.000 đồng.

Những nghĩa cử cao đẹp đó của cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Bảo chứng tỏ rằng, tấm lòng khoan dung, nhân hậu của Bác đã thấm sâu vào đạo đức, lối sống của mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Vĩnh Bảo nói riêng. Cũng vì noi theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhân dân huyện Vĩnh Bảo sẵn sàng chung tay đóng góp để cùng đồng hành, chia sẻ ủng hộ quỹ vì người nghèo. Đó là một minh chứng rõ nét từ những tấm lòng nhân ái, vị tha, hết mực vì con người của cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Bảo.

Thay cho lời kết
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn là ngọn đuốc soi đường, là biểu tượng sáng ngời của đạo đức cách mạng, của lòng yêu nước bao la và đức hy sinh quên mình. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là lúc hai tiếng “Việt Nam” bứt phá với khát vọng hùng cường. Nhưng khát vọng ấy không thể thành hiện thực nếu thiếu một nền tảng đạo đức vững chắc. Noi theo Bác là học cách sống có lý tưởng, có trách nhiệm với cộng đồng, biết đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.
Thế giới đang trong thời đại công nghệ, tri thức và tốc độ, nhưng nền tảng đạo đức vẫn luôn là giá trị cốt lõi, là “phần hồn” của sự phát triển bền vững. Một quốc gia muốn vươn cao, vươn xa, bên cạnh việc tăng trưởng kinh tế, thì việc xây dựng một nền tảng văn hóa – đạo đức có vai trò rất quan trọng. Hãy sống có đạo đức, hành động bằng niềm tin, và cống hiếnvới tinh thần trách nhiệm cao nhất. Học Bác, sống theo Bác là cách để ta dựng xây một xã hội tiến bộ, công bằng, nhân văn – nơi mỗi cá nhân đều là một “hạt nhân tử tế” trong hành trình dựng xây Tổ quốc Việt Nam “đàng hoàng hơn – to đẹp hơn” theo di nguyện thiêng liêng của Người.
Từ xưa tới nay, những người bôi nhọ, nói xấu người khác được xếp vào hàng tiểu nhân. Còn những người xuyên tạc lãnh tụ, thần tượng của nhân dân được coi là kẻ phản trắc. Chính vì lẽ đó, việc nhận diện và đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, bôi nhọ hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh cần được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Vấn đề cấp thiết hiện nay trong đấu tranh phòng, chống các luận điệu xuyên tạc là mỗi người dân Việt Nam, trong đó có nhân dân Vĩnh Bảo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và thẳng thắn lên án luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các đối tượng chống phá trong và ngoài nước bôi nhọ thanh danh, đạo đức, nhân phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi lòng dân đã thuận, một lòng kính yêu Bác thì không một thế lực phản động nào có thể thực hiện âm mưu đen tối đó. Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương cụ thể, vừa cao quý, vừa bình dị, gần gũi, mà mỗi chúng ta, bất cứ ai dù ở đâu, trên cương vị nào cũng có thể học tập và làm theo Người để xứng đáng với công lao to lớn của Người, góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác từng ước mong./.
Bùi Thị Lý
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Vĩnh Bảo, Hải Phòng