Một lần tham quan Phòng truyền thống Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5 tại Gia Lai, tôi vỡ òa xúc động được cùng cán bộ, chiến sĩ hòa ca bài hát truyền thống của đơn vị. Và những ca từ trong bài hát “Nguyễn Chuyển đó hiên ngang anh dũng/ Anh đứng trên mảnh đất Xuyên Trà/ Một mình một súng AK/ Đánh lui một tiểu đoàn cộng hòa ngụy quân” đã thôi thúc tôi về Đà Nẵng tìm gặp Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển.
Sinh năm 1951, tuổi đã cao, nhưng giọng nói của ông vẫn đầy hào sảng khi nhắc đến thời thanh niên sôi nổi, đầy nhiệt huyết. Ông Chuyển kể: “Tôi quê ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Thời niên thiếu, tận mắt chứng kiến bao tội ác man rợ của Mỹ - ngụy, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, mới 15 tuổi, tôi tình nguyện nhập ngũ với khát khao cháy bỏng góp phần đánh đuổi kẻ thù, giải phóng quê hương”. Lên chiến khu, ông được bổ sung về Đại đội 1 (Tiểu đoàn 90, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2). Sau một thời gian huấn luyện, Đại đội của ông cùng đơn vị bạn tổ chức đánh trận đầu tiên, tiêu diệt tiểu đoàn địch phiên hiệu “Rồng xanh” và một đại đội “mãnh hổ” của quân chư hầu. Kết quả, quân ta giành chiến thắng nhưng tổn thất cũng quá nhiều: Đại đội 1 có 120 đồng chí, sau trận này chỉ còn 30.
Gian khổ, hiểm nguy càng tôi luyện cho Nguyễn Đức Chuyển bản lĩnh kiên cường. Năm 1968, địch tăng cường đánh phá, phục kích, cắt, chặn đường hành lang từ căn cứ xuống đồng bằng, gây cho ta nhiều tổn thất, khiến tình hình lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. “Tương kế tựu kế”, Trung đoàn 1 tổ chức bộ phận gồm 1 tổ quân nhu và trinh sát từ căn cứ xuống xã Xuyên Trà (nay là xã Duy Trung, Duy Xuyên, Quảng Nam) đào hầm bí mật, tổ chức mua lương thực và các nhu yếu phẩm. Suốt 4 tháng ròng, ban ngày có địch thì xuống hầm bí mật, ban đêm địch không có thì lên hầm làm nhiệm vụ. Ngày 15-8-1968, bộ đội xuống lấy gạo, lúc cõng gạo lên rừng thì bị địch phục kích ở Xuyên Hiệp nên phải ở lại Xuyên Trà để giấu lực lượng trong đồng mía của dân và dọc theo bờ sông. Bộ phận đi lấy gạo, mỗi tiểu đội chỉ mang theo 1 khẩu AK để tự vệ, lại thuộc nhiều cơ quan, đơn vị nên việc chỉ huy chiến đấu không có. Với lực lượng đông, hỏa lực mạnh, địch gây cho ta nhiều thiệt hại. Trước tình thế đó, Nguyễn Đức Chuyển một mình với khẩu AK và 3 băng đạn, lợi dụng địa hình, địa vật quần lộn với quân thù. Mưu trí, cơ động linh hoạt, ông chiến đấu bền bỉ suốt buổi sáng, tiêu diệt được 19 tên. Đến chiều, địch tưởng rằng quân ta đông, chờ tối đến mới đánh tiếp nên rút lui về phòng thủ ở khu vực cầu Bà Rén. Nhân cơ hội này, ta cũng lo giải quyết thương vong. Ông Chuyển bị thương nặng, được đồng đội tìm thấy, khiêng về. Người dân xung quanh nghe tin đã đến thăm, tặng quà và địa phương tổ chức khiêng lên căn cứ Hòn Tàu. Bà con rỉ tai nhau: “Có nhiều bộ đội như chú Chuyển thì địch nào cũng thua”. Sau trận này, Nguyễn Đức Chuyển được đi dự Đại hội mừng công của Sư đoàn 2 và được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ. Đồng chí Nguyễn Huy Chương - Chính ủy Sư đoàn 2 đã đọc tặng mấy câu thơ: “Vui thay Đại hội hôm nay/ Hẳn còn nhớ mãi những ngày sống chung/ Nhớ Chuyển dũng mãnh kiên trung/ Đánh Mỹ, diệt ngụy biết dùng mưu cao/ Chuyển nhận Huy hiệu Bác trao/ Phần thưởng vô giá không nào quý hơn”.
Năm 1969, Nguyễn Đức Chuyển vinh dự được kết nạp Đảng tại trận địa lúc mới bước sang tuổi 18; rồi trở thành Đại đội trưởng Đặc công Trinh sát của Trung đoàn 1 khi mới tròn 20. Ông đã cùng đơn vị tham gia tác chiến 16 chiến dịch, đánh 55 trận, tiêu diệt và làm bị thương 1.257 tên địch, trong đó có 400 tên Mỹ; đánh thiệt hại 5 đại đội địch, bắt 79 tù binh, thu 130 súng, phá hủy 18 khẩu pháo các loại, bắn cháy 2 máy bay trực thăng, 2 xe bọc thép… Riêng ông tiêu diệt và làm bị thương 99 tên, có 45 tên Mỹ, thu 29 súng các loại, bắt 25 tù binh. Đặc biệt, trong số tù binh mà ông bắt có 1 tên lính đánh thuê. Với lòng nhân đạo của Quân đội ta, ông băng bó vết thương, cứu chữa, cho nước uống và thả hắn tại trận địa. Sau này anh ta trở thành Thiếu tướng quân đội Hoàng gia Thái Lan. 40 năm sau, ngày 20-6-2011, vị tướng này về hưu đã đi tìm và gặp được người ân nhân cứu mạng mình tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) trong một lần ông Chuyển cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Nguyễn Đức Chuyển được tặng thưởng 10 Huân chương Chiến công các hạng, 8 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt ngụy. Trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế, được tặng thưởng Huân chương Tự do, Huân chương Lao động của Nhà nước Lào, Huân chương Chiến công hạng Nhất của Nhà nước Campuchia. Ngày 29-1-1996, ông vinh dự được Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Về hưu năm 2007 với quân hàm Đại tá, Phó trưởng phòng Quân báo Quân khu 5, cư trú tại T.P Đà Nẵng, ông tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt - Lào Đà Nẵng, Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào của thành phố. Vốn tiếng Lào thuần thục, cùng trí nhớ của người lính trinh sát, ông cùng các CCB Sư đoàn 2 trải qua hàng chục chuyến vượt suối sâu, đèo cao, rừng rậm hiểm trở, qua Savannakhet, Chămpasăk tìm đồng đội hy sinh. Đối với liệt sĩ chưa xác định được danh tính, ông ghi lại cẩn trọng về thời gian, chiến trường hy sinh, sau đó, phối hợp với Phòng Chính sách Quân khu 5 sao lục hồ sơ gửi về các địa phương để tìm kiếm thân nhân và xác định danh tính liệt sĩ. Ông được Nhà nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Bộ Ngoại giao Lào tặng Bằng khen về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Bằng khen tại Hội nghị điển hình Người có công.
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Chuyển xứng đáng là một tấm gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ: Mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu; sâu nặng nghĩa tình với đồng chí, đồng đội.
Đỗ Thị Ngọc Diệp