Đầu giờ buổi chiều, Đoàn Chủ tịch gửi báo cáo tổng hợp về nhân sự ứng cử, đề cử tới các đoàn. Các đại biểu tiến hành việc xin rút ý kiến ứng cử, đề cử hoặc xin rút tên ra khỏi danh sách đề cử. Cuối giờ buổi chiều, các Trưởng đoàn báo cáo với Đoàn Chủ tịch Đại hội về danh sách nhân sự xin rút khỏi danh sách đề cử.
Trao đổi với báo chí. Mộ số đại biểu cho biết: Theo đồng chí Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, việc tăng thêm số Ủy viên TƯ chính thức là điều rất hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. “Trước những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ngày càng cao, không chỉ cần thiết tăng thêm số lượng, mà còn cần chú ý tới chất lượng để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Yêu cầu vừa nâng lên về số lượng, vừa nâng lên về chất lượng là yêu cầu rất khách quan, đòi hỏi chúng ta phải xem xét để thực hiện” – đồng chí Trần Văn Rón nói.
Đồng đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng khóa XI, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cũng nêu rõ, số lượng này là hợp lý, đảm bảo tính kế thừa và phát triển vì trong số Ủy viên chính thức có rất nhiều đồng chí mới và trẻ tuổi, chứ không chỉ trong Ủy viên dự khuyết.
Về Quy chế bầu cử trong Đảng, đồng chí Trần Văn Hằng, Ủy viên TƯ Đảng khóa XI, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Quy chế bầu cử đáp ứng đúng quy trình, điều lệ Đảng và rất chặt chẽ, đảm bảo quyền của đảng viên, của đại biểu. Quy chế bầu cử đã quy định, người không được cấp ủy giới thiệu sẽ không được ứng cử, không được nhận đề cử, nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là của Đại hội. Chưa nhiệm kỳ nào lại làm chu đáo, bài bản và rất công khai, minh bạch, thẳng thắn, đúng quy trình như lần này.“Nếu như trước đây, Đoàn Chủ tịch hội ý và quyết định cho rút khỏi danh sách giới thiệu hay không, nhưng nay sẽ do Đại hội quyết định. Đây là hình thức mới, thể hiện quyền của đại biểu, của ý chí toàn Đảng. Như vậy là rất dân chủ” – đồng chí Trần Văn Hằng nói.
Theo đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành TƯ khóa tới là những người lãnh đạo đất nước, điều quan trọng là những người phải có phẩm chất trí tuệ, phẩm chất cách mạng, lòng yêu nước, vừa có tầm trí tuệ, vừa có đạo đức sẽ xứng đáng được lựa chọn. “Với tôi, tiêu chí dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm là tiêu chí hàng đầu, bởi trong công tác lãnh đạo yếu tố quan trọng là đưa ra quyết định và để ra quyết định thì cần sự bản lĩnh, chịu trách nhiệm của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo không có tố chất này, sẽ là hạn chế trong triển khai thực hiện, nên tố chất đầu tiên của người lãnh đạo phải là dám chịu trách nhiệm” - đồng chí Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Các đại biểu cũng cho biết, sẽ nghiên cứu để sáng suốt lựa chọn được những đại biểu có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân để xây dựng đất nước phát triển như tinh thần của Đại hội nêu ra là “Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới”./.
Tô Kiều Thẩm (tổng hợp)