Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa đường máu mạn tính, hậu quả là làm tăng đường huyết kéo dài sau đó có rối loạn chuyển hóa mỡ, rối loạn đông máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp… Nhiều thống kê cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân ĐTĐ bị xơ vữa động mạch, tỷ lệ này chỉ chiếm 30% nếu bệnh nhân không có ĐTĐ. Tùy theo vị trí các mạch máu bị tổn thương, người ta thấy xuất hiện một số bệnh tim mạch khác như rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, suy tim, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim…
Rối loạn nhịp tim: Là một trong những vấn đề thường gặp nhất trong các biểu hiện bệnh tim mạch. Loạn nhịp tim có thể là chỉ một sự khó chịu nhẹ nhưng cũng có thể là một tình trạng bệnh lý nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi cơ thể nghỉ ngơi, quả tim đập chậm lại và khi hoạt động, đặc biệt là hoạt động gắng sức, quả tim sẽ đập nhanh hơn để cũng cấp oxy cho các bắp cơ. Nhịp tim bị rối loạn có thể là không đều hoặc quá nhanh hoặc quá chậm không phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Loạn nhịp tim nhiều khi không gây triệu chứng. Trong trường hợp tim đập quá chậm, người bệnh có thể bị chóng mặt hoặc ngất và xuất hiện các triệu chứng của suy tim như khó thở, phù mắt cá chân… Khi tim đập quá nhanh, triệu chứng thường gặp là hồi hộp, đánh trống ngực, nếu nặng có thể có biểu hiện suy tim.
Tổn thương động mạch vành: Bệnh nhân ĐTĐ có hẹp hay tắc động mạch vành nhiều gấp 3 lần người bình thường. Tổn thương động mạch nuôi tim (động mạch vành) sẽ gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, chết đột ngột. Bệnh chứng cấp tính là những cơn đau thắt ngực làm cho bệnh nhân vùng sau xương ức đoạn 1/3 dưới, lúc đầu chỉ đau khi gắng sức, sau một thời gian đau cả khi nghỉ ngơi, đau có thời gian tăng dần, đau như ép ngực, đau vã mồ hôi, đau lan lên hàm và hai tay, ngậm thuốc dãn mạch vành thì bớt đau. Ngoài ra, còn có tình trạng nhồi máu cơ tim xảy ra ở vị trí đau như trên nhưng đau nhiều hơn, ngâm thuốc không bớt, có thể tụt huyết áp, tử vong do loạn nhịp tim, nguy hiểm.
Nhồi máu cơ tim: Gây hoại tử phần lớn cơ tim nên tim không bơm đủ máu nuôi cơ thể. Bệnh nhân khó thở, trụy mạch, chi lạnh, không có nước tiểu, 95% tử vong nếu không được nong động mạch vành. Nặng nhất là tử vong đột ngột do tắc một nhánh động mạch vành lớn gây vỡ tim hay loạn nhịp tim nguy hiểm. Biến chứng mạn tính do ĐTĐ gây ra là bệnh nhân bị tổn thương hẹp động mạch vành diễn biến âm thầm, bệnh nhân không có cảm giác đau nhưng có thiếu máu hay nhồi máu hay nhồi máu, cơ tim yên lặng, gây hậu quả suy tim xung huyết trên bệnh nhân ĐTĐ.
Xơ vữa động mạch: Là bệnh do động mạch bị xơ cứng và nhỏ hẹp hơn bình thường. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ vùng nào trong cơ thể và là nguyên nhân chính gây đột quỵ. Ở giai đoạn sớm của bệnh, không thấy có dấu hiệu bất thường nào. Dần dần về sau, các triệu chứng rõ ràng hơn. Nguyên nhân là do dòng máu cung cấp tới các tạng trong có thể bị giảm dần. Nếu động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim bị tắc, nhẹ sẽ xuất hiện triệu chứng đau tức ngực; nặng thì xảy ra cơn đau tim đột ngột gây tử vong.
Suy tim: Đây là biến chứng tim mạch nguy hiểm nhất của người bệnh ĐTĐ, suy tim, còn gọi là suy tim sung huyết (CHF), có nghĩa là trái tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Theo thời gian, bệnh động mạch vành hoặc huyết áp cao dần gây thiếu máu cơ tim, làm cho tim luôn hoạt động trong tình trạng gắng sức, dẫn đến suy tim.
Các bệnh tim mạch ở người bệnh ĐTĐ diễn biến âm thầm nhưng nguy hiểm. Do vậy, người bệnh cần phòng hơn chữa bằng cách ổn định huyết áp, ổn định đường huyết và giảm chỉ số HbA1C để không chỉ ngăn ngừa biến chứng tim mạch mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác.
Hải Nam