LS Triển khẳng định: Có quá nhiều điều khuất tất trong vụ kiện này. Tôi cùng các luật sư Phạm Hồng Hải và Nguyễn Hồng Bách xin khẳng định đây là một đường dây tham nhũng đất đai mà Báo NNVN cùng nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã dày công điều tra phanh phui, đảm bảo cho Nhà nước những lợi ích rất đáng kể. Nhưng tại sao từ bản án sơ thẩm đến phúc thẩm lại bỏ qua những hành vi đã được chứng minh rõ ràng như thế?. Chưa kể việc quy trình giao đất của UBND TP Hà Nội hoàn toàn trái với các nghị định của Chính phủ, các QĐ của UBND TP về đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng hạ tầng cơ sở,thì việc Cty lương thực Hà Nội lập hồ sơ đấu thầu cho tới : “3 cty ma”, bán tài sản cuả DN Nhà nước trước 10 tháng mới có hội đồng định giá, việc ông GĐ Sở TNMT lấy tờ trình xin giao đất của quận Ba Đình tại số 2-4 Đội Nhân để xin cho Cty ICC, trình UBND TP từ tháng 5-2002 đến tháng 9-2002 Cty này mới có giấy giới thiệu đến Sở TNMT để xin đất dự án và tháng 11-2002 mới có công văn gửi ông Lê Quý Đôn để xin giao đất, rồi vấn đề xin chữ ký giả của Cty ICC trong hồ sơ xin đất đã được chính thanh tra TP Hà Nội và C15 Bộ Công an xác nhận…chỉ riêng những vấn đề này cũng đủ để khởi tố vụ án , lôi những người cấp đất trái quyền ra tòa rồi. Càng nghiêm trọng hơn nữa, khi xin cấp đất, ICC một mực trình bày là để xây dựng nhà ở cho cán bộ Đảng và nhà nước nhưng thực tế lại rao bán chia nhau.

Đó rõ ràng là lừa đảo của ICC, vậy ai đã bao che cho những sai phạm ấy? Vì sao sai phạm rõ ràng đến như thế mà không bị xử lý? Hơn hết tôi cảm thấy đau buồn. những sai phạm của ICC đã đủ chứng cớ để khởi tố nhưng lại được hợp thức hóa một cách rất trắng trợn. Đau buồn vì những người đi bảo vệ công lý như Báo NNVN, nhà báo Nghiêm Thị Hằng và các luật sư như chúng tôi nhìn thấy công lý bị uốn cong.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách bất bình : Tòa đã đè lên pháp luật.

Trong 3 buổi giải trình , tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21, 22 và 27/10/2010 , phía bị đơn đại diện cho nhà báo Nghiêm Thị Hằng và các luật sư chúng tôi đã trình tòa đầy đủ các văn bản (gần 300 bút lục) có tính pháp lý chứng minh và tranh tụng bảo vệ các nội dung bài báo đăng là có cơ sở, đúng pháp luật, đúng Luật Báo chí, phía nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ nào bác bỏ các chứng cứ phía bị đơn.

Có thể TAND TP Hà Nội chịu áp lực của Thanh tra hay UBND TP nên đã lấy các văn bản kết luận của Thanh tra TP và các văn bản của UBND TP Hà Nội để bảo vệ các nguyên đơn. Các văn bản này đã được phía bị đơn chứng minh trái pháp luật, mạo dựng, để “ dối trên lừa dưới”, nhằm bảo kê cho ICC trong việc giao đất không phải đấu giá gây thất thoát cho ngân sách gần 700 tỷ đồng, để cứu cánh cho ICC và đường dây tham nhũng. Tòa cố tình bỏ quên không nhắc đến kết luận của C15 Bộ Công an thông báo những sai phạm của Cty ICC và ông Đồng tại văn bản 686, 1703 và biên bản họp liên ngành TP Hà Nội với C15 ngày 5-10-2006. Thật là kì án!

Nguyên đơn đã không thể chứng minh được khi mình được cấp giấy ĐKKD, có đủ tư cách pháp nhân, sao lại dùng giấy giới thiệu và công văn DETETOUR để xin dự án đất tại số 2-4 Đội Nhân và nhận dự án xây nhà A13 tầng các Ban Đảng ở Sài Đồng, trong khi đó TCty NEWTATCO ( tên mới của DETETOUR) có văn bản xác nhận không có liên doanh liên kết và không có dự án trọng điểm nào ký với Cty ICC. Việc ông Đồng mạo danh là người của Tổng cục II nhờ một vị là Phó trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương( nay là Ban Tuyên giáo trung ương) giới thiệu làm việc với Báo NNVN đã được xác nhận nhưng sao không thấy tòa nhắc đến?

