Liên quan đến vụ “Dự án chồng dự án - ai cho phép san lấp, trồng cột điện cao thế trên đất trang trại?” của Doanh nghiệp tư nhân Thành Minh (nay là Công ty TNHH Đại Phúc Thành), trong quá trình tìm hiểu, PV Báo CCB Việt Nam phát hiện UBND xã Khánh Cư đã nhận gần 2,3 tỷ đồng tiền đền bù từ Công ty TNHH MTV công nghiệp Hạ Long (gọi tắt là Công ty Hạ Long) - chủ đầu tư Khu công nghiệp Khánh Cư, khi đơn vị này tiến hành đền bù Dự án trồng cây xanh, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường trên phần đất giáp với Khu công nghiệp. Đáng nói, khi mới có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Ninh Bình, Công ty này đã rầm rộ triển khai san lấp, trồng cây xanh và di chuyển cột điện cao thế từ vị trí khác về dựng trên diện tích 8,62ha dự kiến giao (ảnh)…
Trao đổi với PV về vụ việc trên, ông Phạm Văn Hinh - Chủ tịch UBND xã Khánh Cư cho biết: Cuối năm 2016, UBND xã nhận được thông báo của UBND tỉnh về việc đồng ý cho Công ty Hạ Long thỏa thuận với xã nhận tiền đền bù ở dải cây xanh. Trên phần đất thực hiện dự án, ngoài đất UBND xã quản lý còn có 4 hộ dân khác cũng được đền bù...
Về diện tích đất của DNTN Thành Minh đang khiếu nại, ông Hinh cho biết trên hệ thống bản đồ địa chính xã Khánh Cư vẫn thể hiện diện tích 15.000m2 là đất do DNTN Thành Minh quản lý.
Theo tài liệu và hồ sơ, tháng 10-2002, CCB Nguyễn Đăng Thành - Giám đốc DNTN Thành Minh lập Dự án phát triển sản xuất theo mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây, thả cá…. Địa điểm xin đầu tư tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Đến ngày 4-4-2003, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định cho DNTN Thành Minh thuê 78.539m2 đất thực hiện Dự án. Sau đó DNTN Thành Minh ký hợp đồng thuê đất và trả tiền thuê đất một lần, được cấp quyền sử dụng đất trong 49 năm. Đến năm 2008, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 1946/QĐ-UBND thu hồi 15.000 m2/78.539m2 đất của DNTN Thành Minh để giao lại cho UBND xã Khánh Cư quản lý, lập kế hoạch sử dụng đất. Lý do mà UBND tỉnh Ninh Bình đưa cho rằng dự án của DNTN Thành Minh chậm triển khai theo tiến độ đăng ký đầu tư, nên... ra quyết định thu hồi?
Trong quyết định UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở TNMT chủ trì phối hợp UBND huyện Yên Khánh và các đơn vị liên quan xác định mốc giới tại thực địa, ký lại hợp đồng thuê đất, chỉnh lý biến động đất đai, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của Nhà nước. Mặc dù vậy, Sở TNMT tỉnh Ninh Bình sau đó không thực hiện nhiệm vụ được giao; DNTN Thành Minh không nhận được quyết định thu hồi đất và UBND xã Khánh Cư thì chưa hề nhận bàn giao đất ngoài thực địa…
Rõ ràng chưa nhận bàn giao, trên giấy tờ đất đai và hồ sơ địa chính vẫn thể hiện 15.000m2 đất do DNTN Thành Minh/Công ty Đại Phúc Thành quản lý, sử dụng, nhưng không hiểu sao UBND xã Khánh Cư lại đứng ra nhận 2,289 tỷ đồng (làm tròn) tiền đền bù từ Công ty Hạ Long chi trả? Và số tiền này sau đó được UBND xã Khánh Cư thực hiện chi trả cho các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn xã.
Khi được hỏi tại sao lại nhận tiền đền bù khi đất đó chưa phải là của xã? Ông Phạm Văn Hinh - Chủ tịch UBND xã Khánh Cư lý giải: “Việc nhận tiền là thực hiện theo chỉ đạo cấp trên”... UBND xã mới chỉ nhận tiền đền bù ở phần diện tích 10.000m2 Công ty Hạ Long đã san lấp, trồng cây. Số diện tích 5.000m2 còn lại, UBND xã đang đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình làm rõ, nếu xác định vẫn là đất của DNTN Thành Minh thì chúng tôi sẽ trả lại tiền đền bù! - ông Hinh biện minh.
Tìm hiểu được biết, có một điều rất “lạ” ở Ninh Bình, dự án trang trại của doanh nhân CCB Nguyễn Đăng Thanh chỉ là dự án nhỏ, triển khai một số hạng mục chậm so với tiến độ (hạng mục đào ao, thả cá trên diện tích 15.000m2 như Báo CCB Việt Nam đã đề cập ở bài viết trước), thì bị UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định thu hồi một phần diện tích. Trong khi đó, vừa qua báo chí và tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội đang diễn ra, có vị đại biểu đã nhắc đến một số dự án triển khai trên địa bàn tỉnh này sử dụng nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa… chậm hoàn thành so với tiến độ và đội vốn hàng nghìn tỷ đồng thì không thấy bị thu hồi?! Điển hình phải nói đến dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn gấp 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.959 tỷ đồng và dự án nạo vét sông Đáy đoạn từ cầu Gián Khẩu đến cửa đáy sông Hoàng Long từ hơn 2.078 tỷ đồng lên 9.720 tỷ đồng, đội vốn tới 7.642 tỷ đồng do Tập đoàn Xuân Thành trước đây triển khai. Hay mới đây, Dự án nạo vét tuyến sông từ hang Chùa đến hang Bụt, tuyến du lịch sinh thái Linh Cốc - Hải Nham, thuộc Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động trên địa bàn huyện Hoa Lư ,do một nhà thầu khác thi công có dấu hiệu đội vốn hơn 40 lần, tiếp tục được phát hiện. Theo quyết định phê duyệt ban đầu, tổng vốn dầu tư dự án này là 2,9 tỷ đồng, nhưng sau 15 năm vẫn chưa hoàn thành và hiện giờ đã đội vốn lên khoảng 117,8 tỷ đồng mà vẫn còn đang xin thêm vốn. Việc UBND xã Khánh Cư chưa được bàn giao đất, đã nhận hàng tỷ đồng đền bù, cần được làm rõ đúng sai.
Bài và ảnh: Doanh Chính