Việc nguyên đơn đưa ra có đủ năng lực theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội và cho rằng, văn bản 686, 1703 của C15 đã kết luận sai, nhưng lại không đưa ra được văn bản nào của Bộ Công an bác bỏ nội dung các văn bản 686, 1703 của C15. Rồi chuyện có quảng cáo bán nhà đăng trên Thời báo Kinh tế số 199/2004, chuyện vẽ dự án lấn sang ngõ 2 Độ Nhân, chuyện cổ đông Phan Thị Thanh Vân góp cổ đông 16 tỷ bằng ngôi biệt thự đơn là vườn cây Nghĩa Tân, Cty DETILOPT không phải cổ đông không góp 10 tỷ cho Cty ICC… Nguyên đơn im lặng. tòa xử giữa ban ngày, chứng cớ của bị đơn sáng như ban ngày, sao bản tuyên án của Tòa phúc thẩm lại như án xử ban đêm vậy?

Còn chuyện bồi thường dân sự , tòa phúc thẩm đã tuyên án mà không theo các quy định của pháp luật quy định, thật là khôi hài. Ở phiên tòa này, Tòa đã đứng ra bảo vệ những người cùng đường dây tham nhũng, dùng con dấu của Thanh tra, con dấu của UBND TP Hà Nội mà đè lên pháp luật. Thật là kì án!

Cũng như LS Trần Đình Triển, LS Nguyễn Hồng Bách, GS-TS Luật sư Phạm Hồng Hải bất bình trước bản án trái pháp luật của Tòa phúc thẩm. Ông nói: “Tại phiên tòa phúc thẩm, tôi đã đề nghị hủy án sơ thẩm chuyển hồ sơ sang các cơ quan điều tra theo án hình sự. Bị đơn đưa ra đầy đủ bằng chứng để chứng minh các bài viết của Báo NNVN là đúng, đã bị tòa đối chất với tòa, Tòa cũng không đi thu thập các tài liệu theo đề nghị của bị đơn (như Tòa sơ thẩm đã đi thu thập tài liệu cho nguyên đơn), khiến vụ án sai lệch, thiếu chứng cứ. Việc nguyên đơn tự ý rút 104 tài liệu theo bút lục 775 không đưa ra được chứng cứ, đơn rút ngày nào, ai cho rút, rút bao nhiêu bút lục? Làm sai lệch vụ án thì không thể được, vậy mà Tòa phúc thẩm vẫn xử. Cty ICC đã bị Bộ Công an thông báo giả mại giấy tờ, giả mạo chữ ký, khai man vốn cổ động, mạo danh, mượn danh TCty DETETOUR… Đây là ý kiến của cơ quan điều tra Bộ Công an, tại sao không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra án hình sự? Thật khó hiểu? Cả ba luật sư chúng tôi đề nghị hủy án chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra án hình sự, là có căn cứ và đúng pháp luật. Tòa phúc thẩm đã tuyên một bản án trái pháp luật, gây thất vọng, mất niềm tin của nhân dân.

**Công lý **

Ý kiến của ông Đồng sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên bộ chính trị, nguyên Phó chủ tịch HĐBT, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn: “ Tôi ủng hộ nhà báo Nghiêm thị Hằng, nguyên bộ đội trường Sơn, đã có tinh thần đấu tranh bảo vệ đất đai của nhân dân. Cần động viên tinh thần các nhà báo”.

Ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó thủ tướng: “ Mất bút lục trong hồ sơ là điều kì lạ, cần phải được làm rõ. Pháp luật sẽ bảo vệ các nhà báo chân chính dám đấu tranh chống tham nhũng như nhà báo Nghiêm Thị Hằng”.

Ông Nguyễn Huy Hiệu, Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng: “ Pháp luật phải bảo vệ nhà báo Nghiêm Thị Hằng. Tòa án Hà Nội bảo vệ các nhà báo bảo vệ pháp luật, hay bảo vệ ai?”

LS Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội : “ Việc tùy tiện rút tài liệu ra khỏi hồ sơ vụ án là việc làm trái pháp luật, phạm vào tội là sai lệch vụ án”.

PGS_TS Mai Quang Vinh: “ Làm sai lệch hồ sơ thì tòa còn xử ai. Đề nghị Chính phủ lấy vụ án này làm điểm để công lý được trở về với nhân dân”.

Bà Ngụy Thị Tiến Cừ, nguyên Phó bí thứ Đảng ủy Bộ NN-PTNT : “ Tôi đề nghị pháp luật bảo vệ các nhà báo đấu tranh chống tham nhũng. Đề nghị các cấp động viên khen thưởng nhà báo Nghiêm Thị Hằng và các tòa soạn báo đã dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng”

PV